- Trao đổi với VietNamNet sáng 29/4, các giáo viên tiểu học cho biết phương án “bảy mươi tư” hay “bảy mươi bốn” đều chấp nhận được nhưng nên hướng học sinh chọn là “bảy mươi tư”. Với trò lớp 1-2 giáo viên không nên ra đề gây hoang mang, rối rắm như vậy.
Câu hỏi và hai phương án “bảy mươi tư”, “bảy mươi bốn” nhận được nhiều tranh luận.
Bài toán gây tranh cãi |
Trao đổi với VietNamNet, cô Thu Hằng, giáo viên tiểu học ở quận Long Biên, Hà Nội cho biết với 4 phương án giáo viên đưa ra, theo cách dạy của cô thì phương án đúng là “bảy mươi tư”. “Khi dạy số có hai chữ số trở lên, cô giáo cần cho trò đọc có chữ “mươi”.
“Theo đó, học sinh cần đọc là “bảy mươi tư”, không phải “bảy mươi bốn”. Trong quá trình dạy học mình phải hướng cho học sinh chọn cách đúng thuật ngữ. Tuy nhiên “bảy mươi bốn” cũng không sai.
Các phương án khác trong quá trình ngôn ngữ nói có thể xảy ra như ở nhà ông bà, bố mẹ vẫn nói” – cô Thu Hằng cho biết.
Theo cô Thu Hằng: “Giáo viên không nên đưa ra các phương án lựa chọn như vậy. Chỉ nên đưa phương án đúng nhất là bảy mươi tư, bảy bốn, bảy tư để học sinh chọn”.
Cô Thu Hằng cũng cho biết thêm: sách hướng dẫn giáo viên của Bộ GD-ĐT cho giáo viên tham khảo chỉ ra nếu 21 không đọc hai mươi một mà phải là hai mươi mốt, 24 đọc là hai mươi tư hoặc hai mươi bốn nhưng nên đọc là hai mươi tư, 25 đọc là hai mươi lăm hoặc hai mươi nhăm nhưng nên đọc là hai mươi lăm”.
Cùng quan điểm trên, cô Nguyễn Lợi, giáo viên tiểu học ở quận Hà Đông, Hà Nội bức xúc: “Giáo viên không nên đưa ra phương án lựa chọn như vậy. Những đề trên chỉ làm cho học sinh, phụ huynh hoang mang, rối rắm”.
Cô Lợi cũng cho biết nếu trong số đếm ta đọc là một, hai, ba, bốn nhưng trong ngôn ngữ nói bình thương là “tư”.
Sách hướng dẫn giáo viên của Bộ GD-ĐT |
Qua tìm hiểu của PV, theo sách hướng dẫn giáo viên lớp 1 của Bộ GD-ĐT, trang 164 hướng dẫn: “21 không đọc là “hai mươi một” mà đọc là “hai mươi mốt”; 24 có thể đọc là “hai mươi tư” hoặc “hai mươi bốn” nhưng nên thống nhất đọc là “hai mươi tư”; 25 có thể đọc là “hai mươi lăm” hoặc “hai mươi nhăm” nhưng nên thống nhất đọc là “hai mươi lăm” (không đọc là “hai mươi năm”)”.
-
Văn Chung