Cơ quan chịu trách nhiệm chính sách kinh tế của Trung Quốc vừa bắn tiếng dùng đất hiếm làm vũ khí để đối phó Mỹ trong cuộc chiến thương mại song phương. Hiện Trung Quốc là quốc gia khai thác và xuất khẩu đất hiếm lớn nhất thế giới.
Một số ý kiến nhìn nhận đây có thể là cơ hội để Việt Nam xuất khẩu đất hiếm khi trữ lượng loại khoáng sản này ở Việt Nam không hề nhỏ.
Bày tỏ quan điểm về cơ hội xuất khẩu đất hiếm của Việt Nam, GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường tỏ ra thận trọng.
Ông cho biết, đất hiếm dùng để sản xuất các linh kiện quan trọng của nhiều sản phẩm kỹ thuật từ công nghệ tới vũ khí. Loại khoáng sản này tập trung nhiều ở Trung Quốc với các mỏ đất hiếm và hiện Trung Quốc chiếm khoảng 80-85% tổng sản lượng đất hiếm toàn cầu.
Trong khi đó, Việt Nam cũng có mỏ đất hiếm ở Tây Bắc nhưng hàm lượng các kim loại hiếm trong đó không dồi dào như Trung Quốc, do đó không nên quá kỳ vọng.
Trung Quốc có khả năng đang cân nhắc sử dụng xuất khẩu đất hiếm làm đòn đáp trả Mỹ trong chiến tranh thương mại. |
"Giả sử Việt Nam muốn xuất khẩu đất hiếm thì xuất khẩu theo hướng nào? Nếu xuất thô như nhiều loại khoáng sản trước đây thì không ăn thua, thu về không được bao nhiêu. Còn xuất khẩu tinh thì phải chế biến lâu và phức tạp từ quặng đất hiếm để ra được thành phẩm là các kim loại nặng, vi lượng không đơn giản và đi kèm theo nó là rất nhiều chất độc hại.
Nếu Việt Nam có hướng chuẩn bị nghiên cứu, khai thác thì có thể làm thử, nhưng chưa nắm được quy trình kỹ thuật, chưa làm được thì đừng vội vàng bởi nó rất nguy hại cho môi trường và sức khỏe con người.
Khi tiến hành khai thác, Việt Nam có thể kêu gọi đầu tư của các quốc gia tiên tiến như Mỹ, Nhật, Đức để có được công nghệ, kỹ thuật khai thác hiện đại, tránh ô nhiễm môi trường.
Còn ngay bản thân Trung Quốc, quốc gia khai thác và xuất khẩu đất hiếm lớn nhất trên thế giới cũng phải hứng chịu mặt trái của việc khai thác này là ô nhiễm môi trường và sự nguy hại về sức khỏe cho chính các công nhân trực tiếp khai thác, sản xuất", GS.TSKH Lê Huy Bá chỉ rõ.
Dù cho rằng có thể làm thử nhưng vị nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường cũng nhấn mạnh, Việt Nam không cần phải vội vàng khai thác, xuất khẩu đất hiếm.
Thay vì "ăn non" với việc xuất khẩu thô, vị chuyên gia bày tỏ Việt Nam hãy cố gắng giữ lại tài nguyên này cho con cháu đời sau, khi kỹ thuật phát triển, trình độ được nâng cao thì có khai thác cũng chưa muộn.
Trong khi đó, chuyên gia ngành luyện kim - GS.TSKH Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn cho biết, Việt Nam hoàn toàn có thể lạc quan về cơ hội xuất khẩu đất hiếm khi trong nước chưa đạt đến trình độ có thể sử dụng hết nguồn tài nguyên này.
"Lâu nay chúng ta có xu hướng xuất khẩu thô các loại khoáng sản sang Trung Quốc, bây giờ nếu được, Việt Nam có thể xuất khẩu thẳng đất hiếm sang Hoa Kỳ, còn nếu để trong tương lai có khả năng không sử dụng hết", GS Phạm Phố nói.
Trước ý kiến Việt Nam chưa đủ khả năng để khai thác và xuất khẩu đất hiếm cũng như những lo ngại về nguy cơ ô nhiễm môi trường khi khai thác loại khoáng sản này, nguyên Hiệu trưởng trưởng Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn cho rằng, có nhiều loại khoáng sản độc hại hơn như uranium vẫn khai thác được, quan trọng là thực hiện các phương pháp bảo vệ an toàn, đầu tư kỹ thuật, công nghệ hiện đại để khai thác.
"Việt Nam có thể mua những thiết bị tốt nhất của các nước Mỹ, Đức... để khai thác đất hiếm. Việc này là có thể thực hiện, không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia lại thu về ngoại tệ cho đất nước", ông nhận định.
Theo số liệu của trang chuyên ngành kỹ thuật khai thác mỏ Mining Technology và chuyên trang về đất hiếm Rare Earth Investments, trữ lượng đất hiếm trên toàn thế giới khoảng 120 triệu tấn.
Trung Quốc là quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới với 44 triệu tấn. Cùng đứng vị trí thứ 2 là Việt Nam và Brazil với trữ lượng 22 triệu tấn.
Tiếp theo là Nga (17 triệu tấn), Ấn Độ (6,9 triệu tấn); Úc (3,4 triệu tấn), Greenland (1,5 triệu tấn); Mỹ (1,4 triệu tấn); Nam Phi (860.000 tấn)...
(Theo Báo Đất Việt)