Ngày Tết cũng là ngày sum họp gia đình cho những bữa ăn truyền thống đậm đà sắc Việt. Những cặp đôi không cùng quốc tịch ăn Tết Việt ra sao, có hay không những xung đột giữ nền văn hóa ẩm thực từ hai dân tộc, họ đã hóa giải những xung đột ấy bằng cách nào… là chủ đề được chia sẻ từ những người vợ trong bài viết này.


{keywords}
Ảnh minh họa: QTV

Chị Nguyễn Bích (giáo viên, sống tại Vladivostok, Nga)

Mang hai dòng máu Nga – Việt, bọn trẻ nhà mình đặc biệt thích món mì ống với thịt sốt kiểu Ý, viên bột bọc thịt băm, khoai tây nghiền, các loại súp… nấu kiểu Nga. Tụi nhà trẻ còn thích món bún mắm dưa góp. Trong bữa ăn gia đình tôi, bát mắm pha khéo đôi khi làm thịt cá cũng thành món ế! Đặc biệt nhất là ông xã nhà mình lại y như… người Việt. Không hiểu có phải “nịnh” vợ không mà anh luôn nói rằng: Chỉ thích cơm Việt. Mỗi lần về thăm nhà, nhiều lúc mình cảm thấy anh chẳng khác chàng rể Việt chính cống, chất phác và thật thà. Sáng anh có thể ăn… cơm nguội chan canh, trưa cơm, tối cũng cơm! Anh mê nhất cơm cá kho, rau luộc, nghiền mắm tôm, nước mắm. Thường thì tuần nào mình cũng làm bún, phở, miến hoặc món bò nhúng, kèm theo một rổ to rau cải thảo hoặc cải xanh là hết veo.

Xa quê hương, mình thường cố gắng mua một cành đào nhỏ. Bọn trẻ bận rộn chăm chút cho cành đào, sau đó cả nhà cùng làm món gì do cả nhà tùy chọn, đơn giản nhưng vô cùng ấm áp. Trước Giao thừa, ba bố con thường ra đường bắn pháo rồi về nhà xông nhà. Với chồng mình, bánh chưng rán, xôi đỗ có thật nhiều hành phi là những món khoái khẩu. Mình còn cùng các con làm mứt, nướng bánh. Nhớ vô cùng những ngày áp Tết ở Việt Nam, trong cái rét mướt đầu xuân, chiều 30 Tết đại gia đình tụ họp…

Chị Đặng Tố Nga (giảng viên Trường ĐH Kiến Trúc Hà Nội)

Có lẽ chính vì lý do “gia đình không thuần Việt” mà ngày Tết, tôi luôn cố gắng làm tất cả các món truyền thống để con gái tôi hiểu và “ngấm” văn hóa Việt. Mặc dù chồng và con gái tôi không ăn thịt, nhưng trong mâm cỗ gia đình tôi ngày Tết vẫn có đầy đủ các món ăn truyền thống như các loại giò chả, bánh chưng, hành muối, thịt đông… Cầu kỳ làm mọi món truyền thống, tôi nghĩ đơn giản rằng ngày Tết là dịp tốt nhất để con được sống trọn vẹn trong nền văn hóa của “nhà ngoại”.

Dù anh ấy và tôi xuất thân từ hai nền văn hóa khác biệt, nhưng tôi hoàn toàn không cảm thấy có bất kỳ sự xung đột nào trong văn hóa ẩm thực của gia đình mình. Thậm chí, sự kết hợp của hai nền văn hóa khiến thực đơn của gia đình tôi thêm phong phú, tôi cũng có nhiều cảm hứng sáng tác những món ăn mới. Bữa cơm gia đình tôi thường mang đậm vị Việt vào buổi trưa và hương sắc châu Âu trong buổi tối. Ngày Tết, tuy ưu tiên các món truyền thống, tôi vẫn chuẩn bị thêm các món ăn Âu, thường là các món chay như các loại sốt chay để làm mỳ Ý, các loại salad… Khi chế biến tôi lưu tâm trình bày món ăn thật sinh động, nhiều sắc màu hấp dẫn. Món thịt đông truyền thống đã được tôi “cải biên” đi ít nhiều, đó là dùng gelatin thay cho thành phần bì heo (một cách nấu thịt đông của người Ý). Như thế, món thịt đông của tôi trở nên thanh nhẹ, không béo.

