Ảnh số được tải lên mạng và tài khoản mạng xã hội có thể gây phiền toái đến gia đình sau khi chủ sở hữu qua đời, nhưng mỗi site lớn có cách xử lý khác nhau. Facebook, mạng xã hội lớn nhất Internet luôn giữ tài khoản mở, thông tin chỉ bị xoá hoàn toàn nếu nhận được yêu cầu chính thức huỷ tài khoản. Trang chia sẻ ảnh số Flickr cùng nhiều dịch vụ khác của Yahoo không cho phép chuyển quyền sở hữu. Nếu không được đăng kí theo luật bản quyền nguồn mở (Creative Common), ảnh được tải lên mạng thuộc quyền sở hữu của người tải, và sẽ "ra đi" khi người đó qua đời. Nhưng trên thực tế, tài khoản các dịch vụ Yahoo vẫn hoạt động nếu được đăng nhập vào đều đặn. Do đó, nếu không giữ được thông tin đăng nhập, người thân trong gia đình chỉ có cách duy nhất gửi giấy báo tử đến nhóm phụ trách pháp lý của Yahoo yêu cầu đóng tài khoản.
Còn vài trường hợp khác, như tài khoản trả phí Flickr Pro. Nếu chủ sở hữu không còn sống để tiếp tục đóng phí, tài khoản Pro sẽ chuyển về tài khoản miễn phí thông thường, và sẽ không còn ai xem được các ảnh độ phân giải cao nếu có. Tuy nhiên, các ảnh này không bị xoá - chúng vẫn nằm đó và xuất hiện trở lại trên mạng nếu tài khoản của người quá cố được ai đó nâng cấp lên Pro một lần nữa.
Các website truyền thống phức tạp hơn một chút. Thông thường, website có hai phần: tên miền và hosting lưu trữ nội dung trang. Tên miền thường mua có thời hạn mà sau đó bất kì ai cũng có thể mua lại. Hosting phải được đóng phí duy trì đều đặn. Các dịch vụ hosting miễn phí sẽ tự đóng sau một thời gian không được cập nhật, thường là 90 ngày. Nói ngắn gọn, website sẽ nhanh chóng "chết" nếu chủ nhân thực sự của nó qua đời.
Các dịch vụ blog - "nhật kí trên mạng" - thường có cách xử lý khá lạ, như Wordpress.com không hề xoá các tài khoản không hoạt động. Muốn huỷ hoàn toàn một trang blog, "chính chủ" phải yêu cầu với hãng cung cấp dịch vụ. Gia quyến của người dùng mới qua đời có thể áp dụng phương án tương tự với Yahoo ở trên.
Trên thực tế, xử lý các dấu tích còn lại trên mạng sau khi chết được rất nhiều người quan tâm nghiêm túc. Tạp chí dành cho doanh nhân uy tín Forbes thậm chí khuyên độc giả bổ nhiệm người đại diện xử lý các vấn đề còn tồn đọng sau khi đã qua đời. Họ sẽ nắm tên đăng nhập, mật khẩu và các thông tin quan trọng để xử lý tài khoản các dịch vụ trực tuyến, đặc biệt nếu chúng lưu những thông tin nhạy cả mà thân chủ không muốn người thân phát hiện ra.
Ngược lại, nếu muốn những gì đã đưa lên Net vẫn tiếp tục tồn tại ngay cả sau khi bản thân đã qua đời, trông cậy người đại diện là phương án tốt nhất. Họ sẽ định kì đăng nhập vào các tài khoản miễn phí, tiếp tục trả phí cho tài khoản "pro" và website "sống" tiếp. Thân chủ có thể đăng kí sẵn tên miền khoảng 8 năm, trả tiền hosting sẵn vài năm nếu muốn, hoặc đơn giản hơn để lại chi phí để người đại diện đóng phí hộ sau khi đã qua đời.
Nếu các phương án trên đều thất bại, vẫn còn "Kho lưu trữ" Internet Archive tự động giúp chúng ta thành "bất tử với thời gian". "Kho lưu trữ" này không lưu ảnh cá nhân trên Flickr, hoặc các nội dung được bảo vệ bằng mật khẩu, nhưng gìn giữ rất tốt nội dung chữ và trang công cộng. Nếu site chưa được đưa vào "kho", người dùng có thể tự bổ sung qua Alexa.
Tuổi thọ chúng ta có giới hạn, nhưng một phần "của cải trực tuyến" có lẽ sẽ tồn tại mãi mãi.
Theo Techradar/Dân Trí