Ngày 20/12, cô giáo Nguyễn Thị Nam Thanh, giáo viên Sinh học của Trường THPT Tân Lạc (Hòa Bình) phải đứng trước một quyết định vô cùng khó khăn: Ghép gan cứu chồng. Giữa sảnh Bệnh viện 108, cô Thanh bật khóc sau rất nhiều ngày kìm ném.
Số tiền để chi trả cho cuộc phẫu thuật nếu tìm được người tình nguyện hiến gan phù hợp lên tới hơn 2 tỷ đồng. Chi phí này còn có thể phát sinh nhiều hơn sau cuộc phẫu thuật. Đây là con số quá khủng khiếp so với đồng lương ít ỏi của cặp vợ chồng vốn là giáo viên – quân nhân.
“Hay em bán tạng để có tiền cứu anh ấy”, cô Thanh vừa khóc, vừa nói với đồng nghiệp qua điện thoại. Có người khuyên cô nên đưa chồng về nhà, người lại âm thầm gom góp, nhưng tổng số tiền kêu gọi được cũng không thấm vào đâu.
Cô Thanh nằm trên giường bệnh sau ca ghép gan cho chồng.
Vài tuần trước đó, chồng của cô Thanh, anh Đổng Tiến Thảo (44 tuổi) thấy mình có biểu hiện vàng mắt, vàng da. Đồng nghiệp khuyên anh nên tới bệnh viện để kiểm tra thật kỹ. Tại đây, anh được bác sĩ yêu cầu phải nhập viện gấp. Sau gần 3 ngày lọc huyết tương, anh rơi vào hôn mê sâu, mất ý thức, tiên lượng rất xấu.
“Bác sĩ nói cần phải phẫu thuật ghép gan gấp, nếu không thời gian sống còn lại của anh Thảo sẽ chỉ được tính bằng tháng”, cô Thanh nói.
Nhưng trong số các anh em, họ hàng, không ai có gan phù hợp. Dù chỉ nặng vỏn vẹn hơn 40kg, lại mắc bệnh đại tràng, nhưng cô Thanh vẫn xin bác sĩ cho được kiểm tra các chỉ số. May mắn, kết quả xét nghiệm cho thấy, gan của cô Thanh tương thích với chồng.
Tình thế cấp bách, nghĩa tình vợ chồng khiến cô không đắn đo, quyết định hy sinh một phần cơ thể của mình để cứu lấy anh.
“Ở thời điểm ấy, thay vì sợ hãi, tôi cảm thấy mừng nhiều hơn vì biết đó là tia hy vọng cuối cùng để duy trì sự sống cho chồng mình. Dù cho chỉ có thể kéo dài thêm vài năm, thậm chí vài tháng, tôi cũng không muốn bỏ cuộc”, cô Thanh nói.
Không lâu sau, ca ghép gan của anh Thảo được thực hiện, kéo dài suốt 8 tiếng đồng hồ. May mắn, mọi chuyện sau đó đều diễn ra suôn sẻ.
Hai vợ chồng gặp nhau sau nhiều ngày nằm trên giường bệnh
Nằm trong phòng hậu phẫu, cô Thanh được người nhà cho gặp chồng mình qua màn hình điện thoại. Dù không nói được với nhau câu nào, nhưng cả hai đều rơi nước mắt.
“Giây phút khó khăn nhất trong cuộc đời, cuối cùng cả hai đều đã có thể vượt qua. Phía trước chắc chắn còn rất nhiều chông gai, nhưng điều may mắn nhất, là gia đình vẫn toàn vẹn mà không phải thiếu đi bất cứ thành viên nào”, cô Thanh nói.
Chứng kiến câu chuyện của đồng nghiệp, cô giáo Nguyễn Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Lạc xúc động xen lẫn sự khâm phục.
“Cô Thanh vốn là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, đã có 19 năm trong nghề và có nhiều lứa học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
Cả hai vợ chồng cô đều sống rất sống tình cảm, hiền lành nên khi nghe hoàn cảnh, đồng nghiệp, học trò ai cũng thấy thương. Không ai bảo ai, mọi người đều góp sức chung tay ủng hộ.
Thậm chí, có những em học trò vùng cao tích góp từ 1.000 – 2.000 đồng để ủng hộ cho cô giáo. Dù vậy, số tiền gom góp được cũng không thấm vào đâu do chi phí phẫu thuật quá cao”.
Cô Thanh vốn là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, đã có 19 năm trong nghề và có nhiều lứa học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
Ngày chồng tỉnh lại sau phẫu thuật, cô Thanh mừng vui, nhưng đêm về lại nằm khóc vì chưa biết sẽ phải xoay sở thế nào để trả hết số tiền còn vay nợ và ân nghĩa của người thân, bạn bè, đồng nghiệp dành cho mình.
“Có lẽ phải hơn 20 năm nữa, hoặc có thể lâu hơn, cả hai vợ chồng mới có thể trả hết số nợ này. Nhưng tôi biết rằng, xung quanh mình còn quá nhiều người yêu thương, quan tâm, nên mình vẫn phải cố gắng nhiều hơn nữa để bước tiếp”, cô Thanh nói.
LTS: Độc giả có thể chia sẻ, hỗ trợ cô giáo Nguyễn Thị Nam Thanh qua địa chỉ: Trường THPT Tân Lạc; Số điện thoại: 0354980170. Số tài khoản: 3007215006631 - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam. |
Thời Vũ
Thầy giáo Toán yêu tha thiết người vợ mù điếc, chăm sóc suốt 15 năm
15 năm qua, chị bị hỏng mắt, hỏng tai nhưng anh vẫn luôn ở bên chăm sóc, yêu thương như ngày chị còn là một cô giáo xinh đẹp, trẻ trung.