Chính sách thị thực mới có hiệu lực từ hôm nay (15/8) được coi là cơ hội vàng để Việt Nam thu hút khách quốc tế, đặc biệt là các thị trường có khả năng chi trả cao. Du lịch kỳ vọng lượng khách sẽ tăng mạnh vào 2 quý cuối năm.
Từ hôm nay (15/8), Việt Nam sẽ miễn thị thực điện tử (e-visa) cho tất cả các nước/vùng lãnh thổ, nâng thời hạn từ 30 ngày lên 90 ngày; đồng thời, nâng thời hạn tạm trú đơn phương miễn thị thực từ 15 lên 45 ngày.
Tại Hội nghị phổ biến các văn bản mới nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững ngày 15/8, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đoàn Văn Việt đánh giá, du lịch Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ trong việc thúc đẩy thu hút khách quốc tế, nhất là các chương trình du lịch dài ngày.
Giữ khách ở lâu hơn, không dễ
Bày tỏ sự phấn khởi khi Chính phủ ban hành hai nghị quyết mới về chính sách thị thực, ông Vũ Văn Tuyên, CEO Travelogy Việt Nam, kỳ vọng du lịch Việt Nam sẽ đón được nhiều khách hơn.
Ông cho hay, cách đây 5 tháng, công ty đã bắt tay chuẩn bị bộ 17 sản phẩm mới thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, lưu lại nhiều ngày. Thay vì ở 2-3 tuần như trước, khách sẽ lưu trú từ 30-45 ngày. Với tín hiệu rất khả quan, ông kỳ vọng lượng khách sẽ khôi phục mạnh mẽ ngay trong quý III-IV/2023.
Ông Nguyễn Xuân Hải - Giám đốc Công ty du lịch La Palanche Voyagas (Hà Nội) - đơn vị chuyên đón khách Pháp, cũng cho hay, đây là thị trường trọng điểm, khách chi tiêu khoảng 100 USD/ngày, tuy miễn visa nhưng trước đây được lưu trú có 15 ngày, thật đáng tiếc. Nâng thời hạn tạm trú lên 45 ngày, khách sẽ ở lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn.
Kỳ vọng là vậy song đây cũng là điều khiến ông Vũ Văn Tuyên trăn trở nhất.
Ông lý giải, các doanh nghiệp đang gặp 3 khó khăn: Thứ nhất thiếu một chiến lược tổng thể về marketing quảng bá du lịch Việt Nam, từ đó các công ty theo sát để có thể tung ra chào bán sản phẩm du lịch; Thứ hai, chúng ta luôn nói Việt Nam có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch, nhưng vẫn loay hoay trong việc làm thế nào để khách lưu trú 1 tháng, 2 tháng và quay lại nhiều hơn; Thứ ba, sản phẩm du lịch tại tất cả các tỉnh, thành đều na ná giống nhau, ngay cả chợ đêm cũng vậy.
"Việt Nam có hơn 20 khu chợ đêm nổi tiếng nhưng nhìn sang các nước trong khu vực chưa có chợ đêm nào xứng tầm danh hiệu và có sức hút lớn như các chợ đêm quốc tế", ông nhận xét.
Việt Nam cũng là điểm trung chuyển vô cùng quan trọng cho khách Á cũng như Âu đến các nước Đông Dương, Thái Lan, Trung Quốc,... Ông Tuyên cho rằng, chúng ta có 7 tuyến điểm du lịch, trước đây do ngắn ngày nên khách khi đi các tỉnh hai miền Nam, Bắc khó tham gia các tour Đông Bắc, Tây Bắc, vùng cao nguyên và ngược lại. Do đó, cần làm sao để kết hợp 7 tuyến điểm này trong một hành trình trọn vẹn 1 tháng hay 45 ngày của khách.
Cái khó của DN là kết hợp các sản phẩm vùng miền, bởi như vậy giá hành trình sẽ cao, hơn nữa chuỗi cung ứng du lịch không liên kết được với nhau và các sản phẩm của địa phương cũng rời rạc.
