Viết lại kịch bản công nghiệp ô tô
Mẫu xe điện VF e34 đã được Công ty ô tô VinFast chính thức công bố ra mắt tại thị trường Việt Nam. Nằm trong phân khúc SUV hạng C, xe được trang bị động cơ điện công suất 110 kW (147 mã lực), tương đương động cơ xăng 2.0L. Sử dụng gói pin có dung lượng 42 kWh, khi sạc đầy sẽ đi được khoảng 285km. Xe được hỗ trợ sạc siêu nhanh, 18 phút nạp pin sẽ di chuyển được khoảng 180 km.
VF e34 là chiếc xe thông minh với trợ lý ảo, hỗ trợ tiếng Việt đa vùng miền, ra lệnh bằng giọng nói. Xe có khả năng thiết lập, theo dõi và ghi nhớ hồ sơ người lái, điều hướng và dẫn đường. VF e34 có chế độ bảo hành lên tới 10 năm và giá bán là 690 triệu đồng.
Đến nay Vinfast đã xây dựng 10.000 cột sạc trên toàn quốc |
Tại TP.HCM, một DN sản xuất lắp ráp xe tải cho biết đang tiến hành thử nghiệm một số mẫu xe tải điện, sắp tới sẽ tung ra thị trường. Một số hãng xe cũng đang “nhòm ngó” thị trườngxe điện của Việt Nam. Một số doanh nghiệp FDI ô tô lớn tại Việt Nam đã có những buổi làm việc với cơ quan chức năng, với ý định mở rộng đầu tư, hướng tới sản xuất lắp ráp ô tô điện trong tương lai. Riêng Tập đoàn Mitsubishi Nhật Bản từ lâu đã có mong muốn đầu tư vào sản xuất lắp ráp điện hóa tại Việt Nam.
Khác với xe động cơ đốt trong, muốn phân phối được xe điện, các DN còn phải đầu tư cho hạ tầng, cụ thể là các trạm sạc, đổi pin; nhờ đó sẽ giúp Việt Nam có được hạ tầng xe điện phát triển rộng khắp.
VinFast cho biết đến nay đã xây dựng 10.000 cột sạc trên toàn quốc, dự kiến sẽ đầu tư tiếp 30.000 cột sạc nữa trong thời gian tới. Trước đó các DN như Mitsubishi Việt Nam, Porsche Việt Nam cũng đã bắt tay vào đầu tư các trạm sạc pin để phục vụ cho phân phối xe điện.
Mặc dù còn mới mẻ nhưng thị trường xe điện Việt Nam được đánh giá rất tiềm năng. Khảo sát của Công ty tư vấn chiến lược quốc tế Frost & Sullivan (Mỹ) vào năm 2017 cho thấy, có 33% người tiêu dùng Việt Nam nghĩ đến mua xe điện ngay từ lần đầu. Việt Nam có dân số trẻ và rất nhiều người sử dụng Internet. Sự hứng thú với công nghệ xe điện của người Việt đã vượt qua những hạn chế của nó như giá thành cao, sạc pin tốn thời gian. Đây là thị trường thực sự tiềm năng, Frost & Sullivan nhận xét.
VinFast cũng thông báo, đã có 25.000 khách hàng đặt mua mẫu xe điện VF e34 sau khoảng 6 tháng mở bán. Nhiều khách hàng ký hợp đồng đặt cọc từ rất sớm, dù chưa biết chiếc xe cụ thể như thế nào.
Việc phát triển xe điện phụ thuộc rất lớn vào chính sách của mỗi nước |
Giới chuyên môn nhận định, phát triển xe điện chính là “cơ hội vàng” để Việt Nam viết lại kịch bản ngành công nghiệp ô tô. Bởi xu hướng chuyển sang ô tô điện là tất yếu. Khi đó, một số quốc gia có ngành công nghiệp ô tô phát triển sẽ gặp phải thách thức. Nhiều linh kiện và cụm linh kiện cung cấp cho ô tô sử dụng động cơ đốt trong như động cơ, hộp số sẽ bị loại bỏ dần... dẫn đến phải giảm và ngừng hoạt động, ảnh hưởng tới sản xuất và việc làm của hàng trăm nghìn lao động.
