- Cơ hội hợp tác giữa Oman và Việt Nam là rất lớn và đầy hứa hẹn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Oman tại Việt Nam cho biết.

Tại Hà Nội, Đại sứ quán Oman tại Việt Nam kỷ niệm 48 năm ngày Quốc khánh Vương quốc Oman.

Tham dự lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam bà Nguyễn Phương Nga phát biểu: "Trong hợp tác kinh tế, Việt Nam đánh giá cao hoạt động năng động của các nhà đầu tư Oman khi đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, dịch vụ tại Việt Nam và những bước phát triển, dù khiêm tốn nhưng rất đáng khích lệ trong trao đổi thương mại song phương. Tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn, nhất là trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, lao động”.

{keywords}
Đại sứ Oman và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga

Đại sứ Oman tại Việt Nam Sheikh Sultan Saif Hilal Al-Mahruqi nhấn mạnh, quan hệ song phương giữa Oman và Việt Nam không ngừng phát triển kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992.

Trong năm 2018 này, hai nước đã chứng kiến nhiều hoạt động quan trọng; tiêu biểu là kỳ họp lần thứ ba của Ủy ban hỗn hợp hai nước; nhiều đoàn doanh nghiệp và đại biểu Oman hoạt động trong lĩnh vực khác nhau đã đến Việt Nam để tham gia các sự kiện kinh tế và chính trị được tổ chức.

Đại sứ Oman tại Việt Nam khẳng định, cơ hội hợp tác giữa Oman và Việt Nam là rất lớn và đầy hứa hẹn.

Quan hệ Việt Nam và Vương Quốc Oman đã có bước tiến đáng kể sau kỳ họp lần thứ ba Ủy ban Hỗn hợp Hợp tác Kinh tế Kỹ thuật giữa hai nước tại Hà Nội vào tháng 3 năm nay - đánh dấu 26 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.

Hai bên đã ký một số thỏa thuận song phương và biên bản ghi nhớ trong các lĩnh vực hàng không, thương mại, nhân lực, bảo hộ đầu tư lẫn nhau, và tránh đánh thuế 2 lần.

Việt Nam và Vương Quốc Oman đã thành lập Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế-Kỹ thuật vào năm 2008, với kết quả là sự ra đời của Liên doanh Đầu tư Việt Nam-Oman (VOI). Liên doanh này hiện đang đầu tư vào nhiều ngành quan trọng như y tế, dịch vụ, nông nghiệp, năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng như đường cao tốc, các nhà máy xử lý nước sạch.

Qua 10 năm phát triển (2008-2018), Quỹ VOI - được xem như mô hình tiêu biểu cho quan hệ kinh tế giữa hai nước - đã giải ngân hơn 200 triệu USD trong vòng 10 năm qua, trở thành một dòng đầu tư tiêu biểu từ Trung Đông vào Việt Nam.

Bộ trưởng Công thương Oman Ali bin Masoud bin Ali al Sunaidy cho rằng, một trong những giải pháp thúc đẩy đầu tư song phương là phát triển quy mô của VOI. "Khoản đầu tư 200 triệu đô la vào Việt Nam là chưa đủ và có thể dễ dàng tăng vốn lên gấp đôi”, ông nói.

Bộ trưởng Bộ Công thương Oman phân tích, đối với ngành hàng lương thực thực phẩm, Oman chưa tự bảo đảm đủ nguồn lương thực do thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp. Bởi vậy, đây là lĩnh vực hứa hẹn có nhiều cơ hội đầu tư cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam, đặc biệt là gạo và rau quả, không chỉ vào thị trường Oman mà còn sang các nước lân cận trong khu vực.

Việt Nam và Oman sẽ tiếp tục nghiên cứu khả năng và sớm đi đến mở rộng hợp tác trong một số lĩnh vực triển vọng và trọng điểm như dầu khí, tài chính, ngân hàng, lao động, giao thông vận tải, văn hóa, thể thao và du lịch, mà trước hết là thúc đẩy đàm phán để sớm ký kết Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ để tạo thuận lợi cho việc đi lại giữa hai nước.

Đức Bảo