Cổ phiếu gạo đồng loạt tăng giá
Hàng loạt cổ phiếu ngành lúa gạo tăng vọt sau thông tin giá gạo trên thị trường toàn cầu tăng đột biến trong bối cảnh lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ trước tình trạng mưa gió kéo dài, hiện tượng El Nino và xung đột địa chính trị tại một số nơi. Việt Nam có cơ hội tăng giá gạo và ký hợp đồng lâu dài với các đối tác lớn.
Ngay từ phiên đầu tuần, ngày 24/7, nhiều mã cổ phiếu ngành lúa gạo, lương thực thực phẩm đã tăng mạnh và tiếp tục bứt phá trong phiên giao dịch ngày 25/7.
Trong phiên giao dịch ngày 25/7, cổ phiếu VSF của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam - CTCP tăng trần 15% phiên thứ 2 liên tiếp (trên Upcom) lên 9.800 đồng/cp. Đây là mức giá cao nhất của cổ phiếu này trong hơn 1 năm qua.
Cổ phiếu AGM của CTCP Xuất nhập khẩu An Giang cũng tăng trần phiên thứ 2 liên tiếp, thêm 7% (trên sàn HOSE) lên 6.960 đồng/cp.
Cổ phiếu BLT của CTCP Lương thực Bình Định hôm 25/7 tăng thêm 7,24% lên 40.000 đồng. Đây là phiên tăng thứ 5 liên tiếp của cổ phiếu này và là mức giá cao lịch sử, không chỉ vì thông tin tin gạo Việt Nam rộng đường tăng giá và ký hợp đồng xuất khẩu dài hạn, mà còn do doanh nghiệp này trả cổ tức rất cao.
BLT vừa trả 4.000 đồng/cp (tương đương 40% hôm 19/7). Trong năm doanh nghiệp này trả hơn 110% cổ tức bằng tiền mặt.
Cổ phiếu Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR) cũng tăng mạnh phiên thứ 4 liên tiếp, trong đó có 1 phiên tăng trần thêm 10% (sàn HNX) hôm 24/7. Giao dịch TAR sôi động, với hơn 16 triệu cổ phần được chuyển nhượng trong 3 phiên gần nhất.
NSC của Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam cũng tăng khá mạnh lên 77.550 đồng/cp…
Cổ phiếu CTCP Tập đoàn PAN (PAN) của Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng cũng tăng mạnh và leo từ mức 15.000 đồng cách đây chưa đầy 6 tháng lên mức 23.000 đồng/cp như hiện tại.
LTG của CTCP Tập đoàn Lộc Trời giảm nhẹ trong phiên 25/7 nhưng đã tăng vọt thời gian trong năm qua, từ mức 21.000 đồng hồi tháng 11/2022 lên mức 37.400 đồng/cp như hiện nay.
Cổ phiếu lúa gạo đồng loạt tăng mạnh với nhiều mã phá đỉnh lịch sử (hầu hết tăng vài chục phần trăm so với đáy tháng 11/2022 và nhiều mã tăng 2-3 lần như LTG, TAR, VSF…) trong bối cảnh xuất khẩu gạo tăng trưởng cao nhất 10 năm và giá gạo tăng vọt trong thời gian gần đây. Giá xuất khẩu gạo được dự báo sẽ tăng tiếp trong nửa cuối năm 2023.
Xuất khẩu bứt phá, giá tăng
Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu hơn 4,27 triệu tấn, tăng 22% so với cùng kỳ và thu về 2,3 tỷ USD, tăng gần 35% so với nửa đầu năm 2022. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua.
Giá gạo tăng mạnh. Chỉ trong tháng 6, giá xuất khẩu gạo bình quân của Việt Nam ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022 và cũng là mức giá xuất khẩu bình quân cao nhất trong lịch sử.
Trong năm 2022, khối lượng gạo xuất khẩu đạt 7,1 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt 3,45 tỷ USD.
Giá gạo và lượng xuất khẩu tăng trong bối cảnh thông tin nước cung ứng gạo lớn nhất thế giới - Ấn Độ cấm xuất khẩu mặt hàng này trước tình trạng mưa gió kéo dài gây thiệt hại đáng kể cho mùa màng.
Việc Ấn Độ chiếm hơn 40% xuất khẩu gạo thế giới và quyết định cấm xuất khẩu khiến thị trường gạo toàn cầu chao đảo. Việt Nam được kỳ vọng trở thành điểm đến tiềm năng cho các nhà nhập khẩu. Gạo Việt có cơ hội tăng giá và ký hợp đồng lâu dài với các đối tác lớn.
Theo Chứng khoán Tiên Phong (TPS), Việt Nam sẽ đón nhận những xu hướng tích cực từ chu kỳ thắt chặt nguồn cung lương thực trên thế giới. Ấn Độ và Pakistan giảm sản lượng xuất khẩu do chính sách và thời tiết bất lợi, hiện lượng El-Nino xuất hiện vào tháng 6/2023 sẽ gây tác động lên sản lượng canh tác trên quy mô toàn cầu; Nga chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen,...
Mặt khác, nhóm phân tích dự báo chỉ số lương thực toàn cầu sẽ thiết lập nền giá mới.
Tỉnh táo với cú bứt phá
Theo một chuyên gia tài chính đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, giá gạo tăng phi mã lần gần nhất cách đây hơn thập kỷ. Khi đó giá gạo xuất khẩu xấp xỉ 1.000 USD/tấn. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, Việt Nam đã đánh mất lợi thế do cấm xuất khẩu gạo. Trong đợt tăng giá lần này, người dân và doanh nghiệp có thể hưởng lợi lớn.
Song, chuyên gia này cũng lưu ý, việc giá lúa gạo tăng, có doanh nghiệp sẽ hưởng lợi và có doanh nghiệp sẽ bất lợi và mức độ cũng khác nhau. Cần đánh giá thật sâu, phân tích thật kỹ tác động này đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
Trên thực tế, có những doanh nghiệp có sẵn gạo có thể hưởng lợi lớn và dám ký hợp đồng xuất khẩu. Ở chiều ngược lại, nếu doanh nghiệp đã ký hợp đồng từ trước với mức giá thấp, thì việc giá gạo tăng cao, doanh nghiệp có thể phải bù lỗ.
Một số doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ gạo như bánh tráng, mì khô… như Safoco (SAF) có thể gặp khó khăn khi giá gạo tăng cao và chi phí đầu vào tăng mạnh.
Một số doanh nghiệp trồng và sản xuất gạo thương hiệu riêng và bán trực tiếp cho khách hàng nhập khẩu sẽ hưởng lợi lớn.
Trong khi các doanh nghiệp hoạt động thương mại, mua của lái buôn và bán cho nước nhập khẩu… có thể sẽ không thuận lợi. Việc đánh giá đối với các doanh nghiệp này, còn phải tính tới lượng hàng tồn kho và mức giá mua vào. Cũng có những doanh nghiệp ký hợp đồng mua lúa trước với mức giá thấp thì khi giá gạo lên nhanh như hiện nay sẽ hưởng lợi lớn.
Trên thế giới, tình trạng căng thẳng lương thực được dự báo còn tiếp diễn khi tình Elnino diễn ra trên khắp toàn cầu; Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo chưa biết đến bao giờ. Trong khi đó, Nga ngừng thoả thuận ngũ cốc với Ukraine.