Nguyễn Quốc Chí, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) tham dự kỳ thi đánh giá năng lực hồi đầu tháng 5 này với mục đích nghiên cứu đề thi để có hướng luyện cho học sinh
2 lần dự thi, nhận xét về đề thi đánh giá năng lực (ĐGNL) và đề thi THPTQG, Chí cho rằng điểm khác biệt lớn nhất của đề thi ĐGNL là “Thí sinh không thể học tủ vì đề ĐGNL kiến thức dàn trải quá nhiều. Để làm bài thi ĐGNL, thí sinh không cần học khó, học sâu, học thừa”.
Theo Chí, đề thi ĐGNL đánh giá toàn diện tất cả các môn, thay vì là học 3 môn được xác định từ trước và đòi hỏi ở thí sinh các kĩ năng làm nhanh, sự thông minh, sự nhanh nhạy, sáng tạo… cũng như sự nghiêm túc trong quá trình ôn luyện từ các lớp dưới.
Chí so sánh: Kho câu hỏi đã phong phú hơn, nhưng vẫn giữ những câu hỏi từ năm trước.
“Năm ngoái, đi thi riêng đề của tôi đã có 2 câu sai đề, là giáo viên nên biết ngay. Nhưng năm nay tôi không còn thấy tình trang sai đề như năm ngoái nữa. Mức độ đề thi có phần dễ chịu hơn một chút với phần cơ bản, tăng nhiều câu hỏi không thể làm nhanh bằng máy tính cầm tay”.
Nhận xét cụ thể về đề thi môn toán, Chí cho biết đề thi bám sát chương trình THPT. Trong đề có 50 câu thì khoảng 10 câu khó để phân loại, 40 câu còn lại kiến thức rất rộng, nằm trong chương trình học của cả ba lớp 10, 11, 12.
“Có một điểm khác biệt đáng chú ý giữa đề thi ĐGNL và đề thi ĐH thông thường là là hầu hết các câu hỏi thường xuất hiện trong sách giáo khoa và sách bài tập. Vì vậy mà nếu thí sinh chỉ chú tâm luyện các dạng bài thi ĐH thì sẽ thấy lạ.
Chí cho rằng để làm được “ngon lành” môn toán thì thí sinh “Không cần học khó, nắm vững bản chất của từng nội dung toán học, học đầy đủ kiến thức, không học tủ. thí sinh cũng cần phải biết kĩ thuật làm nhanh, cách bấm máy tính cầm tay. Khi làm bài, thí sinh bình tĩnh phát hiện câu khó, câu lạ, bỏ qua làm câu mình biết trước. Các em cũng phải chú ý thời gian làm bài”.
Với môn văn, Chí cho rằng các câu hỏi phổ biến ở dạng đưa ra một đoạn văn rồi yêu cầu thí sinh hiểu ngữ nghĩa của các từ khóa chứ không có nhiều kiến thức nghị luận văn học. Đề thi này nếu thí sinh đọc nhiều sách báo thì sẽ làm tốt.
Cùng nhận xét với đa phần thí sinh đi thi, Chí cho rằng kiến thức trong đề thi trải rộng, bao gồm cả kiến thức của các bậc học dưới chứ không chỉ gói trong kiến thức THPT. Vì vậy, muốn làm tốt bài thi văn, “thí sinh phải học kĩ nội dung tác phẩm, đọc nhiều sách báo nâng cao vốn từ và tham khảo nhiều đề văn trên mạng” – Chí nhận xét.
Với các phần còn lại thì vì kiến thức quá rộng, nên có lẽ ở thời điểm này, thí sinh “nhồi” thêm được gì thì “nhồi”.
Đề thi trải rộng
Dù mục đích đi thi và kết quả thi khác nhau, nhưng đa số thí sinh dự thi đợt đầu kỳ thi ĐGNL năm 2016 của ĐHQG Hà Nội đều chung nhận xét đề thi có kiến thức trải rộng, nếu học tủ sẽ không thể có kết quả tốt.
