“Cái khác biệt của các nước là xác định nông nghiệp không phải ngành mang lại lợi nhuận cho nhà nước, mà mang lợi nhuận cho người nông dân”, TS. Đặng Kim Sơn.

Xem lại kì 1: Trong chuỗi giá trị cánh đồng lớn, doanh nghiệp cần Hợp tác xã

Ông có biết những kinh nghiệm đáng chú ý của nước ngoài trong việc phát triển HTX đã được tiếp thu như thế nào?

Tôi lấy ví dụ Thái Lan. Họ có Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã, tức là trách nhiệm của bộ đó là phát triển và bảo vệ hợp tác xã rồi. Chính sách phat triển HTX đi tới từ Nhà Vua Thái, ông ta đem kỹ thuật và tín dụng hỗ trợ cho HTX.

Còn những chính phủ như Chính phủ Nhật, hay Chính phủ Đài loan, lại trợ cấp rất nhiều tiền cho HTX để thuê người, thành lập trường đào tạo ươm mầm HTX, giống như khởi nghiệp ở ta bây giờ. Tức là họ tạo ra các HTX nhỏ rồi thả ra cho phát triển lên. Thời kỳ trong vườn ươm, họ có tư vấn về quản lý, vướng đâu thì có tư vấn đỡ tới đó. Khi HTX được đặt vào sản xuất kinh doanh, chính phủ lại cho vay vốn, chuyển giao công nghệ và tiêu thụ sản phẩm giúp cho.

Và các HTX của họ nằm trong Liên hiệp các HTX, rất là mạnh. Ở các nước Đông Bắc Á, Liên hiệp các HTX được nhà nước phân quyền kinh khủng. Rất nhiều quyền ở Việt Nam nằm trong tay Bộ Nông nghiệp hoặc các bộ khác, thì ở nước Đông Bắc Á các quyền này lại thuộc Liên hiệp. Ví dụ, họ toàn quyền kinh doanh và phân phối các vật tư nông sản thiết yếu, như phân, thuốc hay máy móc. Chính vì vậy không có chuyện phân giả, thuốc giả, không có chuyện giá lên giá xuống.

 

{keywords}
Cái khác biệt của các nước là xác định nông nghiệp không phải ngành mang lại lợi nhuận cho nhà nước, mà mang lợi nhuận cho người nông dân. Ảnh: Lê Anh Dũng

Có những nước như Nhật Bản họ giao đến 70% kinh doanh lúa gạo cho Liên hiệp các HTX quản lý, nên ở đó không có chuyện liên kết giữa HTX với doanh nghiệp vì chính HTX đã quyết định đầu ra.

Cái khác biệt của họ là xác định nông nghiệp không phải ngành mang lại lợi nhuận cho nhà nước, mà mang lợi nhuận cho người nông dân. Với quyền lực như thế, HTX của họ rất mạnh. Như trường hợp của Hàn Quốc, HTX của họ thành lập sau phong trào nông dân mới, khoảng những năm ’70 của thế kỷ trước. Lúc đầu nông dân họ cũng không thiết tha gì với HTX, nhưng sau 5-7 năm làm quen với phong trào phát triển cộng đồng, mọi người yêu mến, tin tưởng và gắn bó với nhau. Mỗi một thôn thành lập một HTX, mới đầu chỉ trong sản xuất nông nghiệp, sau này mở rộng ra cả phi nông nghiệp nữa. Đầu tiên, HTX chỉ quản lý kinh tế, sau này quản lý cả thêm xã hội, và cả môi trường trong làng bản nữa. Đất rừng, đất công nhà nước giao cho hợp tác xã quản lý.

Chỉ sau một thời gian rất ngắn, ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan gần như 100% nông dân vào HTX, nông dân nào rời khỏi HTX là chết. Hiện nay, ở các nước Đông Bắc Á, các HTX quản lý cả các trường đại học, viện nghiên cứu và ngân hàng. Họ làm chủ cuộc sống của người nông dân.

Nhưng theo tôi biết, ở Việt Nam, mô hình HTX được xây dựng theo hướng khác!

