Chị Nguyễn Thị Ngọc hiện là giảng viên tại khoa May- Thiết kế thời trang, Trường Trung cấp Kinh tế - Công nghiệp - Thủ công nghiệp Nghệ An.
Trong Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc 2021 vừa qua, chị Ngọc là giáo viên đầu tiên của trường giành được giải Nhất với bài giảng “May túi hộp một lớp có nắp đáy tròn”.
Chị Ngọc cho biết đây là một trong những kỹ thuật khó thực hiện, yêu cầu cao, tất cả đường may phải tròn, đều, và khi ghép túi vào sản phẩm thì đường may không bị xô vặn. “Tôi quan niệm rằng mỗi cuộc thi là nơi các thầy cô dạy nghề giao lưu học hỏi kinh nghiệm. Việc chọn phần thi khó sẽ giúp mình nỗ lực hơn để nâng cao cả trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề”.
Trước đó, chị Ngọc đã giành được giải Nhì trong Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tỉnh Nghệ An năm 2020 và giải Khuyến khích tại Hội thi thiết bị đào tạo tự làm tỉnh Nghệ An năm 2018.
Chị Ngọc là giáo viên đầu tiên của Trường Trung cấp Kinh tế - Công nghiệp - Thủ công nghiệp Nghệ An giành được giải Nhất ở Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc |
Chị Ngọc sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Đô Lương, Nghệ An. Năm 2009, trong khi các bạn đều thi vào đại học thì chị quyết định nộp hồ sơ đi học nghề may tại Trường Trung cấp Kinh tế - Công nghiệp - Thủ công nghiệp Nghệ An.
Sau khi tốt nghiệp trung cấp chị Ngọc tiếp tục học liên thông lên cao đẳng. Năm 2012 chị ra trường và cũng trong năm này, chị giành giải Khuyến khích khi tham gia Kỳ thi tay nghề quốc gia.
Tháng 10/2012, chị Ngọc nộp hồ sơ và được nhận vào làm giảng viên tại chính ngôi trường ngày xưa theo học. Thời gian đầu, để làm quen và học phương pháp truyền đạt, giảng dạy, chị Ngọc thường xin dự giờ của các thầy cô khác.
Hơn 9 năm gắn bó với giáo dục nghề nghiệp, theo chị Ngọc, ngoài truyền đạt kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thì còn phải nắm bắt tâm lý học sinh để kịp thời tư vấn, định hướng đúng đắn cho các em.
“Một số học sinh chỉ mới tốt nghiệp cấp 2 nên các em chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học nghề. Nhiều em bỏ học giữa chừng đi làm kiếm tiền hoặc học hành chểnh mảng. Những lúc như vậy tôi thường mềm mỏng, phân tích các cơ hội khi các em thạo nghề”.
Phần thực hành được chị Ngọc đặc biệt chú trọng. Học sinh được kèm cặp, chỉ dẫn nhiệt tình, nếu chưa hiểu có thể ở lại cuối giờ để chị hỗ trợ thêm.
“Nhìn học sinh lại thấy chính mình ngày xưa cũng phải mày mò, tập luyện từng tí. Nhiều khi chỉ một lời khen hay động viên của cô cũng giúp mình cố gắng hơn” - chị Ngọc cho biết.
IMG_9329.JPG |
Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trường chuyển sang học theo hình thức online nên việc dạy và học có phần khó khăn.
“Học sinh của tôi đa số là đồng bào dân tộc từ các huyện miền núi, nên khi dạy trực tuyến nhiều em không có thiết bị và sóng internet để theo học đầy đủ”.
Chị Ngọc cố gắng khắc phục những tồn tại đó bằng cách tự quay các video mô tả từng công đoạn, quy trình may các sản phẩm một cách chi tiết rồi gửi cho học sinh. Đồng thời, khuyến khích các em thực hiện và quay lại sản phẩm cho giáo viên đánh giá.
Theo chị Ngọc, điều thành công và hạnh phúc nhất của người giáo viên dạy nghề là nhìn thấy học sinh mình trưởng thành, tìm được công việc như ý. Đó cũng là động lực để thầy cô giáo nhiệt huyết truyền lửa nghề cho các thế hệ học sinh tiếp theo.
Ngọc Linh
Cô giáo gần 30 năm lên lớp với... dùi đục
Gần 30 năm qua, cô Phạm Thị Thu Hương, giảng viên Trường CĐ Công nghệ, Kinh tế và Chế biến lâm sản đã quen với việc đôi tay chai sần vì phải cầm dùi đục lên lớp hướng dẫn học sinh chạm khắc gỗ.