“Sản phẩm của Việt Nam chưa đặc thù, chưa có điểm nhấn, chưa thể hiện rõ đặc tính vùng miền, chính vì vậy khách chưa cảm thấy vui, thấy xứng đáng với đồng tiền họ bỏ ra. Do đó, cần tạo ra sản phẩm có tính liên kết vùng, có tính đặc trưng”, ông nhấn mạnh.
Liên quan đến việc miễn visa đơn phương cho 13 nước, ông Nguyễn Xuân Hải cảm thấy tiếc nuối vì trong số các quốc gia châu Âu, lượng khách đến từ Belarus rất ít thì có trong danh sách, trong khi đó lại vắng các thị trường quan trọng như Thụy Sĩ, Bỉ, Luxemburg,... là những nước giàu, chi tiêu rất nhiều. Họ không quan tâm đến visa, nhưng lại coi trọng chính sách, để thích là có thể đi ngay mà không cần phải lo lắng gì.
Điểm yếu nhất là xúc tiến quảng bá
Theo các công ty du lịch, để thế giới biết đến du lịch Việt Nam nhiều hơn, đặc biệt là những thay đổi quan trọng về chính sách, như liên quan đến visa, cần sớm thông tin và quảng bá ra các nước. Thế nhưng, ông Nguyễn Xuân Hải nhận xét, đây lại là khâu yếu nhất của du lịch Việt Nam.
Ông Vũ Văn Tuyên cho rằng, chúng ta có nhiều tài nguyên để quảng bá, nhưng chiến lược còn chung chung, không độc đáo. Chẳng hạn, năm nay ngành du lịch xác định tập trung vào thị trường châu Âu, nhưng châu Âu có 25-27 nước, cần phân định rõ từng thị trường với thị hiếu cụ thể, từ đó có cách truyền thông riêng.
Việc tham gia gian hàng tại các hội chợ, lãnh đạo một công ty du lịch so sánh, gian hàng các nước xung quanh ta như Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ,... đều hoành tráng, bắt mắt; còn gian hàng của Việt Nam rất bé. Thay vì miễn phí, số tiền thu từ visa đem lại, với 25 USD/người, chỉ cần 1/3 chỗ đó là ta có số tiền lớn để quảng bá, xúc tiến, đặc biệt là khi tham gia các hội chợ quốc tế.
Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, ông Nguyễn Trùng Khánh cho hay, để thu hút khách và nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam, có rất nhiều việc phải làm, từ xây dựng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách nghỉ dưỡng dài ngày, chi trả cao đến công tác xúc tiến quảng bá. Đặc biệt, khi Việt Nam có những chính sách cởi mở về thủ tục nhập cảnh, nhu cầu tìm kiếm thông tin cũng như nhu cầu đi du lịch Việt Nam tăng mạnh.
Liên quan đến công tác xúc tiến, Bộ VH-TT&DL đã ban hành Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030. Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch cũng được thành lập, bước đầu đáp ứng được yêu cầu xúc tiến quảng bá của quốc gia cũng như phát triển sản phẩm, hỗ trợ công tác này tại các địa phương.
Tuy nhiên, về lâu dài cần có sự hợp tác liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với các địa phương và DN. Từ đó, có những chương trình xúc tiến bài bản, chuyên nghiệp, đem lại hiệu quả cao hơn..
7 tháng đầu năm 2023, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6,6 triệu lượt, lượng khách du lịch nội địa đạt khoảng 76,5 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 416,6 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, chỉ tính riêng tháng 7/2023, Việt Nam đã đón và phục vụ 1.04 triệu lượt khách, đây là tháng đầu tiên trong năm 2023 chúng ta đón được trên 1 triệu lượt khách quốc tế. Bên cạnh đó, chỉ số năng lực phát triển du lịch của Việt Nam vẫn tăng, năm 2021 tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp thứ 52/117 quốc gia/nền kinh tế.