Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam sinh ra trong Đổi mới, gắn liền với Đổi mới và góp phần vào Đổi mới của đất nước. Đổi mới đã đưa thu nhập đầu người của Việt Nam tăng 40 lần, có thể nói là kỳ tích.
Trong 50 năm qua, chúng ta đã chứng kiến các cuộc cách mạng máy tính, cách mạng Internet, cách mạng di động và cách mạng điện toán đám mây.
Chúng ta hiện đang ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI). Một số chuyên gia trong ngành này tin rằng cách mạng AI sẽ thay đổi thế giới của chúng ta nhiều hơn tất cả các cuộc cách mạng trên trong 50 năm qua cộng lại.
Tất cả những sự thay đổi mang tính cách mạng ấy đều xoay quanh các lĩnh vực vô tuyến, điện tử và máy tính - là các lĩnh vực hoạt động của Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam.
Cách đây 35 năm, ngày 16/12/1988, Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam đã được Hội đồng Bộ trưởng ký quyết định thành lập. Hội đã có tầm nhìn xa khi nhận ra tầm quan trọng của các lĩnh vực vô tuyến, điện tử và máy tính đối với sự phát triển của đất nước, của nhân loại. Người Chủ tịch đầu tiên và cũng là Chủ tịch sáng lập của Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam - Anh hùng lao động thời kỳ Đổi mới Đặng Văn Thân, ông cũng chính là người đứng đầu ngành Bưu điện, là người khởi xướng cuộc đổi mới ngành Bưu điện lần thứ nhất.
Hôm nay, chúng ta cùng nhớ lại, biết ơn và vinh danh các cựu Chủ tịch tiếp theo của Hội: ông Mai Liêm Trực, ông Nguyễn Văn Ngọ, ông Phan Anh, ông Nguyễn Ngọc Bình và Chủ tịch hiện nay ông Trần Đức Lai. Họ chính là những hạt nhân tạo nên hình hài và đóng góp của Hội.
Hội có thể tự hào với những thành tích đặc biệt và khác biệt của mình. 16 năm liên tục tổ chức thường niên Hội nghị quốc tế về các công nghệ tiên tiến trong truyền thông với sự tham dự của các đại diện đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. 26 năm liên tục tổ chức Hội nghị quốc gia về Điện tử-Truyền thông-Công nghệ thông tin của Việt Nam với hàng chục công trình được công bố mỗi năm. Hội có quan hệ mật thiết với tổ chức quốc tế uy tín nhất trong lĩnh vực vô tuyến, điện và điện tử IEEE. Có tạp chí khoa học bằng tiếng Anh JEC.
10 năm tới sẽ là những chuyển dịch quan trọng trong công cuộc đổi mới lần thứ hai của ngành: Từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số; từ công nghệ thông tin sang công nghệ số; từ ứng dụng CNTT sang CĐS; từ tự động hoá sang thông minh hoá, sang trí tuệ nhân tạo; từ xử lý thông tin hữu hạn sang xử lý dữ liệu số vô hạn để sinh ra giá trị mới; từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số; từ gia công, lắp ráp sang làm sản phẩm Make in Viet Nam (thiết kế tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam); từ thị trường trong nước là chính sang thị trường quốc tế là chính; công nghệ số trở thành lực lượng sản xuất cơ bản; nhân tài số trở thành nguồn lực cơ bản; đổi mới sáng tạo số trở thành động lực cơ bản của phát triển.
Hạ tầng số Việt Nam bao gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng IoT, hạ tầng tính toán, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng cung cấp công nghệ số như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng. Hạ tầng số Việt Nam thì phải dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Hạ tầng này phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hoá và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Năm 2024 sẽ là năm thương mại hoá, phát triển 5G trên phạm vi toàn quốc để tạo ra hạ tầng cho các ứng dụng số công nghiệp.
Năm 2024 còn là năm phát triển AI, nhất là AI hẹp, tạo ra các ứng dụng AI cho từng lĩnh vực, các AI công nghiệp. Cung cấp công nghệ AI như dịch vụ.
Năm 2024 cũng là năm đầu tiên chúng ta thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn.
Công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng, và không chỉ nó vậy, nó còn là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong 30-50 năm tới. Một khi loài người còn phát triển dựa trên thông tin, dựa trên dữ liệu như một yếu tố đầu vào của sản xuất, thì việc xử lý dữ liệu, tức là chip bán dẫn, sẽ tiếp tục là trọng yếu. Nhu cầu về xử lý dữ liệu sẽ không khác gì nhu cầu về điện, nước. Một số quốc gia đã đưa ra khái niệm Computing Utility, tức là hạ tầng tính toán.
Lợi thế căn bản nhất của chúng ta là người Việt Nam có gen về STEM (toán, kỹ thuật, công nghệ và khoa học). Mà STEM là căn bản của công nghệ bán dẫn, của thiết kế chip. Trong các lợi thế thì lợi thế gen là quan trọng nhất, chắc cũng không kém lợi thế về địa chính trị. Từ lợi thế nhân lực sẽ ra các lợi thế khác. Từ trung tâm toàn cầu về nhân lực bán dẫn sẽ dẫn tới trung tâm toàn cầu về công nghiệp bán dẫn.
Chúng ta phát triển công nghiệp bán dẫn thì nên nhìn nó trong một ngữ cảnh lớn hơn, một bức tranh lớn hơn. Nếu nói về thị trường thiết lế chip bán dẫn thì chỉ có 60 tỷ USD mỗi năm, nếu nói cả ngành công nghiệp bán dẫn thì là 600 tỷ USD nhưng ngành công nghiệp điện tử thì trên 3.000 tỷ USD, còn ngành công nghiệp chuyển đổi số thì trên 20.000 tỷ USD, tức là lớn hơn 30 lần ngành công nghiệp bán dẫn.
