Trong “cơn sốt” của thị trường vàng những ngày đầu tháng 3 vừa qua, khoảng cách giữa giá trong nước và thế giới có lúc lên gần 18 triệu đồng/lượng.
Có ý kiến cho rằng, nên tìm cách kéo giá vàng trong nước về sát giá thế giới và cần có biện pháp bình ổn thị trường vàng.
Đầu tháng 3 vừa qua, có thời điểm giá vàng trong nước và thế giới chênh lệnh tới 18 - 20 triệu đồng. Ảnh: Tạ Hải
Giá trong nước và thế giới chênh lệch quá lớn
Anh Nguyễn Đình Trung (Hai Bà Trưng, Hà Nội) là một người đầu tư vàng lâu năm. Anh Trung nhớ lại, cách đây hơn 10 năm, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới chỉ loanh quanh 2 triệu đồng mỗi lượng, vàng SJC cũng không phải được ưa chuộng nhất. Sau đó, giai đoạn vàng “sốt” giá, chênh lệnh này nới lên 4 - 5 triệu đồng.
“Khoảng cách 5 triệu đồng ở giai đoạn 2010 - 2012 đã là rất cao rồi”, anh Trung nói. Tuy nhiên, khi nhìn lại hồi đầu tháng 3 vừa qua khi giá vàng tăng mạnh, khoảng cách này tăng lên tới 18 - 20 triệu đồng, anh Trung cho rằng “không thể tưởng tượng nổi, vì tương đương gần 1/3 lượng vàng”.
Với chênh lệch này, đại diện Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho rằng quá vô lý. Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho biết, nhiều năm qua VGTA đã liên tục kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần sớm có giải pháp can thiệp để kéo giá vàng trong nước về sát giá thế giới.
Trên thực tế, từ khi có Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thị trường vàng, đã làm giảm mạnh tình trạng thao túng, kéo đẩy giá như trước.
Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát chặt nguồn cung vàng miếng thông qua quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, độc quyền nhập khẩu, xuất khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
Từ đó, việc dập vàng thỏi nguyên liệu thành vàng vỉ SJC khi nào, số lượng bao nhiêu cũng do Ngân hàng Nhà nước kiểm soát.
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), sau khi có Nghị định 24, tình trạng vàng hóa đã giảm hẳn, vàng không còn là vật trung gian thanh toán trong nền kinh tế, cũng không phải phương tiện đo lường giá trị tài sản lớn.
Do đó, biến động giá vàng không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế. Việc giá vàng trong nước tăng cao hơn thế giới, dẫn đến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới lên cao vọt là do nguồn cung không được bổ sung.
“Tuy nhiên, Nhà nước đang quản lý hối đoái rất chặt nên không thể thả lỏng thị trường vàng vì vàng cũng rất quan trọng”, ông Thịnh nói.
Trước ý kiến cho rằng cần phải có biện pháp kéo chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới xuống thấp, cần có biện pháp bình ổn thị trường vàng, ông Thịnh cho rằng muốn làm được thì chỉ có cách nhập thêm vàng.
Nhưng nhập thêm vàng là cả một câu chuyện vì còn liên quan tới nguồn ngoại tệ. Đây là câu chuyện nhạy cảm và cần phải tính toán kỹ về mặt chính sách.
Vàng không phải ưu tiên
Theo chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh, tâm lý trên thị trường vàng Việt Nam là thường đi theo xu hướng “nghe đồn lên thì mua, sau đó nghe nói có rủi ro lại ùa đi bán”.
Do đó, tính bất ổn trên thị trường vàng cũng như ngoại tệ, tiền điện tử… rất cao.
“Vì sao có chênh lệch lớn như vậy? Khi Nhà nước chuyển sang trạng thái không cho mua bán ngoại tệ trôi nổi, không cho mua bán vàng trôi nổi thì luôn có chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới. Vàng cũng vậy, ngoại tệ cũng vậy. Cái gì có kiểm soát, chống buôn lậu là có chênh lệch. Ngoại tệ mạnh và kim loại quý có sự kiểm soát là đương nhiên”, ông Minh phân tích.
Ông Minh cũng nhận định, ở Việt Nam cực kỳ nhiều nhà đầu tư nhỏ, chưa có kinh nghiệm đầu tư và mua bán theo thông tin đồn thổi. Khi có lượng lớn cung - cầu giá sẽ lên rất nhanh, xuống rất nhanh.
"Đứng ở góc độ kinh tế hay đầu tư, nhà đầu tư phải tự chịu rủi ro. Bởi, khi rủi ro càng cao thì lợi nhuận càng cao. Có người thấy khi giá cao đủ lãi thì họ bán. Nếu họ cùng nhau bán thì giá lại giảm. Muốn lợi nhuận phải chấp nhận rủi ro. Nhưng trong cuộc chơi này, nhà đầu tư nhỏ sẽ chịu thiệt thòi hơn nhà đầu tư chuyên nghiệp. Bởi “ông lớn” có tiền nhiều, chi phối thị trường. |
Trước ý kiến phải kéo giá vàng trong nước gần với thế giới và bình ổn thị trường vàng, ông Minh bày tỏ quan điểm: “Khi người ta thấy bất thường thì người ta đề xuất, nhưng phải nhìn lại là đề xuất đó có phù hợp với khả năng hiện tại của Việt Nam hay không, cần phải nhìn vào trữ lượng vàng Ngân hàng Nhà nước trữ có đủ bình ổn không”.
Ông Minh dẫn ví dụ, nếu Ngân hàng Nhà nước thấy giá lên cao thì tung vàng ra bán, giống như chính sách dự trữ USD.
Những lúc giá USD biến đổi, Ngân hàng Nhà nước tung USD ra để tăng cung làm giảm giá, ổn định thị trường.
Nhưng điều này có được là nhờ những năm qua kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tốt, mang về lượng ngoại tệ lớn.
“Còn với vàng là cả câu chuyện khác. Vàng trước nay được xem là vật giá trị đối chứng. Các đồng tiền mạnh như USD thường được đối chứng bằng vàng dự trữ trong kho quốc gia, chứ vàng không được xem giống như ngoại tệ.
Do đó, Nhà nước cũng không có lý do gì để nhập vàng về sau đó bán vàng ra để bình ổn giá, trong khi mình còn có quá nhiều thứ để chi bằng ngoại tệ”, ông Minh nói và cho rằng, hiện nay Việt Nam vẫn cần ngoại tệ để nhập khẩu nhiều mặt hàng cần thiết cho phát triển kinh tế. Do đó, vàng không phải là ưu tiên hàng đầu trong nhu cầu chi tiêu ngoại tệ.
(Theo Báo Giao Thông)
Giá vàng hôm nay 22/3: Châu Âu bất ổn, vàng tăng dựng đứng
Giá vàng hôm nay 22/3 trên thị trường quốc tế tăng dựng đứng sau vài ngày chùng lại. Giới đầu tư tìm đến vàng và dầu khi mà bất ổn gia tăng tại khu vực châu Âu.