- Tự đánh giá mình là người có nhiều cảm xúc và tự nhận điểm yếu của mình là khó kiểm soát cảm xúc của bản thân, trường hợp của cô giáo Nguyễn Thị Hiền Lương (giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Thăng Long, Hà Nội) cũng mang đến nhiều điều đáng suy ngẫm trong tập 6 của chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”.
Cô Hiền Lương sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề giáo. Điều này có ảnh hưởng rất lớn tới sự lựa chọn nghề nghiệp của cô sau này. Khi tham gia chương trình, cô Lương cũng chia sẻ, cô thường lấy mẹ làm một hình tượng để phấn đấu trong nghề.
Quan sát lớp học của cô Lương có thể nhận thấy cô vui tính, tự tin, tỉ mỉ. Cô được học sinh nhận xét là tâm lý và “xì- tin”.
Nhưng bên cạnh những giờ học vui vẻ, lớp học của cô còn có những màn đấu tố những lỗi sai, những lời phê bình, trách mắng. Với một học sinh không mặc áo đồng phục khi xếp hàng dưới sân trường, cô lớn tiếng phê bình em trước cả lớp: “Như thế mới là sành điệu chứ gì”, “Lên lớp mới mặc cho ai nhìn”…
Trong trường hợp này, vô tình cô đã gieo vào đầu các em suy nghĩ đối phó với việc kiểm tra của nhà trường – các chuyên gia phân tích.
Đỉnh điểm, một học sinh đã bật khóc trước lớp khi ấm ức cho rằng bạn mình cũng nói chuyện riêng mà không bị phạt. Tuy nhiên, cô không hề chú ý tới cảm xúc của em học sinh đó.
Đến với chương trình, cô Lương quan niệm rằng, bên cạnh việc khen ngợi, nêu gương những tấm gương tốt thì giáo viên cần phải chỉ ra và phê bình khi các em làm chưa tốt để các con rút kinh nghiệm.
Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia, học sinh cấp 2 là độ tuổi dậy thì, các em có lòng tự trọng rất cao và rất coi trọng hình ảnh bản thân trong mắt các bạn. Việc cô trách mắng to tiếng với các em sẽ khiến các em xấu hổ và khó kiểm soát cảm xúc.
Nhìn lại những thước phim này, cô Lương nhận ra những hình ảnh tiêu cực của bản thân và muốn thay đổi.
Hai nhiệm vụ mà ban cố vấn đặt ra cho cô Lương là cười với các học sinh nhiều hơn và không phê bình các em dưới mọi hình thức. Cô Lương cho rằng, những thay đổi này có lẽ cô phải rèn luyện đến hết sự nghiệp của mình, chứ không phải chỉ trong 1, 2 tiết dạy mà thay đổi được.
Tuy nhiên, những thay đổi của cô đã được học sinh nhìn thấy và hưởng ứng tích cực. Sau khóa tập huấn và thời gian tham gia chương trình, cô Lương chia sẻ, cô đã trưởng thành hơn và nhận ra rằng mình đã bỏ qua quá nhiều giá trị sống mà trước kia cô chưa từng nhận ra.
Cô đứng trước lớp thừa nhận những sai lầm của mình và hứa với các em sẽ ghi nhớ và sửa đổi. Khi mới bước vào chương trình, cô Lương đặt ra mục tiêu trở thành một giáo viên tốt hơn hiện tại, nhưng sau đó cô đã đặt một mục tiêu gần hơn là thấu hiểu, quan tâm đến cảm xúc của học trò nhiều hơn.
“Phần lớn nhờ học trò mà tôi cảm thấy mình phải thay đổi. Học trò là người dạy lại mình. Tôi học được ở các em bài học vô cùng quý giá, đó là lòng bao dung. Mặc dù hôm nay chúng ta có quát mắng chúng, ngày mai cáu giận chúng đi chăng nữa, thì chúng vẫn dành cho mình tình yêu thương. Dù ở hiện tại hay trong tương lai, khi mình tốt với trò, trước sau gì chúng sẽ cảm nhận được tình yêu thương đó” – cô Lương chia sẻ.
Phân tích trường hợp của cô Hiền Lương, giáo sư Pech Cho – chuyên gia tới từ Trường ĐH Nữ Sookmyung, Hàn Quốc – nhận xét, cô Lương là một người có nhiều cảm xúc nhưng đó là điều tốt, bởi vì một người giáo viên cần có nhiều cảm xúc. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, thay vì chịu đựng hay kiểm soát cảm xúc của bản thân, hãy biến đổi nó theo hướng tích cực.
Cô Hiền Lương cho rằng, điều lớn nhất mà cô nhận được sau khi tham gia chương trình là “cuộc sống của tôi nhẹ nhàng hơn. Không khí với học sinh, với đồng nghiệp và các mối quan hệ khác cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều”.
Nguyễn Thảo
Cô giáo làng thay đổi tư duy giáo dục cũ
Ngày nhỏ, cô bị “xơi đòn rất nhiều”. Cô mang cách giáo dục đó áp dụng với học sinh của mình, và vẫn luôn nghĩ đó là hướng đi đúng.
Hành trình thay đổi của "cô giáo lập dị"
Vấn đề của cô giáo Trần Thị Minh Ngọc là mối quan hệ với đồng nghiệp, xuất phát từ cá tính khác biệt của cô.
Thầy giáo dạy Địa lý quên học trò vì 'người thứ 3'
Vấn đề trong lớp học của thầy giáo dạy Địa lý là quá chú ý tới "người thứ 3" mà quên mất học trò của mình.
Hành trình đi tìm ‘lớp học hạnh phúc’ của cô giáo dạy Toán
Tập 2 của "Thầy cô chúng ta đã thay đổi" tìm hiểu lớp học của cô giáo Hà Thu Hiền – một giáo viên dạy Toán ở Hà Nội