- Để truyền cảm hứng cho trẻ mầm non, cô giáo Bùi Thị Thu Thủy (Trường Mầm non Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội) đã nghĩ cách dàn dựng các hoạt cảnh, vở kịch cho trẻ tham gia, thậm chí biến giờ học thành các buổi liveshow ca nhạc hay câu lạc bộ khiêu vũ.
Cô giáo Bùi Thị Thu Thủy (giáo viên Trường Mầm non Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội) là một trong số các giáo viên được nhận giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo". Ảnh: Thanh Hùng. |
Cô cũng tự khám phá các làn điệu nghệ thuật dân gian rồi sáng tác, viết lời mới cho các điệu hò, điệu ví; sáng tác ca kịch phù hợp với hoạt động trên lớp học.
“Với các hoạt động tạo hình, làm quen chữ cái, tôi chọn cách sáng tác những câu chuyện, lời ca, giai điệu âm nhạc của các vùng miền, các nước, hoặc đặt lời mới cho trẻ đố đoán về chữ cái qua các loại hình nghệ thuật dân gian: hát đối, hát quan họ, hát trống quân với các bài đồng dao”, cô Thủy nói.
Để trẻ làm quen với toán, cô giáo tổ chức thành các trò chơi toán qua các điệu nhảy, dân vũ. “Trong quá trình nhảy dân vũ, tôi yêu cầu trẻ dùng các ngón tay, các bộ phận của cơ thể phối hợp đôi, phối hợp nhóm để đếm nhanh, đếm nhẩm ngay số lượng bạn chơi. Việc làm quen với toán thông qua hoạt động đó khiến trẻ rất hứng thú và thực hiện yêu cầu giáo viên một cách tự nhiên”.
Bản thân cô giáo cũng tự học hỏi và có thể sử dụng tới 8 loại nhạc cụ như Organ, piano, đàn T’rưng, đàn đá, trống, đàn tam thập lục,…
“Tùy từng tiết học phù hợp, có thể khi dạy liên quan đến văn hóa vùng miền nào thì tôi cố gắng sử dụng nhạc cụ của vùng miền đó. Có tiết dạy, tôi sử dụng lá để làm kèn rồi thổi ra tiếng kêu để trẻ biết được âm thanh từ lá phát ra như thế nào và thấy được cuộc sống rất đa dạng”, cô kể.
Đặc biệt, để tăng sự hứng thú, cô giáo Thuỷ còn thường xuyên tổ chức các “Liveshow ca nhạc” theo chủ đề và dạy trẻ sử dụng các nhạc cụ dân tộc của các vùng miền dễ kiếm như bộ gõ chén của Huế hay kèn lá của người Mông...
Cô giáo Thuỷ trong một hoạt động trên lớp |
“Trẻ được hóa thân thành các nghệ sĩ đủ vũ công, ca sĩ, MC, nhạc công… Ban nhạc này với đủ những dụng cụ âm nhạc đặc biệt được chế từ lá cây, chén bát, muôi thìa, ống tre nứa, nilon, dây chun, dây cước…”, cô Thủy say sưa.
Ngoài ra, trong các buổi hoạt động chiều, cô đã “biến” lớp học thành câu lạc bộ khiêu vũ khi các học sinh hóa thành những vũ công khoác trên mình những bộ cánh đặc biệt mà cô trò làm từ lá cây, nilon, giấy nghệ thuật.
“Các buổi sinh hoạt lớp không chỉ để nhận xét và nêu gương bé ngoan, mà tôi cho các con tham gia khiêu vũ. Trước khi vào buổi khiêu vũ tôi dạy trẻ biết tự chọn trang phục, tự hóa trang đến chọn bạn nhảy cùng hay chọn vũ điệu. Các em được hóa thân thành các nghệ sĩ, có bạn thích làm vũ công, bạn thích MC, rồi ca sĩ, nhạc công…”.
Bản thân cô luôn chia sẻ, trao đổi với đồng nghiệp trong tổ chuyên môn về những trăn trở, tâm huyết của mình.
Trong năm học vừa qua, cô giáo Thủy đã có nhiều hoạt động được phổ biển trong tổ, lan tỏa tới các đồng nghiệp trong trường. Sự sáng tạo đã mang lại hiệu quả tốt khi các học sinh của trường tự tin, mạnh dạn, hứng thú với các hoạt động hơn.
Cô giáo Thu Thủy nhận bằng khen do lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội trao tặng vì những sáng tạo trong dạy học. Ảnh: Thanh Hùng. |
Cô Thủy cho rằng để phấn đấu hết mình với nghề nghiệp, hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo, không chỉ nhờ được sự động viên, hỗ trợ rất lớn từ các đồng nghiệp, sự tin tưởng ủng hộ của các bậc phụ huynh, mà còn cả sự cảm thông, chia sẻ của người chồng hiện trong quân ngũ. Bởi giáo viên mầm non là công việc vất vả và nhiều sức ép.
Những nỗ lực của cô cũng được đền đáp bằng nhiều thành tích đáng khích lệ như: giải Nhất Giáo viên giỏi cấp thành phố; giải Ba “Cô giáo tài năng duyên dáng” TP Hà Nội; sáng kiến kinh nghiệm loại B cấp ngành và trong 5 năm học gần đây cô luôn đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”.
Năm học 2016 - 2017, cô Thuỷ được giấy khen thành tích xuất sắc công tác khuyến học của UBND quận Tây Hồ; có sáng kiến kinh nghiệm đạt Giải A cấp quận.
Thanh Hùng
Cô giáo mầm non không ngại trực điện thoại phụ huynh dù tối muộn
Xác định theo đuổi sư phạm mầm non, cô giáo Hiền cho rằng giáo viên phải tập làm quen với việc tiếp nhận những cuộc gọi từ phía các phụ huynh về con trẻ kể cả khi tối muộn.
Cô giáo Hải Dương sáng tạo dạy Địa lý bằng tiếng Anh
Nhận thấy có những mối liên hệ nhất định giữa các môn học với nhau, cô Nguyễn Thị Thúy Nga (Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi, tỉnh Hải Dương) mạnh dạn chọn lọc và soạn giảng một số chủ đề Địa lý và bằng tiếng Anh cho học sinh.
Về nơi cô giáo vừa dạy vừa quạt tay cho trẻ
Kể lại sự tàn phá của cơn bão số 10 khi mà năm học mới vừa bắt đầu chưa được bao lâu khiến nhà cửa và nhiều vật dụng dạy học bị hư hại, các cô giáo mắt đỏ hoe, không cầm được những giọt nước mắt.
Cô giáo leo mái, lợp ngói trường học sau bão
Dù gia đình cũng chịu thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 10 song các cô giáo Trường Tiểu học số 1 Quảng Phú (tỉnh Quảng Bình) vẫn gác lại việc nhà để cùng nhau sửa chữa trường lớp đón các em học sinh trở lại lớp học.
Gặp cô giáo Mù Cang Chải nhận quà của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong ngày khai giảng
Không còn lại tài sản gì sau trận lũ quét, cô giáo Nguyễn Thị Loan (Trường Tiểu học và THCS thị trấn Mù Cang Chải) bước vào một năm học mới thiếu thốn nhất từ trước đến nay.
Cô giáo Dân với phương pháp sư phạm từ hơn 50 năm trước
Cô là giáo viên chuyên dạy lớp một ở Trường Tiểu học An Tịch, thuộc Sa Đéc (nay là An Hiệp) tại ngôi làng quê nho nhỏ dọc theo dòng sông Sa.