- Câu chuyện về "kho báu" chứa 4.000 tấn vàng ở núi Tàu tỉnh Bình Thuận (hay còn gọi là kho báu Yamashita) đã khép lại sau khi UBND tỉnh này ra quyết định chấm dứt hoàn toàn việc tìm kiếm vào tháng 3/2015.
Đúng một năm sau, câu chuyện về "kho báu" chứa 4.000 tấn vàng lại nóng lên khi có người dân đến chính quyền trình báo về các vị trí nghi là cửa vào kho báu.
Người trình báo là ai?
Ông Đặng Ngọc Long, chủ tịch UBND xã Phước Thể cho biết: Vào sáng ngày 4/3 có hai người đàn ông đến UBND xã trình báo, đưa ra tấm bản đồ ghi 3 vị trí chôn giấu vàng.
Khu vực biển Cửa Sứt |
Chiều cùng ngày, theo chỉ đạo của UBND huyện Tuy Phong, ông Long đã tổ chức đoàn công tác cùng 2 người dân đi khảo sát thực địa vị trí nghi chôn giấu kho báu tại khu vực động cát ven biển từ lưu vực Đầm đến Cửa Sứt thuộc thôn 1 xã Phước Thể.
Nơi nghi chôn giấu vàng là 3 chiếc giếng. Trong đó, giếng thứ nhất chiều sâu 5m, đường kính 1,2m cách mép nước biển 5m; giếng thứ hai chiều sâu 7m, đường kính 1,4m, cách mép nước biển 50m; giếng thứ ba chiều sâu 4m, đường kính 0,8m, cách mép nước biển khoảng 50m. Khoảng cách giữa các giếng từ 500 đến 700m.
"Sau buổi khảo sát, khi tiến hành lập biên bản, người trình báo đề nghị chúng tôi bảo mật thông tin và có phương án bảo vệ hiện trạng, thế nhưng không hiểu sao đi cùng với người này còn có nhà báo và ngay chiều hôm đó báo chí đã đăng thông tin về vụ việc", ông Long thắc mắc.
Nguồn tin của VietNamNet cho biết, người đàn ông đến trình báo là ông Hoàng Văn Đ., 44 tuổi, nhà ở đường Quang Trung, phường 12, quận Gò Vấp, TPHCM.
Trong buổi làm việc với UBND xã Phước Thể, ông Đ. khẳng định mình đã bỏ công sức nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu tài liệu và may mắn có được tấm bản đồ xác định 3 vị trí chôn giấu kho báu.
Ông Đ. cũng trình bày đã có nhiều chuyến khảo sát vùng này, xem xét kỹ lưỡng 3 chiếc giếng được đánh dấu theo tấm bản đồ là nơi chôn giấu vàng của quân đội Nhật trước năm 1945. Khi đã khẳng định chính xác ông mới tiến hành trình báo cho chính quyền địa phương.
Vị trí khoanh đỏ là khu vực miệng giếng được người dân trình báo |
Người trình báo cho biết không có ý định khai quật kho báu mà chỉ xin nhận số tiền thưởng dành cho người cung cấp thông tin theo quy định.
Mục sở thị "cửa kho báu"
Khi chúng tôi có ý định nhờ đưa đến các vị trí đã khảo sát thì ông Long từ chối vì vụ việc đang được báo cáo, chưa có ý kiến chỉ đạo của huyện, tỉnh.
Để có thêm thông tin, giữa trưa nắng, chúng tôi quyết định tìm đến khu vực biển Cửa Sứt.
Con đường đất đỏ từ QL1 men theo chân núi Tàu vào một làng chài nhỏ mang địa danh Cửa Sứt thuộc xóm 9 thôn 1 xã Phước Thể. Người đầu tiên chúng tôi được gặp là bà Đoàn Thị Khinh (65 tuổi) nhà ở trong xóm.
Khi được hỏi thăm về các cái giếng nằm ven biển ở khu vực này, bà Khinh nói ngay: cách đây vài ngày có nhiều người đến xem cái giếng nước nước ngọt nằm sát bờ biển mà gia đình bà từng sử dụng trước đây.
Anh Huỳnh Tấn Hưng, con trai bà Khinh cho biết thêm: "Trước đây người dân khai thác đá quánh dọc bờ biển (một loại tài nguyên độc đáo do sỏi và cát biển kết dính chặt lại như đá núi, người dân địa phương dùng đục sắt đục thành từng khối hình chữ nhật để bán làm vật liệu xây móng nhà) đã sử dụng giếng nước này trong quá trình làm việc nhưng sau đó không còn đá để khai thác nên không ai lui tới khu vực này nữa, giếng cũng bị cát biển vùi lấp. Cách đây khoảng 4 năm, tui đã nạo vét lại giếng và đặt 2 cái bi tròn phía trên để lấy nước ngọt đi biển nhưng bây giờ giếng không còn dùng được nữa vì đã bị nhiễm mặn".