Chúng ta đi từ nền kinh tế kế hoạch, tức là giao cho HTX tất cả những cái kể từ quan hệ sản xuất, còn dịch vụ thì do nhà nước nắm. Khi sang nền kinh tế thị trường, chúng ta lại chia làm hai, dịch vụ công do nhà nước tiếp tục làm, còn dịch vụ tư do tư nhân làm, cho nên vai trò của hợp tác xã hầu như không có. Có HTX nào làm được dịch vụ về sản xuất như cầy cuốc, bón phân hay thủy lợi thì tiếp tục làm, bằng không thì thôi, nhà nước không hỗ trợ. Nói chung, ngay ở những dịch vụ tư ấy, HTX không cạnh tranh nổi với tư nhân.

Tóm lại, HTX ở Việt Nam không nắm trong tay đất đai, vì đất đai đã chia cho các hộ rồi, không nắm trong tay cơ sở hạ tầng, vì cơ sở hạ tầng nằm trong tay chính quyền địa phương, không nắm trong tay dịch vụ, vì dịch vụ trong tay tư nhân. Vì vậy, HTX Việt Nam không có sức mạnh gì.

Vậy họ nắm những gì?

Theo luật, HTX được nắm tất cả, nhưng vì không ai giao cho họ cái gì, nên không nắm gì cả. Khi HTX kiểu mới được thành lập, thì HTX kiểu cũ đã tan rồi, đất của nhà nước, tài sản của tư nhân, và kinh tế thị trường phát triển rất mạnh, mọi dịch vụ nằm trong tay tư nhân. Luật này mới ra năm 2012, khi mọi thứ đã an bài.

 

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo ông, định hướng tập thể trong Luật Hợp tác xã 2012 được thể hiện thế nào? Có vẻ như chúng ta đã hướng theo thông lệ của thế giới, nhất là các nước Đông Bắc Á thì phải?

Ở các luật trước đây, định hướng tập thể không rõ ràng. Nhiệm vụ của HTX không phải lợi nhuận, mà hỗ trợ bảo vệ cho kinh tế hộ để kinh tế hộ tạo lợi nhuận. Mà hỗ trợ chủ yếu là về mặt chinh sách. Đến luật năm 2012 mọi chuyện mới rõ ra, thể hiện đúng tinh thần của quốc tế, nhưng có điều nó ra quá chậm, nên mọi yếu tố về vật chất không còn hỗ trợ cho HTX nữa rồi. Tức có luật nhưng không có nền tảng vật chất để thực hiện luật.

Nếu thực sự muốn thực hiện luật, nhà nước phải có những thay đổi, chúng ta phải quay lại thời điểm zero, tức là chúng phải bắt tay từ đầu. Đất đai phải giao lại cho HTX. Đó là đất nông lầm trường, đất công của các các cơ quan địa phương nắm, và đất của cộng đồng làng xã.

Thứ hai là cơ sở hạ tầng. Cái gì của HTX cũ thì chúng ta giải quyết vướng mắc cho sạch đi, trả nợ đi, rồi tính giá trị giao lại cho HTX kiều mới. Đối với cơ sở hạ tầng mới, hàng năm nhà nước đầu tư rất mạnh để xây dựng đường xá, cầu cống, kênh mương… và do chính quyền địa phương quản lý, chúng ta mạnh dạn  giao hết cho HTX.  Thậm chí một số trạm giống, trạm máy kéo, hay trạm khuyến nông, cũng giao cho HTX, giống như các nước khác. Sau này là viện nghiên cứu, trường đại học hay ngân hàng cũng giao cho HTX. Những doanh nghiệp công ích hoạt động không hiệu quả, hay không cần phải nắm giữ, cũng mạnh dạn giao cho HTX.

Ông có biết, đã có đề xuất nào về việc phát triển hợp tác xã theo hướng này chưa?

Không có ai nói một cách rõ ràng về vấn đề tài sản công, dịch vụ công, bởi vướng ở các luật khác. Ví dụ, đối với Luật Đất đai tất cả tài sản là của công cộng. Chứ ở các nước khác đất đai chia làm 3 loại sở hữu, sở hữu công, sở hữu tư và sở hữu cộng đồng. Cái phần sở hữu cộng đồng có thể tách ra giao cho HTX.