Chị Lê Quỳnh Linh (tốt nghiệp khoa Hóa ĐH Bách khoa HN, huấn luyện viên Trung tâm Elite Fitness, vũ công bellydance, chuẩn bị kết hôn với anh Saschar Becker (36 tuổi), kỹ sư điện lạnh ô tô – quốc tịch Đức)

Chồng sắp cưới cưới của tôi khá “khó tính” trong việc ăn uống, bởi không thể ăn nhiều thịt, hay dị ứng với hải sản, không thích ăn sườn…, nhưng lại rất thích các loại rau xanh, khoai tây, xúc xích (món đặc trưng của người Đức), bánh mỳ và các loại hoa quả. Chính vì vậy, sống với nhau hơn 1 năm trời cũng là thời gian để chúng tôi tìm hiểu, chia sẻ văn hóa thông qua những món ăn hàng ngày.

Nói là khó tính trong ẩm thực, nhưng anh cũng rất thích “lọ mọ” tìm kiếm những điểm đến thú vị của ẩm thực Hà Nội. Không thích ăn phở như nhiều người nước ngoài khác, nhưng có lần anh chủ động dẫn tôi đi ăn “món ngon nhất Hà Nôi”. Đó là một… quán ăn vỉa hè, chuyên bánh cuốn chay với thịt nướng đặc sản Phủ Lý. Từ đó, anh ấy có thể ăn cả tuần mà không chán!

Sau cả ngày bận rộn, chúng tôi cũng rất thích chia sẻ bữa tối ở nhà. Buổi tối, tôi thường chọn phương pháp an toàn “50-50”: Hôm nay nấu món Việt, ngày mai làm món Đức hoặc món ăn Tây. Không như người Việt thích ăn nóng, bữa “Kalten Abendessen” (bữa tối lạnh) của người Đức rất đơn giản, đồ ăn chỉ có bánh mỳ, ham, pho mát, salad… Tôi thường thêm một số các loại rau củ nữa như: Cà rốt, ớt Đà Lạt, cà tím… trộn với dầu olive, dấm rượu vang và một chút xíu đường… Dần dần thành quen, tôi cũng nghiện luôn món này. Còn món Việt, tôi vẫn thổi cơm bình thường như các gia đình khác.

Tết năm nay, tôi dự định về thăm mẹ dài hơn. Để anh ấy khỏi “trốn” về Hà Nội mua ham-cheese, tôi dự trù mang một số đồ Tây về nhà. Anh thích ăn rau, nên mẹ tôi thường trổ tài nấu lẩu đãi rể. Năm ngoái, tôi làm món Bratkartoffeln và Schnitzel rất đơn giản mà lạ miệng nên mẹ rất thích. Tết năm nay, tôi làm thêm một số đồ nướng BBQ và củ quả nướng lò nữa. Chung sống với Saschar, tôi cảm nhận rõ ràng sự khác biệt giữa hai nền văn hóa ẩm thực: Món ăn Việt được nấu rất cầu kỳ, nhưng cách ăn uống lại khá… đơn giản, còn người Đức thì chế biến thực phẩm đơn giản, nhưng dành nhiều thời gian cho việc thưởng thức món ăn. Chính vì vậy, chúng tôi có một thỏa thuận nho nhỏ: tắt điện thoại khi ăn uống, vì đó là thời gian dành cho gia đình.

(Theo Kiều Trinh/ Giáo Dục Thời Đại)