Cận cảnh khu vực miệng giếng bỏ hoang |
Năn nỉ mãi anh Hưng mới chịu dẫn chúng tôi ra xem giếng. Không phải anh ngại cái nắng nóng và leo đồi cát mà anh không tin có vàng bạc gì trong cái giếng đó.
Vượt qua đồi cát cao và đi dọc bờ biển khoảng 1km, anh Hưng chỉ cho chúng tôi một cái giếng nước nằm cách mép biển khoảng 5m. Theo quan sát, khu vực này hoàn toàn hoang vắng. Do trước đây người dân đục đẽo khai thác đá quánh nên cát ở ven biển có những hình thù tựa như những di tích thành cổ bị cát vùi lấp.
Giếng nằm cao hơn mực nước biển khoảng 5m. Từ miệng xuống đáy sâu gần 10m, thành giếng có 3 lớp: trên cùng là lớp bi tròn bằng bê tông rộng 1,2m sâu gần 2m do chính tay anh Hưng đặt xuống, lớp thứ 2 bằng bê tông hình chữ nhật rộng khoảng 2m sâu 1,5m và dưới cùng là lớp đá quánh.
"Ngoài 2 cái bi tui gắn ở trên thì lớp bê tông hình chữ nhật là có sẵn trước đó. Khi tui kiểu (đào) lại giếng bị vùi lấp tới độ sâu đó thì có nước nên dừng lại chứ nếu không vẫn có thể đào sâu hơn được nữa. Trong suốt quá trình đào tôi chẳng gặp vật cản gì hay điều gì bất thường cả", anh Hưng khẳng định.
Khi chúng tôi thắc mắc tại sao có sẵn lớp bê tông hình chữ nhật trong giếng, liệu trước đây khu vực này có một đơn vị quân đội hoặc tổ chức nào ở đây hay không, bà Khinh cho biết từ năm 1976 bà đến đây thì khu vực này hoàn toàn hoang vắng còn trước đó như thế nào bà không biết.
Theo bà Khinh và anh Hưng 2 chiếc giếng còn lại ở cách đó từ 500 - 700m hoàn toàn là giếng bình thường do người dân trong xóm mới đào sau này để lấy nước sinh hoạt. Do vậy chúng tôi quyết định không tiếp tục đến đó nữa.
Anh Huỳnh Tấn Hưng khẳng định không có gì bất thường ở 3 cái giếng được trình báo dấu vàng |
Được biết đến ngày 10/3, UBND huyện Tuy Phong đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh và các ngành có liên quan về toàn bộ vụ việc.
Người trong cuộc nói gì?
Ngay sau khi có thông tin về vụ việc, PV đã liên lạc với cụ Trần Văn Tiệp - người đã hơn 40 năm sống chết với “kho báu” Núi Tàu. Mặc dù đã hơn 100 tuổi nhưng cụ Tiệp vẫn minh mẫn. Cụ cho biết đã nghe thông tin qua báo chí. Cụ khẳng định không bao giờ có “kho báu” ở khu vực đó vì gần biển không thể chôn vàng được.
“Tôi đã mất biết bao tiền của, công sức đi tìm vài chục năm nay rồi mà vẫn chưa thấy, bây giờ muốn nói có thì phải khẳng định bằng khoa học, máy móc chứ không thể nói miệng kiểu đó được”, cụ Tiệp nói.
Những cán bộ được UBND tỉnh Bình Thuận phân công theo dõi, giám sát quá trình thăm dò, tìm kiếm “kho báu” của của cụ Tiệp trước đây khi nghe thông tin mới về “kho báu” núi Tàu cũng tỏ ra ngán ngẫm.
“Không biết đến bao giờ câu chuyện ảo tưởng về “kho báu” này mới kết thúc. Nó không chỉ gây thiệt hại cho người bỏ công sức, tiền của ra tìm kiếm mà chính quyền còn phải cử người ra giám sát, rồi ảnh hưởng cảnh quan môi trường, trật tự trị an xã hội”, một người trước đây có trách nhiệm theo dõi vụ tìm kiếm “ kho báu “ núi Tàu cho chúng tôi biết.
Khi được hỏi liệu có “kho báu” ở núi Tàu như những gì người trình báo đưa ra hay không, hầu như không một người dân địa phương nào tại Tuy Phong tin là có.
Nhiều người cho rằng trước năm 1975 họ nhìn thấy trực thăng của Mỹ thường xuyên đậu trên đỉnh núi Tàu, dưới chân núi thì lính rào hết không cho ai lên, nếu có thì Mỹ với kỹ thuật tiên tiến đã lấy đi hết rồi. Còn nếu không, thì sau này có một công ty nuôi tôm của Nhật cũng đào quanh chân núi Tàu nhiều năm, sau đó ngưng không hoạt động nữa. Nếu có “kho báu” của người Nhật để lại thì biết đâu chính công ty của người Nhật này đã khai thác lấy đi hết rồi (?)
Tuy không ai tin là có, nhưng vì sao câu chuyện về "kho báu" núi Tàu lại luôn nóng trong suốt hơn 40 năm qua?
Lê Huân
Bài 2: Bí ẩn kho báu Yamashita