Chị Bảo Ngọc (Nghệ An) là người thường xuyên mua sắm hàng online qua Facebook. Sản phẩm chị mua nhiều nhất là quần áo, giày dép, túi xách. Mặc dù cũng có nhiều lần hàng về tay không đúng ý, rủi ro như hàng không đẹp như quảng cáo, kích cỡ không vừa, chất liệu kém.

Tuy nhiên, việc mua hàng online mới đây mới thật sự khiến chị Bảo Ngọc và cả nhà hết hồn. Chị Ngọc cho biết, chị xem trên mạng thấy nồi niêu mẫu mã đẹp, bán giá rẻ, dưới bài đăng lại có cả nghìn lượt like, bình luận nên chị tin tưởng đặt mua 1 chiếc chảo sâu lòng.

“Hình thức đẹp, giá rẻ nên tôi liền đặt mua. Chiếc chảo có giá 190.000 đồng, cộng tiền ship, tổng số tiền thanh toán là 225.000 đồng”, chị nói.

Chiếc chảo chị Bảo Ngọc mua một lần rồi vứt xó vì rỉ sét, khi đun nấu ra thứ nước xỉn màu. Ảnh Diệu Thuỳ 

Tết vừa qua chị làm món lẩu, liền đưa chiếc chảo sâu lòng mới mua ra dùng thử.

“Hôm đó nồi nước lẩu sôi 5 phút thì bỗng chuyển sang màu đen. Cả nhà thắc mắc không hiểu tại sao. Lúc đầu cứ nghĩ hay tại mình cho quả sấu vào nên thành ra như vậy. Càng lúc nước càng đen hơn, đen như mực. Cảm thấy không ổn lắm nên tôi đổ nồi nước dùng để thay nước khác. Lúc này tôi mới tá hoả, thì ra chiếc nồi tôi mua bị ra màu. Dùng tay quẹt thử mà màu đen bám hết vào tay. Quá khủng khiếp, giờ nghĩ lại vẫn thấy sợ, không biết chất màu đen đấy là chất gì? Đúng là kiểu buôn bán lừa đảo”, chị Ngọc bức xúc.

Cũng theo chị Ngọc, sau lần đó, chị bị chồng và các con lên tiếng vì việc mua hàng trên mạng. Đặc biệt là những thứ liên quan đến sức khoẻ, đừng ham rẻ mà tiền mất tật mang.

Mặc dù mua phải hàng kém chất lượng nhưng chị không dám khiếu nại vì số tiền không quá lớn, lại sợ phiền toái, bị “khủng bố” bằng tin nhắn.

“Coi như mình mất tiền chứ tôi thấy nhiều trường hợp khiếu nại xong không được gì lại bị khủng bố ngược lại bằng tin nhắn, gọi điện”, chị Ngọc nói.

Đặt mua chiếc áo được quảng cáo áo giữ nhiệt cao cấp trên một sàn thương mại điện tử, chị Đào Thương (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng "dở khóc dở cười" khi nhận được chiếc áo có vết rách dài ở cổ. Ảnh Diệu Thuỳ

Chị Thuỳ Linh (Đà Nẵng) cũng bị lừa vì mua phải váy rởm. Chị Linh cho biết, khi xem trên facebook, thấy shop bán váy mẫu mã đẹp, váy suông, phù hợp với dáng người nên chị đã liên hệ hỏi lại shop về kiểu dáng, chất liệu có giống như quảng cáo hay không. Nhân viên bán hàng cam kết hàng giống hệt ảnh, video. 

Chị Linh liền đặt mua chiếc váy với giá 550.000, cộng cả tiền ship đến tay gần 600.000 đồng.

Khi nhận hàng chị thấy khá hài lòng vì hình thức ổn cả về kiểu dáng, màu sắc. Háo hức đem giặt, phơi khô, đến lúc mặc thử thì chị Linh ngã ngửa.

“Chiếc váy dáng rộng, dài quá đầu gối bỗng co rút lại, bó sát, ngắn lên tận đùi, ôm sát vào người, trông không ra phom dáng gì nữa. Mất gần 600 nghìn đồng nhưng tôi không mặc được dù một lần”, chị nói.

Quá bức xúc, chị Linh liền liên hệ shop thì lúc đầu cửa hàng đổ lỗi có thể do chị giặt, sau đó có xin lỗi nhưng không chấp nhận nhận lại hàng và trả lại tiền cho chị. Shop còn gợi ý nếu chị mua hàng lần tới sẽ được giảm giá 15%.

“Shop ghi ở Hà Nội nhưng không có địa chỉ cụ thể, không có số điện thoại liên hệ. Mặc dù rất bực nhưng tôi cũng không biết làm thế nào. Tôi đành rút kinh nghiệm lần sau, chỉ chọn mua những nơi uy tín, có thương hiệu”, chị Linh nói.

Mặc dù việc mua hàng online “quảng cáo một đằng, chất lượng một nẻo” đã được cảnh báo thường xuyên, nhưng vẫn rất nhiều người gặp phải. Đa phần mọi người đều “ngậm đắng nuốt cay” chấp nhận vì không làm được gì, cùng lắm thì viết bài đăng lên hội nhóm, Facebook để cảnh báo người khác. 

Có nên cắn răng chịu đựng?

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn luật sư TP. Hà Nội, cho biết, việc mua bán hàng online trên không gian mạng là rất thuận tiện và đó là xu hướng phát triển của xã hội. 

Tuy nhiên, bên cạnh những tiện lợi như tiết kiệm thời gian và chi phí, việc bán hàng online cũng có thể sẽ nảy sinh những mặt trái tiêu cực như lừa đảo, hàng giả, hàng kém chất lượng. 

Bởi vậy để giảm thiểu những vụ việc lừa đảo trên không gian mạng thì cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm soát về thương mại điện tử về đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao. 

Đối với người tiêu dùng, cần trang bị những kiến thức kỹ năng cần thiết để tham gia các hoạt động trên không gian mạng, trong đó có hoạt động mua bán hàng hóa tham gia các giao dịch điện tử. 

Theo luật sư, để tránh bị lừa đảo hoặc mua phải hàng giả, hàng nhái hàng kém chất lượng, người mua cần có sự thỏa thuận cam kết về chất lượng, không chuyển tiền trước. Cần kiểm tra kỹ lưỡng hàng trước khi thanh toán. Nếu hàng hóa không đúng chất lượng, không đúng chủng loại, không đúng mẫu mã, không giống như quảng cáo cam kết thì có thể từ chối nhận hàng.

Thậm chí trong cam kết bằng tin nhắn hoặc văn bản điện tử cũng cần nêu rõ nếu hàng hóa không đúng chất lượng, không đảm bảo điều kiện như thỏa thuận thì có thể từ chối nhận hàng và không đồng ý thanh toán tiền shipper. 

Luật sư Cường cho hay, trường hợp hàng hóa không đúng chất lượng, không đúng mẫu mã, không đúng chủng loại hoặc có dấu hiệu là hàng giả, hàng nhái, người mua được từ chối nhận hàng.

Trong trường hợp hành vi có dấu hiệu lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng thì có quyền trình báo sự việc với cơ quan điều tra. Trường hợp hành vi vi phạm thỏa thuận chưa đến mức bị xử lý hình sự, có thể khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. 

Cũng theo Luật sư Cường, đối với các doanh nghiệp, có thể bị xử lý hình sự nếu lừa dối khách hàng chiếm đoạt số tiền từ 5.000.000 đồng trở lên hoặc lừa đảo chiếm đoạt số tiền từ 2.000.000 đồng trở lên.