Nguyễn Thị Hoa, Trường THPT Văn Lâm (Hưng Yên) được 74 điểm trong bài thi ĐGNL (mức điểm sàn của ĐHQG Hà Nội năm 2015 là 70). Về mảng xã hội, Hoa đánh giá đề thi bình thường, không khó dù các câu hỏi có kiến thức trải rộng.
Về môn Ngoại ngữ, Hoa cho rằng đề đọc hiểu ngắn nhưng khó ở chỗ nhiều từ vựng mới. Phần ngữ paáp thì bình thường. “Em thấy làm đề thi ĐGNL thoải mái hơn, cảm thấy khách quan, trung thực hơn, chấm điểm ngay trên máy tính nên độ chính xác cao hơn”.
Vũ Thị Hoài, học sinh Trường THPT Yên Thế (Bắc Giang) thì lại nhìn nhận đề thi ĐGNL có nhiều câu hỏi vụn vặt. “Có câu hỏi cho dữ liệu một đằng nhưng câu hỏi rời xa quá, không bao quát được kiến thức. Tuy nhiên, em không phủ nhận là có nhiều câu hỏi hay” – Hoài bình luận.
Hoài thích thi theo đề thi THPTQG hơn vì “em biết là phải ôn theo phần nào, khi nhận đề thi không cảm thấy hoang mang như đề thi ĐGNL. Nếu cho đem Atlas vào phòng thi có lẽ làm bài sẽ đỡ hơn”.
Thí sinh tham gia đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội. Ảnh: Văn Chung |
Hoài cũng nhận xét phần Toán bình thường, nếu thi THPTQG được 5 điểm thì làm bài thi này cũng được 5 điểm. Đề môn văn phải tinh ý, vì từ chỉ khác nhau một chữ đã ra nghĩa khác.
Theo Hoài, “nếu chỉ ôn theo SGK thì cũng rất khó, vì kiến thức chỉ trong SGK nhưng có khi câu hỏi chỉ nằm ở một dòng trong SGK nên nếu ôn không cẩn thận sẽ dễ bị bỏ qua. Em thường lên mạng xem các bạn đã thi rồi đăng câu hỏi nào thì trả lời theo câu hỏi đó”. Hoài được 73 điểm trong bài thi ĐGNL.
Riêng môn Ngoại ngữ, Hoài cho rằng đề thi được trộn không đều. “Đề của em đa phần rơi vào phần đồng nghĩa – trái nghĩa, trong khi bạn ngồi cạnh cho biết đề thi chủ yếu vào phần trọng âm. Bạn của em ở điểm thi khác lại nói đề của bạn chủ yếu là giao tiếp”.
Trong khi đó, với số điểm 81 mình đạt được, Nguyễn Thị Hà – một học sinh đến từ Bắc Ninh, cho biết em không hài lòng vì số điểm này thấp hơn kỳ vọng. “Trong phòng thi của em bạn cao nhất được 94 điểm. Em thấy đề thi này khó hơn đề thi THPTQG, nhưng nếu học kỹ SGK cũng sẽ làm được trôi chảy”.
Thêm môi trường để thí sinh cọ xát
Khi trò chuyện với các thí sinh dự thi, có thể biết được lý do số lượng thí sinh dự thi ĐGNL tăng vọt trong năm nay (từ 45.000 lên 70.000).
Nguyễn Thị Hương Giang, Trường THPT Mê Linh (Hà Nội) chop biết cả khối 12 của trường, với hơn 200 học sinh, đều đăng ký dự thi ĐGNL.
“Chúng em tự bảo nhau đi thi, đa phần là các bạn đều muốn thi để cọ sát, rèn luyện bản lĩnh phòng thi trước khi bước vào kỳ thi THPTQG”.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Yên Phong (Bắc Ninh) cũng về dự thi rất đông, có lớp gần như cả lớp cùng đi thi.
Lã Thị Kiều Trang, Trường THPT Thanh Oai A (Hà Nội) thì cho biết lớp em có tới quá nửa học sinh đi thi ĐGNL.
