images163684_4-1.jpg
Theo dự báo về nhu cầu nhân lực ATTT từ nay đến 2020 của thế giới, đảm bảo ATTT đang trở thành một trong những nghề hấp dẫn của hiện tại và tương lai. Ảnh: Internet

>>"Đốt đuốc" tìm sinh viên giỏi về An toàn thông tin

Hiệp hội an toàn thông tin phía Nam – Vnisa đưa ra con số: Vào tháng 6/2011, hàng trăm website của các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân bị tấn công trong đó có nhiều website là của cơ quan Nhà nước với tên miền .gov.vn. Tính từ đầu năm đến đầu tháng 11/2011 đã có hơn 300 website có đuôi .gov.vn bị tấn công. Theo tổ chức này các tổ chức tội phạm hoặc các tổ chức cực đoan sử dụng công nghệ cao, trong đó đặc biệt là sử dụng Internet như một công cụ và môi trường để tấn công vào các tổ chức, cơ quan, thậm chí chính phủ và quốc gia nhằm gây tổn thất về kinh tế, xã hội.

Còn theo nhận định của Bkav, tình trạng lộ, lọt thông tin tại Việt Nam đang ở mức đáng báo động. Điều này không chỉ gây ra thiệt hại cho cá nhân người sử dụng máy tính mà còn đe dọa sự an toàn an ninh của các tổ chức, doanh nghiệp, gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Khẳng định nhu cầu về an toàn thông tin ngày càng trở lên vô cùng cấp thiết, PGS.TS Hoàng Đăng Hải – Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp Máy tính Việt Nam (Vietnam Computer Emergency Response Team - VNCERT) - Bộ Thông tin - Truyền thông cho biết: CNTT&TT ngày càng được ứng dụng rộng rãi và trở thành yếu tố không thể thiếu được trong hầu hết các hoạt động chính trị-kinh tế-xã hội-văn hóa-lịch sử-đời sống…Với đặc trưng ngành CNTT&TT là tốc độ phát triển rất nhanh và thay đổi từng giờ, lĩnh vực này luôn đòi hỏi những tài năng được đào tạo bài bản. Để đảm bảo ATTT, cần có các kỹ sư lành nghề về lĩnh vực ATTT, đặc biệt cho các cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu như: các cơ quan Chính phủ, Y tế, Dầu khí, Hệ thống cung cấp nước, Năng lượng điện, Viễn thông, Tài chính Ngân hàng, Bảo hiểm, Thương mại và Giao thông vận tải…. 

Trong khi đó, nguồn nhân lực ATTT của nước ta còn rất thiếu và yếu. Các khảo sát thực tế từ 2008 tới nay đều cho thấy hầu hết các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp còn thiếu các cán bộ kỹ thuật chuyên trách về ATTT. Với nhu cầu của hàng ngàn chi nhánh ngân hàng, hàng ngàn cơ quan nhà nước và trên 200.000 doanh nghiệp có ứng dụng CNTT trong hoạt động kinh doanh, quản lý và sản xuất, nhân sự ATTT là đòi hỏi rất lớn từ xã hội. Thực tế hiện nay, ở nhiều quốc gia trên thế giới, ATTT đã là một nghề chuyên nghiệp và có mức lương khá cao trong xã hội. Tuy nhiên ở nước ta hiện nay, ngành An toàn thông tin chưa có trong danh mục mã ngành đào tạo ĐH. 

PGS.TS Từ Minh Phương – Trưởng khoa Công nghệ thông tin – Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông cho biết, xác định được nhu cầu cấp bách về nhân lực an toàn thông tin, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông đang hoàn thiện hồ sơ xin phép Bộ GD&ĐT cho phép mở mã ngành An toàn thông tin. Trước mắt, từ năm 2012, Học viện mở chuyên ngành đào tạo kỹ sư An toàn thông tin mạng nằm trong ngành Công nghệ thông tin. Chương trình đào tạo được thiết kế rất thực tế, các môn học mang tính cập nhật đào tạo kỹ năng phân tích, kiểm soát rủi ro trên cả cơ sở công nghệ và quản lý.

Theo PGS.TS Từ Minh Phương, sinh viên theo học Công nghệ thông tin chuyên ngành An toàn thông tin mạng sẽ được trang bị các kiến thức và các kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin như: kỹ thuật lập trình, công nghệ mạng, kiến trúc máy tính và hệ điều hành, cơ sở dữ liệu, truyền dữ liệu và mạng máy tính, công nghệ phần mềm,…Các kiến thức và các kỹ năng chuyên sâu về an toàn thông tin mạng như: các kỹ thuật mật mã, an toàn mạng máy tính, an toàn hệ điều hành, an toàn cơ sở dữ liệu, an toàn các ứng dụng Web và Internet, an toàn trong giao dịch và thương mại điện tử, các kỹ thuật tấn công và xâm nhập mạng, mô hình bảo vệ và các kỹ thuật phòng thủ chống tấn công đột nhập, lập trình an toàn, thiết kế các phần mềm và công cụ đảm bảo an toàn, quản lý và đánh giá điểm yếu, các kỹ thuật kiểm tra đánh giá an toàn, quản trị mạng an toàn, các vấn đề về chính sách, pháp luật và chuẩn hóa an toàn…

Sinh viên cũng đồng thời được trang bị các kiến thức và các kỹ năng xử lý tình huống thực tế thông qua các bài thực hành, các hình thức diễn tập thực tế…cùng kỹ năng mềm như có phương pháp làm việc khoa học và chuyên nghiệp, tư duy hệ thống, khả năng trình bày, khả năng giao tiếp và làm việc hiệu quả trong nhóm, hội nhập được trong môi trường quốc tế...

Kỹ sư An toàn thông tin mạng tốt nghiệp ra trường có khả năng làm việc trong các đơn vị chuyên về CNTT và mạng cũng như các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng CNTT như: các cơ quan chính phủ, các cơ quan thuộc các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, năng lượng điện, dầu khí, thương mại, giao thông vận tải… với các vị trí công việc: Chuyên viên quản trị bảo mật máy chủ và mạng; chuyên viên bảo mật cơ sở dữ liệu; chuyên viên phân tích, tư vấn, thiết kế hệ thống thông tin đảm bảo an toàn; chuyên viên kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin cho mạng và hệ thống; huyên gia rà quét lỗ hổng, điểm yếu và xử lý sự cố an toàn thông tin; chuyên gia lập trình và phát triển ứng dụng đảm bảo an toàn thông tin.

Theo Giáo dục Việt Nam