Tại Lâm Đồng, được sự đồng thuận của lãnh đạo tỉnh nên việc triển khai thuê dịch vụ CNTT đã được thực hiện từ sớm. Trao đổi với ICTnews, ông Lê Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở TT&TT Lâm Đồng cho biết: Theo Nghị quyết 36a/NQ-CP với mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện dự án hệ thống một cửa điện tử theo phương thức thuê dịch vụ CNTT. Hệ thống này được triển khai đồng bộ trên toàn tỉnh.
Trong năm 2015, Lâm Đồng đã tập huấn sử dụng phần mềm một cửa điện tử cho các sở, ngành và UBND các huyện; triển khai dự án trang bị mạng LAN cho đơn vị UBND cấp xã tại thành phố Bảo Lộc và một số xã, thị trấn. Đến nay, 100% đơn vị cấp sở và 91% đơn vị cấp huyện đã triển khai phần mềm một cửa, một cửa liên thông điện tử.
Hệ thống Văn phòng điện tử được đưa vào sử dụng tại 44 cơ quan, đơn vị nhà nước từ cấp tỉnh tới cấp huyện. Đặc biệt, một số huyện đã triển khai hệ thống đến cấp xã. Đến nay hệ thống đã được tích hợp Chữ ký số của Ban cơ yếu Chính phủ, kết nối liên thông phục vụ gửi nhận văn bản điện tử giữa các đơn vị. Quá trình sử dụng mang lại hiệu suất làm việc cao, nâng cao khả năng điều hành tác nghiệp, lưu trữ, tìm kiếm, xử lý văn bản, đảm bảo an toàn trên môi trường mạng, tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí.
Tuy nhiên, cũng giống như nhiều địa phương khác khi triển khai mô hình thuê dịch vụ CNTT còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do chưa có danh mục chi tiết các hoạt động ứng dụng, dịch vụ CNTT phải thuê, chưa có hướng dẫn tiêu chí thuyết minh tính hiệu quả giữa việc thuê dịch vụ so với đầu tư, mua sắm… Bên cạnh đó, chưa có quy định cụ thể đối với một số chi phí, xác định giá thuê và nguồn kinh phí cho việc thuê dịch vụ CNTT khi lựa chọn nhà cung cấp và thực hiện cung cấp dịch vụ CNTT, cách thức theo dõi chất lượng dịch vụ,
Vấn đề được các địa phương quan tâm khi triển khai mô hình thuê dịch vụ CNTT là các cơ quan này lại chưa có đủ độ tin cậy vào doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp cũng chưa chứng tỏ được uy tín của mình. Theo chia sẻ của lãnh đạo Sở TT&TT Sóc Trăng, trong cơ quan nhà nước có nhiều thông tin, cơ sở dữ liệu mật nên không thể và không dám giao toàn bộ cho doanh nghiệp quản lý. Điều này có nguy cơ rủi ro quá lớn vì hiện tại Chính phủ chưa có văn bản pháp lý nào quy định doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT phải chịu trách nhiệm ra sao về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các khách hàng.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Liêm cho hay, theo đúng như định hướng của Bộ TT&TT, những hệ thống thông tin quan trọng, hệ thống thông tin dùng chung mang tính phổ cập thì không nên đi thuê ngoài, chỉ thuê đối với các loại dịch vụ nhỏ lẻ, có tính công đoạn. Vì vậy, ở Lâm Đồng, các hạng mục quan trọng đối với hoạt động điều hành của tỉnh như: hoạt động chính của trang thông tin điện tử, hệ thống thư điện tử và phần mềm quản lý văn bản đi/đến được ngân sách tỉnh đầu tư triển khai. Còn lại các hạng mục và nội dung khác thì Lâm Đồng thuê dịch vụ với 2 đối tác là Viettel và VNPT.
Ông Liêm cũng cho biết thêm: Thuê dịch vụ CNTT ở địa phương phải đi từng bước thận trọng. Nhưng địa phương cũng rất kỳ vọng khi Luật ATTT được ban hành sẽ là có cơ sở hành lang pháp lý trong hợp đồng thuê dịch vụ CNTT và địa phương đủ tự tin để triển khai thuê dịch vụ CNTT trong thời gian tới.
Ngày 18/12 vừa qua, Chủ tịch nước đã chính thức công bố Luật ATTT mạng.
Luật ATTT mạng được Bộ TT&TT khởi động xây dựng từ năm 2011, sau gần 4 năm xây dựng và hoàn thiện, ngày 19/11 vừa qua, trong phiên họp toàn thể tại hội trường của kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật An toàn thông tin mạng với 424/425 đại biểu có mặt tán thành.
Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2016, Luật An toàn thông tin mạng gồm 8 Chương, 54 Điều quy định về hoạt động an toàn thông tin mạng, quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng; mật mã dân sự; tiêu chuẩn; quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng; phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng; quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng.