“Cá mập” Thái Vân Linh từng xuất hiện trong một chương trình khởi nghiệp trên truyền hình đã có những chia sẻ về con đường tiến tới thành công của mình.
Shark Linh vốn xuất thân từ gia đình nghèo khó với mẹ là thợ may gia công và cha là thợ cắt cỏ
Vốn xuất thân từ gia đình nghèo khó với mẹ là thợ may gia công và cha là thợ cắt cỏ, Shark Linh bắt đầu ý thức được vai trò của mình trong gia đình. Hàng ngày, ngoài giờ đi học, buổi tối chị thường nhận may gia công và cuối tuần đi cắt cỏ thuê để kiếm thêm thu nhập.
Sống trong cảnh nghèo khó, chị luôn ý thức việc phải nỗ lực để thoát nghèo.
“Khi còn nhỏ, mình không biết đi chơi là gì. Bài học mình học được khi ấy là nếu muốn đạt được cái gì, mình cần phải cố gắng hết sức. Đó cũng là điều tạo nên nền tảng cho mình đến ngày hôm nay.
Mình rất tin vào câu “Thành công chỉ 1% là thông minh, còn 99% là chăm chỉ", Shark Linh nói.
Biết gia đình không có nhiều tiền, Shark Linh quyết tâm phải tự lo việc học đại học. Mặc dù vậy, khi đi ghi danh nộp đơn, chị được 2 trường chấp nhận, trong đó có một trường cấp học bổng toàn phần, một trường còn lại uy tín hơn nhưng chỉ hỗ trợ một phần tài chính.
“Suy nghĩ rất lâu, cuối cùng mình quyết định chọn trường chỉ hỗ trợ một phần tài chính. Với nhiều người có lẽ sẽ chọn hướng 100% được tài trợ. Nhưng mình quyết định chọn trường tốt vì nhận thấy rằng trường đó nếu học sẽ ảnh hưởng đến tương lai của mình khá nhiều”, Shark Linh kể lại.
Lựa chọn ngôi trường không tài trợ học bổng toàn phần, cô gái tuổi đôi mươi sau mỗi giờ học phải đi làm thêm tới 40 giờ/tuần.
Một ngày của chị thường bắt đầu từ 8-9h sáng, kết thúc lúc 8-9h tối, sau đó đi ôn bài, họp nhóm để làm dự án chung trong lớp.
Shark Linh hiện đang là Giám đốc Vingroup Ventures
Đến khi quyết định học lên thạc sỹ, chị tiếp tục phải đắn đo. “Thêm một lần nữa mình biết tình hình kinh tế gia đình không khả quan. Mặt khác, mình lo không biết ngôi trường nào sẽ chấp nhận mình”.
Một trong những yếu tố các trường đòi hỏi là ứng viên phải đạt điểm cao trong cuộc thi GMAT. Đây vốn là bài thi đánh giá khả năng của sinh viên khi nộp đơn vào chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh.
Điểm GMAT tối thiểu các trường yêu cầu ở mức 700, nhưng khi làm thử chị chỉ đạt 500 điểm.
“Để đạt được 700 điểm, mình buộc phải gò mình làm 2 bài test/ ngày, mỗi bài mất 2,5-3 tiếng.
Trong một ngày mình đã đi làm hơn 10 tiếng. Mình phải chấp nhận mỗi ngày làm việc trở nên dài hơn. Mình chấp nhận đi sớm ôn bài từ 6-9h sáng, sau đó làm việc đến 8h tối và tiếp tục ôn bài đến 11h đêm. Sau 6 tháng, cuối cùng mình đã đạt 720 điểm”, Shark Linh kể lại.
Hai thứ chị chọn hy sinh khi ấy là Tiền và Gia đình
Tất nhiên, thành công nào cũng luôn phải đánh đổi; đã lựa chọn là phải hy sinh. Hai thứ chị chọn hy sinh khi ấy là Tiền và Gia đình
Để đi học trường danh giá đó, Shark Linh phải mượn tiền để đi học. "Nói thật đến ngày hôm nay, Linh vẫn còn trả tiền trường", Shark Linh nói.
“Điều đánh đổi thứ hai chính là gia đình. Lúc đó gia đình mình khá khó khăn. Khi ấy ba vừa mất, Linh phải là người lo cho mẹ và em gái.
Khi đi học cũng không có tiền lương, bởi lần này học Thạc sỹ rất khó, vừa học vừa làm là không thể. Linh bàn với mẹ về quyết định mình buộc phải đi xa. Vì tương lai của gia đình, mình buộc phải làm. Mình biết ngay lúc đó đây là quyết định ngắn hạn. Gia đình mình phải chịu cực nhưng sau đó mình sẽ có thể phát triển hơn", Shark Linh nghẹn ngào kể.
Bản thân chị cho rằng, yếu tố lớn nhất khiến nhiều người không đạt được mục tiêu chính là không biết mục tiêu của mình là gì.
“Có người sáng thức dậy đi làm, tối về xem TV hoặc đi nhậu. Họ không biết mình muốn cái gì mà chỉ nghĩ mình muốn sung sướng.
Thực tế ai cũng có tài năng. Nhưng họ phải chọn dùng tới nó và chọn việc bỏ ra nhiều động lực hơn những người khác để mình đạt được những điều mình muốn.
Còn với mình, đi sớm, về trễ, tiếp tục làm việc tìm hiểu. Đó chính là bí quyết để thành công", Shark Linh chia sẻ.
Thúy Nga
Lý do Shark Việt bỏ ngoại thương, an ninh để theo học thủy lợi
Từng đăng ký vào ba trường đại học lớn là Kinh tế quốc dân, Ngoại thương và An ninh nhưng cuối cùng, Shark Nguyễn Thanh Việt lại lựa chọn ĐH Thủy Lợi theo lời khuyên của bố.