Hay trong Luật Ngân sách của mình chia ra ngân sach trung ương, ngân sách địa phương và ngân sách của bộ ngành. Không có cái ô nào phân chia cho HTX cả.

 

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

Khi phát triển kinh tế kế hoạch dưới mô hình chủ nghĩa xã hội, chúng ta có hai loại thành phần kinh tế chủ chốt nhất là kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể. Đến khi chúng ta chuyển sang kinh tế thị trường, chúng ta vẫn giữ kinh tế quốc doanh, mà hủy hẳn kinh tế tập thể. Chúng ta đánh mất đi một sức mạnh rất là quan trọng của một nền kinh tế thị trường hiện đại.

Trong khi ở các nước khác phong trào phát triển HTX rất là mạnh, nhất là trong nông nghiệp đúng không?

Nó chúng luật về HTX của các nước rất là mạnh. Các nước Đông Âu và Tây Âu lúc đầu họ không chú ý về HTX đâu. HTX ở đó chỉ phát triển khi cơ chế thị trường phát triển rất mạnh, khi sản xuất nông nghiệp của họ lên trang trại lớn, và nông dân rất có quyền lực. Nông dân hợp lại với nhau để hình thành kinh tế hợp tác, họ đưa người vào nghị viện, tham gia chính quyền. Phải mất tới hàng trăm năm để thực hiện chuyện này.

Đối với trường hợp của các nước Đông Bắc Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, là trường hợp đặc biệt. Nó hình thành sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai kết thúc, khi thế giới chia làm 2 phe và chiến tranh lạnh diễn ra tích cực. Mỹ biết rằng phe cộng sản nắm rất vững địa bản nông thôn, lấy nông thôn bao vây thành thị, mất nông thôn thì mất luôn thành thị. Điển hình rõ nét nhất là câu chuyện của Trung Quốc, sau đó đến Việt Nam, Lào, hay Bắc Triều Tiên.

Mỹ bỏ một khoản tiển khổng lồ để giúp cho các nước Tây Âu trong chương trình cho vay vốn để các nước phát triển công nghiệp và kinh doanh, đó là Kế hoạch Marshal. Ở châu Á, họ tiến hành một kế hoạch khác. Trong khoản tiền khổng lồ viện trợ cho các nước châu Á, một phần ba được giao để cải cách ruộng đất. Chính quyền lấy tiền viện trợ của Mỹ mua lại đất của địa chủ, sau đó chia cho nông dân. Ngay lúc đó, họ qui định mức hạn điền rất là cao, tức là họ chia cho nông dân để không trở thành tiểu nông mà thành trung nông. Số địa chủ bán đất được tiền nhiều thì đa số chuyển về đô thị, trở thành những nhà tư bản lớn trong công nghiệp. Một số ít ở lại nông thôn trở thành những nhà cung cấp dịch vụ.

Khi nông dân trở thành trung nông, lại có dịch vụ hỗ trợ, thì tại ba nước Đông Bắc Á đó họ khuyến khích thành lập HTX và trao quyền cho nông dân ngay. Đòn này chỉ là đòn chính trị, nhưng không ngờ trở thành đòn kinh tế vô cùng lợi hại, nông thôn phát triển rất mạnh. Trên thực tế, Đảng Cộng sản không phát triển ở vùng nông thôn của ba nền kinh tế đó. Lực lượng nông dân trở thành hậu thuẫn rất mạnh cho các chính quyền thân Mỹ ở đó.

Đến bây giờ các nước Đông Nam Á mới học theo các nước Đông Bắc Á, nhưng thiệt thòi là họ không có viện trợ Mỹ nên nền nông nghiệp có rất nhiều tiểu nông, và không có địa chủ để đầu tư vào dịch vụ.

Xin cám ơn ông Đặng Kim Sơn đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam/Báo VietnamNet.

Huỳnh Phan (thực hiện) - Lan Hương