- Các giáo viên giỏi ngoài khả năng chuyên môn còn phải là những nhà tâm lý thực thụ để có thể giải thích và thuyết phục không chỉ học sinh mà với cả những vị phụ huynh.
Các cô giáo đã thể hiện khả năng xử lý tình huống sư phạm tại Hội thi Cô giáo tài năng duyên dáng toàn quốc năm 2017. |
Mỗi ngày, các giáo viên thường xuyên phải đối mặt với vô vàn các tình huống. Các tình huống sư phạm này cũng được đưa ra để thử thách thức khả năng xử lý linh hoạt của các cô giáo tại Hội thi Cô giáo tài năng duyên dáng toàn quốc năm 2017 vừa qua.
Trong phần thi xử lý tình huống sư phạm, cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang (Trường Tiểu học Bình Đa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đứng trước thách thức khi phụ huynh cấm con mình chơi với bạn, dù trước đó gần nhà lại chơi thân với nhau.
Vị phụ huynh thấy bạn của con có hai người anh trai bỏ học sớm lại ham chơi, vì thế cấm đoán dù con rất buồn.
“Hôm nay đến lớp cô giáo phân công An và Nam cùng học chung một nhóm. Sợ bố nên An đã phải nói thật với cô rằng bị bố cấm” - tình huống nêu.
Trước tình huống này, cô Thu Trang đưa ra hướng xử trí là sẽ bố trí một buổi trò chuyện riêng với An và giải thích cho em hiểu qua những câu hỏi xem con có cảm thấy vui khi chơi với bạn. Cô Trang muốn cho An thấy rõ tình bạn của các con là rất đẹp: “Cô nghĩ đừng vì những điều khác mà các con làm rạn nứt đi tình bạn của mình. Bởi nếu bạn Nam mà bị ảnh hưởng bởi 2 anh của mình thì chắc chắn bạn ấy đã hư mất rồi. Nhưng như con thấy đấy, bạn có hư như vậy đâu, bạn ấy rất ngoan và tình cảm của các con rất đáng trân trọng”.
Cùng đó, cô Thu Trang sẽ tìm cơ hội gặp phụ huynh của An để giải thích cho phụ huynh biết rằng bạn Nam trong lớp là một học sinh ngoan và gương mẫu, được nhiều bạn bè quý mến. “Môi trường gia đình, xã hội có phần nào ảnh hưởng đến trẻ nhưng không phải là tất cả mà chỉ là một phần nào đấy thôi. Nhưng nếu Nam là người có bãn lĩnh, học tập tốt và không bị tác động bởi môi trường đó thì chúng ta nên nhìn nhận ở khía cạnh đó” - cô Trang nói.
Vì vậy, không nên cấm đoán khi trẻ có một tình bạn đẹp như vậy.
Ngoài ra, trong những buổi sinh hoạt lớp, cô giáo sẽ lồng ghép những câu chuyện có nội dung tương tự vào, qua đó giáo dục không chỉ An hay Nam mà còn cả tập thể học sinh của lớp mình nữa. “Tôi tin rằng những việc làm gì xuất phát từ trái tim chắc chắn sẽ chạm đến những trái tim khác” - cô Thu Trang chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Thu Hồng (Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, quận Hồng Bàng, Hải Phòng) gặp tình huống đầu giờ học sáng, có một học sinh trong lớp cô giáo chủ nhiệm bị đau mắt đỏ nhưng phụ huynh vẫn đưa con đến lớp. Cô đã khuyên phụ huynh nên cho con nghỉ ở nhà nhưng phụ huynh trình bày là không có ai trông nên phải đưa con đi học.
Trước tình huống này, cô Hồng xác định đau mắt đỏ là dịch bệnh có thể lây lan. Vì vậy khi nhận em học sinh ở lớp thì có thể khiến các bạn học sinh khác trong lớp cũng bị lây bệnh. Song khi phụ huynh trình bày như vậy, cô Hồng cho rằng trước tiên phải thông cảm với hoàn cảnh của gia đình học sinh.
“Song để vừa không ảnh hưởng đến học sinh trong lớp mà vẫn có thể tạo điều kiện trông con giúp cho phụ huynh, thì sau khi nhận cô giáo đưa trẻ xuống phòng y tế của nhà trường để được các cán bộ y tế chăm sóc trong thời gian mà em ở lớp. Sau giờ học ngày hôm đó, tôi sẽ đề nghị phụ huynh đưa em đi khám và sắp xếp thời gian và điều kiện để những buổi học sau em sẽ được chăm sóc tại nhà để không làm ảnh hưởng tới sức khỏe của tất cả các bạn trong lớp” - cô Hồng chia sẻ.
Cô Hồng cho rằng, trong quá trình giảng dạy, các giáo viên gặp phải rất nhiều tình huống và đòi hỏi phải có cách xử lý thật khéo léo và bình tĩnh, xuất phát từ tình yêu thương và trách nhiệm với học trò để có thể đạt được mục tiêu giáo dục cao nhất, đồng thời nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các bậc phụ huynh.
Cô Võ Thúy Hiền (Trường Tiểu học thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đứng trước tính huống một phụ huynh đến đón con ở trường và nhìn thấy con đang cùng các bạn sắp xếp bàn ghế, tưới cây cảnh, vệ sinh lớp học. Tuy nhiên, vị phụ huynh tỏ ý không hài lòng và phàn nàn với cô giáo là không muốn cho con mình làm việc đó.
“Trước tình huống này, đầu tiên tôi sẽ lắng nghe những trao đổi của phụ huynh về vấn đề liên quan đến con mình và những việc mà phụ huynh không muốn. Sau đó tôi sẽ khéo léo, tế nhị trao đổi với phụ huynh, giải thích với họ rằng các con của mình đến trường không chỉ là để thực hiện tốt việc học kiến thức mà còn được giáo dục về các kỹ năng, đặc biệt đó là kỹ năng tự phục vụ.
Ngoài việc giúp cho bản thân mình luôn sạch sẽ và bảo vệ sức khỏe của mình thì việc giáo dục cho các em kỹ năng tự phục vụ sẽ giúp các em có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, giúp cho lớp học của mình sạch sẽ. Ngoài ra, khi về nhà các em cũng sẽ biết cách để tham gia các công việc hỗ trợ cha mẹ.
“Tôi cũng sẽ phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh để trong các buổi họp phụ huynh có thể trao đổi về vấn đề này để các phụ huynh hiểu rằng việc cho các con tham gia các hoạt động tập thể như tưới cây cảnh, xếp bàn ghế hay vệ sinh lớp học cũng là một trong những yếu tố để giáo dục các con phát triển hoàn thiện về năng lực và phẩm chất cho các con” - cô Hiền nói.
Những phần xử lý tình huống này cũng nhận được sự tán dương từ phía ban giám khảo và đều đạt giải cao tại Hội thi Cô giáo tài năng duyên dáng toàn quốc năm 2017 dành cho khối Tiểu học.
Đây đều là những giáo viên tiêu biểu, xuất sắc đã vượt qua các vòng thi từ cấp cụm, cấp khu vực đến cấp tỉnh, thành phố, để trở thành đại diện tham gia Hội thi cấp toàn quốc.
Thanh Hùng