Phát triển công nghệ bán dẫn cũng là cơ hội để Việt Nam dựng lại ngành công nghiệp điện tử nước nhà (như thiết điện tử tiêu dùng, thiết bị điện tử y tế, thiết bị điện tử công nghiệp,...), nhất là khi ngành này đang bước vào giai đoạn chuyển đổi sang thiết bị điện tử AI, thiết bị IoT. Công nghiệp bán dẫn cũng là cốt lõi của công nghiệp CĐS. Công nghiệp CĐS là thị trường lớn nhất của chip bán dẫn. Việt Nam với 100 triệu dân là một thị trường lớn, lại đang ở giai đoạn phát triển nhanh, công nghiệp hoá nhanh, CĐS nhanh, tiêu dùng điện tử nhiều, nên sẽ là một bối cảnh thuận lợi cho công nghiệp bán dẫn.
Công nghiệp bán dẫn là một chuỗi cung ứng, một hệ sinh thái có tính toàn cầu. Chúng ta sẽ phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam trong một hệ sinh thái trong nước và toàn cầu. Vừa có tự chủ, vừa có hợp tác quốc tế. Nhưng Việt Nam vẫn phải tiến tới một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, không chỉ là một vài công đoạn của ngành công nghiệp này. Công nghệ số đang thay đổi rất nhanh, có thể còn nhanh hơn. Chỉ có một chuỗi cung ứng quốc gia đầy đủ thì mới đáp ứng được tốc độ nhanh và giá thành thấp.
3 chữ vô tuyến, điện tử và máy tính sẽ vẫn tiếp tục gắn với Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam. Điện tử gắn với số hoá, vô tuyến với truyền đưa, và máy tính với lưu trữ và xử lý thông tin. Vậy là Hội của chúng ta liên quan đến toàn bộ ngành viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ số - là nền tảng, là cốt lõi của CĐS, của phát triển KTS, quyết định việc Việt Nam có trở thành nước phát triển hùng cường thịnh vượng hay không. Sứ mệnh, nhiệm vụ là rất lớn lao, rất thách thức nhưng cũng vô cùng vẻ vang.
Về vô tuyến, Việt Nam phải làm chủ thiết bị từ 5G trở đi, làm chủ vệ tinh viễn thông, viễn thám tầm thấp. Về điện tử là phát triển ngành công nghiệp điện tử dựa trên AI. Không có một quốc gia nào trở thành nước phát triển mà không có ngành công nghiệp điện tử. Thiết bị IoT và chip bán dẫn là những cấu thành mới nhưng trọng yếu của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam. Về máy tính thì nó đã trở thành năng lực tính toán, một loại hạ tầng mới, một loại năng lượng mới cho sự phát triển của nhân loại. Trước đây, năng lượng là than đá, dầu mỏ, là điện thì nay, năng lượng là năng lực tính toán. Việt Nam phải sản xuất được các server có năng lực tính toán mạnh, nhất là các server AI, để cung cấp tính toán như một dịch vụ, cung cấp trí tuệ nhân tạo như một dịch vụ. Mà là dịch vụ phổ cập.
Muốn phát triển, muốn có một trang mới thì đầu tiên phải là một không gian mới, và một sứ mệnh mới. Không gian mới của ngành Thông tin và truyền thông cũng chính là không gian mới của Hội. Sứ mệnh mới của Hội là sứ mệnh làm chủ công nghệ. Làm chủ công nghệ thì đầu tiên, thì lâu dài là nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học luôn là sự khác biệt căn bản của Hội Vô tuyến - Điện tử so với các hội khác thuộc ngành Thông tin và Truyền thông. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang chuyển đổi từ gia công, lắp ráp, ứng dụng sang nghiên cứu phát triển sản phẩm, sang Make in Viet Nam, thì nay là lúc thực sự phải cần đến sự cộng tác của các nhà khoa học và doanh nghiệp. Sẽ không cần đến sự hô hào hay thúc giục mà sẽ là tự thân các doanh nghiệp và nhà khoa học tìm đến với nhau.
Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam có thể đóng góp vào quá trình này thông qua việc trở thành cầu nối, gắn kết việc nghiên cứu khoa học và thực tiễn, gắn kết các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp. Kêu gọi doanh nghiệp tham gia tích cực hơn để tiếp cận các thành quả nghiên cứu của các nhà khoa học. Tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp với các khoa, các trường, các viện nghiên cứu, biến các quả nghiên cứu khoa học thành các ứng dụng trong thực tiễn. Hội hãy kêu gọi các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp công nghệ số hãy cùng nhau nghiên cứu, phát triển, sản xuất các sản phẩm. Nếu đặt hàng không được thì hãy cùng nhau làm.
Việc là đủ khó, đủ thách thức, ngọn cờ là đủ cao, khát vọng là đủ lớn, đường đi là đủ dài để chúng ta phải đi cùng nhau thì mới hy vọng có kết quả.
Bộ TT&TT mong muốn Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam đón nhận không gian mới, sứ mệnh mới và đổi mới cách làm để đồng hành cùng ngành, cùng đất nước. Bộ sẽ luôn bên cạnh, định hướng, hỗ trợ, và tạo mọi điều kiện tốt nhất để Hội thực hiện sứ mệnh mới của mình, trở thành hội hàng đầu về vô tuyến, điện tử và máy tính của khu vực và thế giới.