Khi màn đêm chìm xuống, tất cả đã trở về sum họp bên gia đình, chợ Daliushu mới rục rịch mở cửa. Do giờ giấc mở cửa khác biệt, chỉ họp chợ về đêm và đóng cửa trước bình minh nên người ta vẫn gọi Daliushu là “chợ ma”.
Đây là khu 'chợ ma' cuối cùng còn sót lại, nằm giữa lòng thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, dù thói quen mua sắm của người dân đã thay đổi. Chợ chỉ mở cửa vào tối thứ 3 hàng tuần.
"Chợ ma" duy nhất còn sót lại ở Bắc Kinh. |
Loại hình chợ kiểu này vốn rất phổ biến ở Bắc Kinh kể từ cuối triều đại nhà Thanh khi thời thế thay đổi, nhiều người từng phục vụ trong triều đình mất đi vị thế của mình. Những ai may mắn còn giữ được các món vật báu, phải mang ra chợ để bán đi lấy tiền.
Nhằm tránh sự dòm ngó của nhiều người, việc bán vật báu chỉ có thể diễn ra trong đêm tối, còn người mua được yêu cầu mang theo đèn soi. "Chợ ma" Daliushu nhanh chóng được người Bắc Kinh chấp nhận, với hi vọng sẽ mua được món đồ tốt mà giá hời.
Anh Vương, một trong những người bán hàng, đã gắn bó với chợ từ lâu, cho biết: “Người mua chỉ được xem hàng hóa, không nhìn vào người bán cũng như không chiếu đèn về phía họ. Khi ưng ý món đồ nào, nhớ phải trả giá”.
Các gian hàng trong "chợ ma" |
Từ 9 giờ tối cho tới bình minh, đám đông tụ tập ở Daliushu, người vali lớn nhỏ, người mang theo túi đủ loại và không thể thiếu chiếc đèn pin trong tay. Khi thấy món đồ nào vừa mắt, người mua sẽ soi đèn để kiểm tra cẩn thận.
“Giá thế nào, bao nhiêu?” Khách hỏi liên tục, còn chủ cửa hàng giơ ngón tay ra ký hiệu. Những cuộc đàm phán mặc cả bắt đầu.
Các gian hàng trong “chợ ma” đa phần bày bán đồ cổ, ngọc thạch và đồ gia dụng. Anh Vương buôn bán suốt 20 năm nay, thì 10 năm bán ngọc thạch ở “chợ ma”. Nhặt một mảnh ngọc từ quầy hàng của mình, Vương vuốt lên món vật rất nâng niu. “Tôi mê ngọc. Đôi khi tôi bị ám ảnh tới mức còn ngủ với chúng. Theo kinh nghiệm, tôi sẽ đánh giá chúng dựa vào cấu trúc, độ trong, màu sắc, xuất xứ và sự tinh xảo”, Vương nói.
Gần như đều đặn hàng tháng, Vương đến Vân Nam để mua ngọc thạch. Chủ yếu là đá thô chứa ngọc bên trong. Nếu may mắn, những phiến đá thô sau khi cắt sẽ chứa ngọc bên trong. Khách đến Daliushu mua ngọc, nếu là người chuyên nghiệp, họ sẽ biết nhiều mẹo để soi. Trong khi đó, các chuyên gia thường sử dụng ánh sáng trắng kiểm tra đá thô vì chúng xuyên qua bề mặt đá tốt hơn.
Vương cho rằng, ngọc là một trong những đại diện có tầm ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc. Bởi vậy, việc kinh doanh ngọc nên được phát triển ở những nơi như Bắc Kinh – nơi món đá quý này có bề dày lịch sử.
Thời gian thay đổi đã mang tới cho “chợ ma” những luồng gió mới. Bên cạnh những quầy bán ngọc thạch còn là vô số cửa hàng đồ trang sức, tranh vẽ, đồ nội thất, đồ cổ, hay cả những băng đĩa bài hát kinh điển từ những năm 1970.
Nhà của Yang Jun ngay cạnh chợ, nên anh thường đi bất cứ lúc nào có thời gian, để kiếm tìm vài món đồ ưng mắt. Nhưng Yang thấy không khí ở chợ không còn náo nhiệt như trước kia, cũng ít những mặt hàng có giá trị hơn. Nhiều người bán không còn đến Daliushu. Họ chuyển sang buôn bán trực tuyến. Trước kia, nhiều nhà sưu tập đồ cổ đến buôn bán, nhưng giờ “chợ ma” như khu chợ trời, nơi người ta bán cả hàng hóa sản xuất hàng loạt.
“Người dân hay du khách tới đây khá đông vào mùa hè. Bạn sẽ thấy nhiều món hàng tương tự trong trung tâm thương mại”, Yang nói.
Vào những năm 2007 – 2008 thời kỳ cực thịnh, Vương cho biết mỗi ngày có thể kiếm hơn 7000 USD nhờ bán ngọc, còn bây giờ phải chờ may mắn. Đêm nay, Vương như “trúng số” khi bán thành công viên ngọc hơn 200.000 tệ (hơn 650 triệu đồng), nhưng hầu hết anh ngồi ở quầy hàng cả đêm mà không có gì.
Bất chấp những suy giảm nghiêm trọng trong nhiều năm gần đây, Vương vẫn muốn bám trụ ở Daliushu và hi vọng chính phủ Trung Quốc sẽ bảo tồn khu “chợ ma” cuối cùng ở Bắc Kinh này.
Cuộc sống trong thời tiết âm 46 độ C, lạnh đến khó thở ở Nga
Hầu hết người dân bản địa ở dọc bờ sông Lena (Nga) sinh sống trong điều kiện thời tiết có khí hậu cực đoan bậc nhất hành tinh, với nhiệt độ vào mùa đông là âm 46 độ C.
Theo Dân Trí - nguồn: SCMP/ News