Bảo kiếm An Dân hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Bảo kiếm này do vua Khải Định cho chế tác với tên gọi An Dân bảo kiếm. 

Theo hình ảnh tư liệu của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo kiếm An Dân luôn được vua Khải Định đeo bên mình trong những dịp tuần du ở các địa phương và công du nước ngoài, cũng như tham gia các sự kiện chính trị quan trọng suốt quá trình trị vì từ năm 1916-1925.

Ảnh chụp Màn hình 2024 05 18 lúc 16.04.56.png
Bảo kiếm An Dân hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Bảo kiếm đã xuất hiện cùng với vua Khải Định trong bức ảnh chụp chân dung năm 1916; các ảnh tư liệu về chuyến kinh lý của nhà vua ra miền Bắc tháng 4/1918; trong các hình ảnh chụp chân dung vua Khải Định đứng trước Điện Cần Chánh (Tử Cấm Thành, Huế) vào các năm 1919, 1920; trong buổi lễ kỷ niệm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ nhất (1914-1918) tổ chức tại Huế năm 1919...

Vì thế, Bảo kiếm An Dân không chỉ là vũ khí sắc bén, được làm bằng những chất liệu có giá trị quý hiếm mà còn là biểu tượng của triều đình nhà Nguyễn, quyền uy của nhà vua, là chứng tích lịch sử gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của vị vua thứ 12 trong lịch sử vương triều nhà Nguyễn từ năm 1916-1925. 

Bảo kiếm An Dân còn là một trong số những bảo vật được triều đình nhà Nguyễn chuyển giao cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào tháng 8/1945, hiện được lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

baokiem8.jpg
Bảo kiếm An Dân là loại vũ khí sắc bén.

Bảo kiếm An Dân với hình dáng, cấu trúc, hoa văn trang trí do vua Khải Định yêu cầu thiết kế mang nét đặc trưng riêng, đã cung cấp những tư liệu chân thực về loại hình bảo kiếm triều Nguyễn; về các đề tài trang trí rồng, mặt trời, tản vân, hoa lá... của mỹ thuật cung đình triều Nguyễn trong giai đoạn đầu thế kỷ XX.

Thông qua đó, phần nào chúng ta có cái nhìn sinh động hơn về tính cách và cuộc đời của vua Khải Định - nhân vật lịch sử còn nhiều vấn đề cần được nghiên cứu và đánh giá một cách khách quan hơn.

Bảo kiếm An Dân được chế tác bằng các chất liệu quý hiếm như vàng, đồi mồi và các viên đá quý. Bảo kiếm được các nghệ nhân cung đình triều Nguyễn chế tác công phu, tỉ mỉ, kết hợp nhiều kỹ thuật như rèn, đúc, chạm, cẩn, tạo nên một sản phẩm vô cùng tinh xảo. Các đường nét hoa văn và chữ Hán theo lối Khải thư được bố cục tinh tế, gọn gàng, đường nét sắc sảo, đạt đến trình độ điêu luyện về kỹ thuật và chắc chắn phải được thực hiện bởi những nghệ nhân tài hoa, danh tiếng đương thời.

Bảo kiếm An Dân là di sản quý giá, phản ánh nghệ thuật thủ công truyền thống mang phong cách cung đình của triều Nguyễn. Đồng thời là biểu tượng quyền lực, quyền uy của vua Khải Định, có hình thức, kiểu dáng giống với các thanh kiếm của Pháp và phương Tây trong giai đoạn thế kỷ XVIII - XIX nhưng đã được cách tân và trang trí theo phong cách mỹ thuật cung đình triều Nguyễn.

Các đề tài trang trí trên bảo kiếm đều rất truyền thống, gắn liền với địa vị, thân thế của vua triều Nguyễn như hình rồng 5 móng, hoa cúc dây, hình tượng mặt trời, tản vân hay hồi văn chữ S đầu vuông gấp khúc... Hiện nay, chúng ta dễ dàng nhận thấy những biểu tượng này trên các bảo vật hoàng cung triều Nguyễn được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hay Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Các đề tài trang trí đó cũng phổ biến trên các công trình kiến trúc cung điện đang được bảo tồn ở Đại Nội Huế hoặc lăng tẩm của các vua triều Nguyễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bảo kiếm An Dân là bảo vật quý hiếm trong sưu tập Bảo vật Hoàng cung triều Nguyễn, luôn song hành cùng với vua Khải Định. Do vậy, bảo kiếm cũng chính là vật chứng tham gia vào mọi hoạt động chính trị quan trọng của vua quan triều Nguyễn trong giai đoạn từ 1916-1925. Hình thức và đề tài trang trí trên bảo kiếm phản ánh sinh động lịch sử, đời sống văn hóa, nghệ thuật dưới thời Khải Định nói riêng, triều đình nhà Nguyễn và đất nước Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX nói chung. 

Nghiên cứu sâu hơn, chúng ta có thể thấy, mặc dù chịu ảnh hưởng nhiều về lối sống, phong cách thời trang, kiến trúc, mỹ thuật của Pháp và phương Tây nhưng vua Khải Định rất am tường lễ nghi truyền thống cung đình Nguyễn và dân tộc Việt, có tư tưởng văn hóa thấm nhuần triết lý của Á Đông. Khi đặt tên cho niên hiệu, cung điện hay tên của bảo kiếm mang bên mình, ông đều gửi gắm những triết lý và hoài bão sâu sắc.

Về tên niên hiệu, ngay trước thời điểm đăng quang lên ngôi hoàng đế, ngày 16/5/1916, Nội Các báo cho Hội đồng Thượng thư biết rằng trong danh sách dâng lên, hai chữ Khải Trung đã được chọn, nhưng tân quân - tức vua Khải Định, đã dùng bút son khoanh tròn chữ Khải, gạch bỏ chữ Trung, và thay vào đó bằng chữ Định. Như vậy, ý của tân quân là muốn chọn hai chữ "Khải Định" - nghĩa là khởi đầu một thời thanh bình và ổn định - để làm niên hiệu. Đây chính là mong ước của nhà vua về một đất nước An Nam hòa bình, ổn định. 

Tương tư như vậy, nơi tiềm để (nơi ở của vua trước khi lên ngôi) của nhà vua cũng đã được cải tạo và đổi tên từ phủ Phụng Hóa Công thành cung An Định. Hai chữ An Định cũng là mong muốn về một nơi ở được bình an, ổn định. Và tên gọi của thanh bảo kiếm quý giá, là biểu tượng quyền uy của vua và triều đình luôn theo sát ông được đặt là An Dân - tức an định đời sống nhân dân, vỗ về nhân dân. 

Bảo kiếm An Dân là một tư liệu quý, là đại diện tiêu biểu, minh chứng cho những giá trị văn hóa trong giai đoạn “gạch nối” của lịch sử dân tộc Việt Nam. Vì thế, Bảo kiếm An Dân được Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia đợt 12 năm 2024.