Tuy nhiên, Việt Nam không phải chịu những tác động này bởi ngành công nghiệp ô tô chưa phát triển, chưa phụ thuộc nặng nề vào xe sử dụng động cơ đốt trong; do đó, có cơ hội phát triển ngay. Ngoài ra, với vị trí địa lý thuận lợi cho hoạt động hậu cần toàn cầu và lực lượng lao động có tay nghề, cùng luật giao thông bên phải là yếu tố quan trọng trong bố trí và chi phí sản xuất. Những yếu tố này đủ điều kiện biến Việt Nam trở thành “đại bản doanh” ô tô điện trong tương lai.
Trăm năm có một
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng ban Hoạch định chiến lược Toyota Việt Nam, nhận hay, theo các dự báo, đến 2030, thị trường ô tô Việt Nam sẽ đạt doanh số bán 1 triệu xe/năm, gấp 3 lần hiện tại. Như vậy, số người chấp nhận sử dụng xe điện sẽ cao hơn.
Tuy nhiên, việc phát triển xe điện phụ thuộc rất lớn vào chính sách của mỗi nước. Đây là vấn đề cạnh tranh quốc gia. Tập đoàn Toyota nhận định, xe điện là sự thay đổi 100 năm mới có một lần.
Trong khu vực, Thái Lan đã công bố đề án trở thành trung tâm sản xuất ô tô điện và xe máy điện của ASEAN; dự kiến sẽ đạt 750.000/năm chiếc vào năm 2030. Mục tiêu đầy tham vọng này dần được hiện thực hóa bằng những chính sách tổng thể nhằm đưa giá xe điện xuống gần với giá xe chạy xăng, dầu và đem đến sự thuận tiện trong sử dụng, vận hành.
Các DN vẫn chờ sự ra đời của chính sách phát triển công nghiệp xe điện. |
Trong khi đó, Indonesia đang trên đường trở thành trung tâm sản xuất xe điện của khu vực và có tham vọng vượt qua Thái Lan về quy mô. Các hãng xe đang xếp hàng để đầu tư vào Indonesia, bởi những chính sách hấp dẫn được ban hành.
Đến nay, Việt Nam vẫn chưa có lộ trình, mục tiêu phát triển xe điện, chưa có hệ thống các tiêu chuẩn và quy chuẩn đầy đủ về tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn của các bộ phận, hệ thống và xe hoàn chỉnh. Các chính sách ưu đãi vẫn còn nhỏ lẻ và thiếu hấp dẫn. Các DN vẫn chờ sự ra đời của chính sách phát triển công nghiệp xe điện.
Theo ông Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), cái khó nhất của ngành sản xuất xe điện hiện nay là cần chính sách hỗ trợ phù hợp, chứ không phải công nghệ, trong khi nhiều nhà sản xuất vẫn đang chờ chính sách để quyết định đầu tư. Quốc gia nào có chính sách tốt thì ngành công nghiệp xe điện sẽ phát triển và ngược lại.
Muốn phát triển công nghiệp xe điện, không phải chỉ có mỗi ưu đãi thuế, phí là đủ mà cần một chiến lược tổng thể với tầm nhìn xa. Từ quy hoạch, đến hỗ trợ phát triển sản xuất, tổ chức vận hành và thu hồi sản phẩm... Nhiều nước đã đưa ra lộ trình cấm bán xe động cơ đốt trong, vào những thời điểm cụ thể, để hướng tới xe điện.
Nếu Việt Nam không phát triển xe điện, với những lộ trình cụ thể thay thế xe động cơ đốt trong, nguy cơ chúng ta sẽ trở thành nơi tiêu thụ những sản phẩm công nghệ lạc hậu, ông Giám nói.
Khi ngành công nghiệp xe điện phát triển, đương nhiên sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn, từ tạo việc làm, nâng tầm công nghiệp chế biến chế tạo, đóng góp lớn vào GDP hàng năm và góp phần quan trọng giúp Việt Nam thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”, trở thành quốc gia phát triển, có công nghệ cao.
Trần Thủy