Trương Mỹ Châu (quê ở Gia Lai) hiện đang là kỹ sư nông nghiệp tại Bình Thuận. Năm 2017, Mỹ Châu lần đầu tiên thực hiện chuyến đi tới Mũi Đôi ở Khánh Hòa. Châu cho biết, đó là hành trình khởi nguồn cho đam mê những chuyến khám phá của mình.
Sau đó, cô gái 9X lần lượt tìm hiểu và leo thêm một số ngọn núi ở khu vực Nam Bộ. Cách đây 2 năm, Mỹ Châu chinh phục ngọn Ky Quan San (cao 3.064m).
Bức ảnh chụp tại 2 trong số 15 đỉnh núi mà Mỹ Châu đã khám phá. |
Từ năm 2019 đến năm 2020, Mỹ Châu đã chinh phục được 15 ngọn núi cao nhất tại Việt Nam: Fansipan (top 1 - 3.143m); Pusilung (top 2 - 3.083m); Putaleng (3.049m); Ky Quan San ( 3.046m); Khang Su Văn (3.012m); Tả Liên Sơn (2.996m); Tà Chì Nhù (2.979m); Pờ Ma Lung (2.967m); Nhìu Cồ San (2.965m); Chung Nhía Vũ (2.918m); Lùng Cúng ( 2.913m); Nam Cang Ho Tao (2.881m); Tà Xùa (2.865m); Lảo Thẩn (2.860m); Ngũ Chỉ Sơn (2.858m).
Cô gái người Gia Lai chia sẻ: "Sau chuyến đi đầu tiên, tôi thầm đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ leo hết 15 đỉnh núi cao nhất ở Việt Nam. Tuy nhiên, càng đi càng ghiền, tôi đã hoàn thành hết trong năm 2020".
Suốt hành trình leo núi, người bạn đồng hành với Châu nhiều nhất là một chàng trai người H'Mông ở Sapa. Ngoài ra, tại các ngọn núi ở từng địa điểm khác nhau, Châu thuê riêng người bản địa dẫn đường.
Trong các chuyến hành trình leo núi, cô gái Gia Lai luôn có người bạn đồng hành. |
Để thực hiện hành trình trekking, Châu sẽ bay từ TPHCM ra Hà Nội, sau đó di chuyển bằng xe khách và xe máy đến điểm leo.
Nhớ lại cung đường ấn tượng nhất, cô gái mê xê dịch cho biết: "Con đường từ ngoài bản vào đến chân núi Pờ Ma Lung từ hướng Lào Cai là con đường vất vả nhất. Đó là con đường đất trơn, đoạn thì đá khối lởm chởm, có đoạn lại phải vượt qua con suối ngoằn ngòeo…".
Thông thường, Mỹ Châu thực hiện chuyến leo núi một mình và đi về trong ngày. Có đỉnh đi cùng nhóm bạn, Châu sẽ theo lộ trình bình thường 3 ngày 2 đêm hoặc 2 ngày 1 đêm.
Những ngày sống trên núi, việc ăn uống đều do người dẫn đường nấu và chuẩn bị. Buổi tối Châu ngủ lại trong lán hoặc lều, nước uống tự mang theo khoảng 2-3 lít tùy vào cung đường leo dài hay ngắn.
Niềm đam mê xê dịch được Mỹ Châu nuôi dưỡng và thực hiện theo dự định của bản thân. |
Đặc biệt, leo núi theo ngẫu hứng nên Châu thường ít khi lập kế hoạch hay chuẩn bị trước chuyến đi. "Mỗi lần lên kế hoạch thường hay bị thay đổi hoặc rất lâu sau mới thực hiện được. Tôi luôn có balo di động, trong đó đầy đủ dụng cụ, mỗi lần đi chỉ cần thêm vài bộ quần áo là lên đường", Mỹ Châu cười nói.
Sau mỗi chuyến leo núi, cô gái Gia Lai lại có thêm cho bản thân nhiều kỷ niệm buồn vui. "Có một lần, tôi chạy xe từ trên Y Tý về SaPa bị tai nạn ở đường, xe hư hỏng giữa đèo. Ngoài trời sương mù dày đặc, mưa lạnh bao phủ, nhiệt độ tầm 4-5 độ C. Sau một lúc đẩy xe, tôi may mắn đến tiệm sửa xe còn mở cửa, cảm giác lúc đó mừng hơn cả bắt được vàng".
Những con đường chinh phục đỉnh núi khó khăn, gian nan là vậy nhưng Mỹ Châu khẳng định bản thân chưa từng có suy nghĩ bỏ cuộc. Thời gian đầu, do ít vận động nên khi mới leo núi Châu cảm thấy khá mệt, nhưng cô lựa chọn nghỉ ngơi, động viên bản thân tiếp tục hành trình chinh phục các đỉnh núi.
Sau mỗi chuyến đi, Mỹ Châu cảm thấy được tận hưởng đam mê đi và trải nghiệm của mình. |
Số tiền cô gái 9X sử dụng để chinh phục 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam được tích góp từ tiền lương hàng tháng. Với Châu, công việc hiện tại đã giúp cô có cơ hội hiện thực hóa niềm đam mê xê dịch của bản thân.
Trong năm nay, Mỹ Châu dự định khám phá cung Everest Base Camp (EBC) ở Nepal, tuy nhiên phải hoãn lại do dịch Covid-19. Thời gian tới, cô gái trẻ sẽ khám phá những ngọn núi mới ở Việt Nam hoặc leo lại top 15 cùng bạn.
Nhìn lại hành trình 2 năm, Mỹ Châu tâm đắc: "Mỗi chuyến đi đều để lại nhiều kỷ niệm và cảm xúc. Trên mỗi quãng đường, tôi được tận mắt ngắm nhìn vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng, bắt gặp khoảnh khắc tuyệt diệu của thiên nhiên, lưu lại những bức ảnh để đời. Sau này, mỗi khi ngắm nhìn vẫn luôn khiến tôi mỉm cười hạnh phúc".
Theo Dân Trí
Ngôi nhà phủ đầy hoa của cô gái chọn 'thất bại thì về nhà'
Vấp phải thất bại trong cuộc sống, cô gái trẻ từ bỏ phố thị để “về nhà”. Cô tìm lại bình yên cho tâm hồn bằng cách tạo ra “rừng” hoa rực rỡ sắc màu cùng căn nhà bé xinh ở vùng ngoại ô vắng vẻ.