Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ với mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao vào năm 2035. Trong hành trình này, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò then chốt. Tuy nhiên, những thách thức như xung đột địa chính trị, thiên tai, dịch bệnh hay gần đây là chính sách thuế quan mới từ Mỹ đã tạo áp lực không nhỏ lên nền kinh tế. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới, tận dụng công nghệ, nâng cao năng suất và khả năng thích ứng để tìm kiếm cơ hội bứt phá trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của đất nước. 

Chuyển đổi số - động lực tăng trưởng tất yếu của doanh nghiệp

Rõ ràng, doanh nghiệp ngày nay không thể tiếp tục tư duy, cách làm cũ, chỉ phát triển dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên hay lao động giá rẻ. Cần có một bước chuyển căn bản về chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh để hội nhập thành công và phát triển bền vững. Và bước chuyển đó chính là tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chủ yếu dựa trên công nghệ.

Theo khảo sát mới đây của Vietnam Report với nhóm 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST500), bước vào kỷ nguyên số, nhiều doanh nghiệp đã chủ động chuyển mình. Cụ thể, có 44,4% doanh nghiệp cho biết đang tích cực triển khai chuyển đổi số, 36,1% ở giai đoạn thử nghiệm. Tuy nhiên, chỉ 2,8% doanh nghiệp đạt đến mức độ hoàn thiện và đang tối ưu hóa.

Hinh vnr 1.png
Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp FAST500 2025, Vietnam Report

Chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là đầu tư công nghệ mà còn liên quan mật thiết tới con người. 80,6% doanh nghiệp tham gia khảo sát lựa chọn phát triển nguồn nhân lực số làm ưu tiên hàng đầu, tiếp theo là cải thiện hạ tầng công nghệ thông tin (77,8%). Khi nền tảng đã vững, các doanh nghiệp tiếp tục ứng dụng AI, Big Data để nâng cao hiệu quả vận hành và ra quyết định.

Hinh vnr 2.png
Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp FAST500 2025, Vietnam Report

Nhìn chung, bức tranh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ nhưng chưa đồng đều. Hành trình chuyển đổi số còn không ít rào cản như thiếu nguồn lực tài chính, công nghệ và chiến lược dài hạn. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần có tầm nhìn rõ ràng, sẵn sàng đầu tư và thích nghi liên tục với tốc độ phát triển công nghệ.

Phát triển bền vững gắn với ESG - từ nhận thức đến hành động

Tốc độ tăng trưởng nhanh cũng đi kèm với áp lực lớn. Tăng trưởng nhanh nhưng thiếu bền vững có thể khiến doanh nghiệp đối mặt với nhiều rủi ro. Ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận thức rõ điều này và lựa chọn phát triển theo hướng có trách nhiệm, thông qua việc lồng ghép ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) vào chiến lược kinh doanh.

Khảo sát của Vietnam Report cho thấy 85,4% doanh nghiệp FAST500 đã cam kết hoặc có kế hoạch cam kết ESG; trong đó 14,8% triển khai toàn diện, 37,1% triển khai một phần và 33,5% đang ở giai đoạn lập kế hoạch. Điều này không chỉ thể hiện nhận thức của doanh nghiệp mà còn là sự chuyển mình tích cực trước yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế, chẳng hạn như EU áp thuế phát thải carbon theo Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM).

Hinh vnr 3.png
Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp FAST500 2025, Vietnam Report

Đáng chú ý, trong ba trụ cột ESG, yếu tố Quản trị được doanh nghiệp FAST500 đặc biệt quan tâm. Một hệ thống quản trị tốt không chỉ tăng tính minh bạch mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội và môi trường cũng tạo được niềm tin lớn hơn từ khách hàng, đối tác và nhà đầu tư.

Hinh vnr 4.png
Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp FAST500 2025, Vietnam Report

Tuy nhiên, con đường thực hiện ESG vẫn còn nhiều thử thách, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khó khăn lớn nhất nằm ở việc thiếu nguồn lực - từ tài chính, kỹ thuật đến nhân sự chất lượng cao - và một hành lang pháp lý đủ mạnh để hỗ trợ.

Vị thế của doanh nghiệp tăng trưởng trong nền kinh tế mới

Chuyển đổi số và phát triển bền vững không còn là lựa chọn, mà là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp tồn tại và phát triển trong kỷ nguyên mới. Các doanh nghiệp đi đầu trong những xu hướng này không chỉ tăng trưởng nhanh mà còn góp phần làm nên diện mạo mới cho nền kinh tế quốc gia.

Ghi nhận những nỗ lực và thành tựu ấy, Lễ công bố Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam & Top 100 Doanh nghiệp triển vọng tăng trưởng Việt Nam năm 2025 do Vietnam Report và Báo VietNamNet tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 24/4/2025 tại Hà Nội. Đây không chỉ là dịp tôn vinh các doanh nghiệp tăng trưởng tiêu biểu mà còn là cơ hội để lãnh đạo doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi về chủ đề tăng trưởng, đổi mới và bền vững trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng.

Hinh vnr 5.jpg
Nguồn: Lễ công bố FAST500 2024, Vietnam Report

Doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để vươn lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhưng để làm được điều đó, cần có hành động quyết liệt, chiến lược rõ ràng và tầm nhìn dài hạn - từ việc ứng dụng công nghệ mới, phát triển nguồn nhân lực số đến cam kết thực hiện ESG một cách toàn diện. Chỉ như vậy, tăng trưởng mới thực sự bền vững.

Thuý Ngà