Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm TTK Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chia sẻ với VietNamNet, nhìn nhận năm 2021 với nhiều niềm tin lạc quan cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
PV: Thưa bà, bấy lâu nay, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn bị chê là yếu kém, chỉ làm được phần linh kiện đơn giản. Những linh kiện phức tạp chưa làm được. Theo bà, nguyên nhân cho vấn đề này là ở đâu?
Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm TTK Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam |
Bà Trương Thị Chí Bình: Chuyện làm được và chuyện được làm có khoảng cách với nhau. Bạn làm được linh kiện nhưng chưa chắc là bạn đã được làm cho công ty đầu chuỗi. Bởi công ty đầu chuỗi đã có nhà cung cấp rồi. Và công ty cung cấp đó cũng cùng quốc tịch với họ, họ có ưu ái suốt bao nhiêu năm rồi. Vì thế để gia nhập được hệ thống của các công ty đầu chuỗi là việc không đơn giản. Nó phải có sự cam kết, sự thỏa thuận với công ty đầu chuỗi.
DN tư nhân khó làm được việc này vì quy mô của họ rất nhỏ, tiếng nói của họ không có quyền để đi đàm phán những việc lớn đấy. Trong khi đó, để doanh nghiệp đầu tư mới là rất khó vì hầu hết DN thiếu vốn, phải vay ngân hàng. Thế nhưng, đi vay được ngân hàng phải thế chấp tài sản, lãi suất cao.
Với chính sách vĩ mô hiện nay, tôi vẫn e ngại rằng, rất khó để DN phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng để tăng năng lực cạnh tranh và làm được linh kiện lõi như chúng ta mong muốn.
PV: Bà nghĩ sao về tác động của Nghị quyết 115 tới đây tới ngành công nghiệp hỗ trợ?
Bà Trương Thị Chí Bình: Nghị quyết 115 là một điểm sáng trong năm nay. Điểm hy vọng lớn nhất là được bù lãi suất vay của ngân hàng – đấy là điểm doanh có lợi trực tiếp và tiếp cận được ngay. Nhưng tôi cho rằng, giải pháp này có khả thi hay không còn phụ thuộc vào việc Nhà nước có tiền để bù lãi suất vay không?
Các doanh nghiệp sẽ tiếp cận vốn ưu đãi tốt hơn trong năm tới nhờ NQ 115 |
Thực tế một số địa phương trước đây họ cũng đã từng bù lãi suất rồi nhưng chỉ có những DN như thế nào đấy mới tiếp cận được thôi. Họ cũng phải có quy mô tương đối một chút, tất nhiên hầu hết DN công nghiệp hỗ trợ đều có tín nhiệm tốt với các tổ chức tín dụng nhưng vẫn phải xếp hàng vì ngân sách của các địa phương hạn thế thôi. Các doanh nghiệp rất mừng và mong đợi chính sách sớm đi vào hiện thực bởi nó là quyền lợi át sườn. Bớt được % lãi suất nào thì sẽ tăng được năng lực cạnh tranh về giá so với các nhà cung cấp từ nước ngoài.
Về giải pháp xây dựng các Trung tâm hỗ trợ kĩ thuật ở các tỉnh, các vùng, tôi cho là DN cũng hy vọng có tác dụng tích cực đến năng lực sản xuất kinh doanh của DN. Tuy nhiên, các trung tâm của Nhà nước nó chỉ được lúc đầu tlà máy móc hiện đại, mới thôi. Còn những người ở trung tâm nếu không được cập nhật kiên thức thì chưa chắc đã giỏi bằng DN nên chưa chắc đã hỗ trợ nổi DN.
PV: Tuy nhiên thời gian qua, việc tiếp cận vốn của DN cong nghiệp hỗ trợ theo Nghị định 111 vẫn rất khó, ngân hàng không mận mà. Bà đánh giá sao về thực trạng này?
Bà Trương Thị Chí Bình: Chúng tôi cũng thông cảm với các ngân hàng thương mại. Trong cùng là những người đi vay, tất nhiên họ sẽ ưu đãi cho những công ty mà dễ tạo ra lợi nhuận hơn. Và ngành chế tạo là ngành khó tạo ra lợi nhuận nhất, khó thuyết phục được cho vay nhất vì là ngành đòi hỏi đầu tư lớn, dài hơn. Trong khi đó, những công ty thương mại, dịch vụ… nhìn thấy ngay có thể thu hồi vốn sớm và biên lợi nhuận cũng tốt hơn.
Công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo là lĩnh vực nhiều rủi ro nhất và ít tiềm năng nhất đối với các bên đầu tư.
Năm 2021, CNHT sẽ có bức trang tươi sáng hơn |
PV: Bà đánh giá như thế nào về kỳ vọng của DN công nghiệp hỗ trợ vào năm 2021?
Bà Trương Thị Chí Bình:Tôi nghĩ là bức tranh sẽ tươi sáng hơn nhiều bởi Việt Nam được thế giới đánh giá là điểm đến an toàn. Thứ hai, do cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và do sau Covid 19, có sự chuyển dịch đầu tư và mua hàng sang Việt Nam.
Các DN cũng thông báo là có rất nhiều người mua, cả những FDI tại VN mở rộng sản xuất hay là những DN đang sản xuất tại VN thì cũng cố gắng tránh phụ thuộc vào Trung Quốc nên đã tìm thêm nguồn cung tại VN. Thậm chí, khách mua lẻ cũng đến VN nhiều hơn cũng. Đây là cơ hội cho cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ VN. Tất nhiên là DN cũng phải làm khá hơn, giá tốt hơn, làm linh kiện hoàn chỉnh để dễ xuất khẩu hơn nhưng cứ có cơ hội thì DN sẽ cố gắng. Tôi nghĩ là năm 2021 sẽ là bức tranh tươi sáng hơn rất nhiều so với năm 2020.
Xin cảm ơn bà!
Phạm Huyền (thực hiện)