Trước đó, Trường ĐH Văn Lang hoàn thành hội trường mới tại cơ sở 3 và đặt tên hội trường Trịnh Công Sơn.

Ngày 22/4, gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đại diện là nghệ sĩ Trịnh Vĩnh Trinh cùng chồng là doanh nhân Nguyễn Trung Trực đã tới thăm Trường ĐH Văn Lang.

Theo thông tin tại buổi đón tiếp, ông Nguyễn Cao Trí, Phó Chủ tịch HĐQT cho hay trường sẽ nghiên cứu để xây dựng ngành Trịnh Công Sơn học.

{keywords}
Gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tới thăm Trường ĐH Văn Lang (Ảnh: Trường ĐH Văn Lang)


Sáng 26/4, xác nhận với VietNamNet, ông Nguyễn Cao Trí, khẳng định nhà trường sẽ nghiên cứu để mở ngành Trịnh Công Sơn học.

Hiện nay, ở nước ngoài đã có rất nhiều đề tài tiến sĩ về chủ đề Trịnh Công Sơn học, chứng tỏ họ rất quan tâm tới cố nhạc sĩ. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có những tố chất, tác phẩm âm nhạc, thơ ca, hội họa rất lớn, cổ súy cho giáo dục con người tử tế, dân tộc. Với di sản này, việc tạo ra một bộ môn nghiên cứu đầy đủ về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất cần thiết và chắc chắn sẽ thu hút được sinh viên quốc tế”- ông Trí nói. Ông cũng khẳng định trường nghiên cứu mở ngành học chứ không phải bộ môn hay chuyên đề.

Trong khi đó, một đại diện phòng đào tạo cho rằng “không biết việc nghiên cứu mở ngành này”. Vị này cũng nói “làm sao có ngành học Trịnh Công Sơn được. Tôi nghĩ có thể một chuyên đề hoặc một môn học thôi”.

Theo một chuyên gia tuyển sinh, ý tưởng nghiên cứu về Trịnh Công Sơn là "rất hay", bởi hiện tại chưa có nhiều thông tin về vấn đề này. Tuy nhiên, quy định mở ngành mới đòi hỏi khá nhiều đánh giá, khảo sát về nhân lực nên khó thực hiện ngay. Hơn nữa, thông lệ mở các ngành như thế này dường như chưa có ở Việt Nam.

“Trịnh Công Sơn và những gì liên quan tới ông là vấn đề rất được quan tâm. Nhưng nếu khẳng định mở ngành học thì các câu hỏi việc làm, học xong làm gì, ai tuyển dụng,... phải được trả lời vì nó ảnh hưởng đến chính sách tuyển sinh nên việc mở một ngành học là không khả dụng. Phát biểu của nhà trường chứng tỏ họ rất nghiêm túc, chính vậy nên chăng sẽ là một hướng nghiên cứu hoặc chuyên ngành trong một ngành nào đó, sẽ thuận lợi hơn trong việc đưa những tác phẩm và con người nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào nghiên cứu và giảng dạy”- ông nói.

Thông tư 22 về điều kiện mở ngành và đình chỉ tuyển sinh được Bộ GD-ĐT ban hành năm 2017 quy định việc mở ngành đào tạo trình độ đại học  phải bảo đảm một số điều kiện, trong đó tên ngành đăng ký đào tạo có trong Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV theo quy định. Trường hợp ngành đăng ký đào tạo chưa có trong Danh mục đào tạo (gọi là ngành mới), cơ sở đào tạo phải làm rõ luận cứ khoa học, nhu cầu xã hội về ngành, điều kiện đáp ứng của trường...

Trong danh mục giáo dục đào tạo cấp IV, trình độ đại học, ban hành kèm theo Thông tư số 24/2017 của Bộ GD-ĐT, không có mã ngành, tên ngành nào liên quan tới ngành Trịnh Công Sơn học.

Các cơ sở đào tạo được mở ngành đào tạo trình độ đại học khi bảo đảm các điều kiện:

Ngành đăng ký đào tạo phải phù hợp với nhu cầu của xã hội và người học; phù hợp với yêu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, miền và cả nước; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ sở đào tạo. Việc mở ngành đào tạo đã được xác định trong phương hướng, kế hoạch phát triển của cơ sở đào tạo.

Tên ngành đăng ký đào tạo có trong Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV theo quy định. Trường hợp ngành đăng ký đào tạo chưa có trong Danh mục đào tạo (gọi là ngành mới), cơ sở đào tạo phải làm rõ:

Luận cứ khoa học, nhu cầu của xã hội về ngành mới này (trong đó có ít nhất 2 ý kiến về sự cần thiết đào tạo của 2 cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực sau đào tạo); Thực tiễn và kinh nghiệm đào tạo của một số nước trên thế giới kèm theo ít nhất 2 chương trình đào tạo tham khảo của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận về chất lượng hoặc cho phép thực hiện và cấp văn bằng (trừ các ngành chỉ có đào tạo ở Việt Nam hoặc các ngành liên quan đến an ninh, quốc phòng).

Đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu cơ hữu bảo đảm về số lượng, chất lượng, trình độ và cơ cấu để tổ chức đào tạo trình độ đại học ngành đăng ký đào tạo, không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện đào tạo trình độ đại học của các ngành khác đang đào tạo, trong đó có ít nhất 1 tiến sĩ cùng ngành chịu trách nhiệm chủ trì, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo và cam kết đảm bảo chất lượng đào tạo trước cơ sở đào tạo và xã hội.

Có ít nhất 10 giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ trở lên cùng ngành hoặc ngành gần với ngành đăng ký đào tạo, trong đó có ít nhất 1 tiến sĩ và 4) thạc sĩ, hoặc 2 tiến sĩ và 2 thạc sĩ cùng ngành đăng ký đào tạo…

(Theo Thông tư số 22 ban hành năm 2017 của Bộ GD-ĐT)

 

 

Lê Huyền