“Em thấy chỉ có một bạn thật sự có nguyện vọng vào trường, còn đa phần đi thi để đánh giá kiến thức của bản thân, và nếu đỗ vào trường thì cũng yên tâm hơn”.
Vũ Thị Hoài, THPT Yên Thế (Bắc Giang) cho biết sau những lần thi thử do trường tổ chức và thi ĐGNL, khi vào phòng thi em đã biết xử lý, phân chia thời gian tốt hơn. Nhiều phần thi trước đây hay bị tâm lý, nhiều khi bị rối, thì nay đã luyện được cách xử lý bình tĩnh hơn.
Một điều mà các thí sinh đều rất hài lòng khi dự thi là công tác đón tiếp, tư vấn của đơn vị tổ chức.
"Em rất cảm ơn các anh chị tình nguyện viên đã tư vấn nhiệt tình, chỉ dẫn kỹ càng, đón chúng em từ cổng và đưa vào tận phòng thi, hướng dẫn cách sử dụng máy tính. Mọi thắc mắc của chúng em đều được trả lời cụ thể, chu đáo…” – cả Hoài, Trang, Hoa đều vui vẻ cho biết.
Hơn 100 người ra đề thi
Phó Giám đốc Thường trực ĐHQG Hà Nội Nguyễn Kim Sơn, Trưởng Ban chỉ đạo thi ĐGNL cho biết có 100 người ra đề, bao gồm 100 cán bộ thuộc nhiều đơn vị khác nhau, trong đó có những cán bộ cao niên, nhiều nhà khoa học có kinh nghiệm về hưu nhưng sức khỏe còn tốt và cán bộ trẻ tuổi ở nhiều đơn vị.
Tất cả đều được tập huấn kỹ năng, xác định tiểu mục đề để có lượng câu hỏi định lượng. Các cán bộ này được tập huấn kỹ càng qua 13 bước xây dựng và thử nghiệm.
ĐHQG Hà Nội không công bố bộ đề nguồn vì đây là tài sản bí mật quốc gia, cũng như không công bố đáp án, không tổ chức phúc khảo bài thi ĐGNL.
Năm 2016, số lượng câu hỏi trong ngân hàng đề thi ĐGNL đã tăng gấp đôi - từ hơn 4.000 lên 8.000 câu. Các câu hỏi đã được chuẩn hóa, đáp ứng được đề thi cho số lượng thí sinh tăng lên. Mỗi thí sinh làm một đề thi riêng do máy tính tổ hợp từ bộ cơ sở dữ liệu đề nguồn.
Đề thi bao gồm 2 phần trắc nghiệm: phần bắt buộc và phần tự chọn. Độ khó của các câu hỏi thi thuộc mỗi phần được phân định theo tỉ lệ: 20% ở cấp độ dễ, 60% ở cấp độ trung bình và 20% ở cấp độ khó.
Khi kiểm tra công tác tổ chức thi ĐGNL ngày 6/5, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết, đoàn công tác khá ấn tượng với phương thức thi này. Phương thức thi này giúp hạn chế tối đa các tiêu cực trong thi cử, giảm sự căng thẳng của công tác coi thi và tham gia dự thi của thí sinh.
Ngân Anh
Năm 2016, có thêm 8 trường ngoài ĐHQG Hà Nội cùng tham gia tổ chức thi và sử dụng kết quả thi ĐGNL để xét tuyển. Đợt 1 kỳ thi diễn ra từ ngày 5/5/2016 đến hết ngày 15/5/2016. Phần lớn thí sinh chỉ phải làm một bài thi đánh giá năng lực trong một ca thi kéo dài 195 phút và làm bài trên máy tính, trả lời 140 câu hỏi trắc nghiệm. Khoảng 1/4 thí sinh làm thêm bài thi đánh giá năng lực ngoại ngữ (cũng làm trên máy tính) trong một ca thi 90 phút, bao gồm 80 câu hỏi trắc nghiệm. thí sinh được biết kết quả ngay sau khi làm xong bài. |