Đại biểu nói: “Trong thực tế, chúng ta đã giảm mức độ phòng dịch, thậm chí nhiều nơi đã coi như hết dịch. Bằng chứng là tỉ lệ đeo khẩu trang, xét nghiệm Covid-19 hay các đơn vị điều trị hiện nay ngày càng giảm xuống".
Để thuyết phục, ông lập luận: “Chúng ta cũng thấy rõ là trong hội trường Quốc hội không ai đeo khẩu trang. Trong khi nếu theo quy định phòng chống đại dịch thì phải đeo khẩu trang".
Nhìn trong hội trường, hay trong các cuộc thảo luận ở tổ của Quốc hội, việc đeo khẩu trang dường như đã chấm dứt.
Cách đây vài tháng, tôi đã viết bài đề nghị bỏ quy định đeo khẩu trang để tạo thuận lợi cho người dân, cũng như giữ được sự nghiêm minh của luật pháp. Cứ giữ quy định đeo khẩu trang mà gần như toàn dân phớt lờ thì hiệu lực pháp luật không có.
Mới đây, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo trong phiên họp Chính phủ tháng 10 rằng, Việt Nam được đánh giá là xếp thứ 2 thế giới về phục hồi sau dịch theo xếp hạng tháng 8 của Nikkei, đứng thứ 7 thế giới về tỉ lệ tiêm liều nhắc lại, thứ 5 về số liều vắc xin trung bình mỗi người dân nhận được.
Đó là sự thăng hạng ngoạn mục nhất trong bảng xếp hạng của Nikkei!
Xin chia sẻ một góc nhìn riêng của doanh nhân Lương Hoài Nam. Ông cho biết, 4 thành viên gia đình ông đang nhiễm Covid-19 nhưng ông cũng ủng hộ ý kiến của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu về việc công bố kết thúc đại dịch ở nước ta, trở lại trạng thái bình thường. Với 3-4 liều vắc xin đã tiêm, có bị Covid cũng rất nhẹ, chỉ ngang với cúm thường thôi. Ngay cả ở sân bay Changi, nơi bay qua mấy tuần trước, họ không còn bắt đeo khẩu trang, dù Singapore đang có một đợt dịch Covid-19.
Trách nhiệm phòng chống và chữa bệnh Covid-19 đã được trao cho dân. Khi đó, ngành y tế sẽ có cơ hội tập trung cho các bệnh khác có nguy cơ còn cao hơn Covid-19.
Tuy nhiên, quy định phòng chống dịch, theo tôi, vẫn nên được áp dụng ở các khoa hồi sức, cấp cứu trong bệnh viện.