CTCP Đầu tư khai khoáng và Quản lý Tài sản FLC (GAB) chiều 21/9 công bố đơn từ nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) và xin thôi giữ chức vụ thành viên HĐQT của ông Nguyễn Đức Công.
Ông Nguyễn Đức Công xin từ nhiệm ngay trước thời điểm cổ phiếu GAB bị chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát (từ ngày 22/9) do chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022 quá 30 ngày so với thời hạn quy định.
GAB là một cổ phiếu thuộc “nhóm FLC” liên quan tới cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết.
Đây là một trong số nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng kẹt cứng, cổ phiếu không giao dịch hoặc thanh khoản tụt giảm, giá lao dốc thê thảm sau khi ông Quyết bị bắt vì thao túng trên thị trường chứng khoán.
CTCP Đầu tư Khai Khoáng và Quản lý Tài sản FLC nằm trong tình cảnh trớ trêu với giá cổ phiếu treo ở mức rất cao: gần 200.000 đồng/cp nhưng khoảng hơn 6 tháng qua không có nổi một giao dịch.
Giao dịch gần nhất là 300 cổ phiếu GAB được chuyển nhượng hôm 25/3/2022. Từ đầu năm 2022 tới khi đó, mỗi phiên GAB hầu hết chỉ ghi nhận vài trăm cổ phiếu được chuyển nhượng, phiên nào nhiều cũng chỉ một vài nghìn đơn vị.
GAB có vốn hóa hơn 2.900 tỷ đồng, trong đó ông Trịnh Văn Quyế nắm giữ hơn 51%. Như vậy, còn lại khoảng 1.400 tỷ đồng giá trị cổ phiếu GAB mà các cổ đông khác đang nắm giữ, rất nhiều trong số đó là các cổ đông nhỏ lẻ giờ không thể giao dịch.
Việc cổ phiếu rơi vào diện kiểm soát (từ 22/9) và chủ tịch xin rút lui làm cho doanh nghiệp này thêm khó.
Trong năm 2020, GAB lập một kỷ lục vô tiền khoáng hậu trên thị trường chứng khoán Việt Nam, vô địch 3 sàn với mức tăng giá trên 1.100%. Mức giá đầu năm 2020 là 16.250 đồng/cp nhưng tới cuối năm là 196.800 đồng/cp.
CTCP Đầu tư Khai Khoáng và Quản lý Tài sản FLC là doanh nghiệp mới nhất trong hệ sinh thái Tập đoàn FLC của cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết niêm yết trên sàn chứng khoán.
Trước đó, FLC đã lên kế hoạch để GAB sáp nhập CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (AMD) và FLC Faros. Theo đó, GAB dự định phát hành cổ phiếu hoán đổi với ROS theo tỷ lệ 1:15, tức 1 cổ phần GAB đổi lấy 15 cổ phần của ROS để thực hiện sáp nhập. Lần đầu tiên, một doanh nghiệp có vốn điều lệ chỉ hơn trăm tỷ đồng nhận sáp nhập doanh nghiệp có vốn gần 5.700 tỷ đồng.
Hôm 17/8/2022, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM tiếp tục có công văn nhắc nhở GAB về việc chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022. Theo đó, căn cứ quy định pháp luật, GAB phải công bố báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày tổ chức kiểm toán ký báo cáo soát xét nhưng không được vượt quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc 6 tháng đầu năm tài chính.
Tuy nhiên, cho đến nay, GAB vẫn chưa thực hiện được.
Trong một giải trình trước đó (hôm 14/8/2022), GAB cho hay công ty đã liên hệ và thuyết phục nhiều đơn vị kiểm toán đủ năng lực và chuyên môn để thực hiện Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022 theo đúng quy định. Tuy nhiên, các đơn vị kiểm toán đều từ chối vì lý do khách quan liên quan đến vụ việc ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, điều tra.
GAB khẳng định ông Trịnh Văn Quyết không tham gia điều hành, chỉ đạo các hoạt động quản trị công ty nên việc khởi tố là việc cá nhân của ông Quyết. Công ty cũng không tham gia kinh doanh, đầu tư chứng khoán nên không liên quan đến các giao dịch, hoạt động mà cơ quan điều tra đang thực hiện.
Không chỉ GAB, nhiều doanh nghiệp khác trong “nhóm FLC” cũng gặp tình trạng tương tự.
CTCP Tập đoàn FLC (FLC) hôm 21/9 cũng thông tin về việc thay đổi đơn vị kiểm toán các Báo cáo tài chính năm 2021 của công ty. Sau 2 tháng ký kết, Công ty TNHH Kiểm toán An Việt đã thanh lý hợp đồng với FLC. Kiểm toán mới là Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY (UHY).
Trước đó, một doanh nghiệp thuộc nhóm này là Xây dựng Faros (ROS) bị đình chỉ giao dịch từ 12/8 vì vi phạm công bố thông tin báo cáo tài chính quý II.
Ông Nguyễn Đức Công trước đó đã từ chức Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (KLF), cũng thuộc “nhóm FLC”. Hiện ông là thành viên HĐQT của KLF, chủ tịch HĐQT HAI và chủ tịch HĐQT AMD.