Bắt đầu sưu tập tranh từ năm 1988, đến nay, nhà sưu tập Nguyễn Minh đã có hơn 200 bức. Trong đó, có nhiều bức của các danh họa Việt Nam như Lê Phổ, Vũ Cao Đàm… đã trải qua một thời gian dài ở nước ngoài trước khi được anh Nguyễn Minh đưa trở về quê hương.
Nhà sưu tập Nguyễn Minh (giữa) là người đem nhiều tranh quý từ nước ngoài về Việt Nam. |
Những bức tranh phiêu bạt ở nước ngoài
Sau nhiều năm lăn lộn ở các phiên đấu giá nước ngoài, Nguyễn Minh đã ra mắt triển lãm “Hội họa Việt Nam - Một diện mạo khác” tại Bảo tàng Mỹ thuật gồm 63 bức tranh có thể nói là “quý hơn vàng” của các danh họa Việt Nam. Trong thế kỷ 20, nhiều đình chùa bị phá hủy, cổ vật bị tiêu tan, buôn bán và phiêu bạt ra nước ngoài. Nhiều văn nghệ sỹ cũng rơi vào cảnh thất cơ lỡ vận, những tác phẩm của họ không được thừa nhận, chịu cảnh phiêu bạt nơi đất khách. Những họa sỹ ấy phải kể đến Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu… những tên tuổi hình thành nhóm họa sỹ Đông Dương tại Pháp.
Anh Nguyễn Minh cho biết, tuy sống xa Tổ quốc nhưng những tác giả này đều hướng về đất nước, tranh của họ bức nào cũng lấy đề tài Việt, con người Việt. Nhưng vì đặt dưới chế độ phong kiến, thời bao cấp nên cái nhìn của họ trong tranh đều bị áp đặt tính tiểu tư sản, nên rất khó có thể trưng bày.
Có thể kể đến bức “Những nhạc công” của họa sỹ Vũ Cao Đàm thể hiện mơ ước của biết bao nhiêu người được sống trong cảnh yên bình, cao sang, hay những bức tranh của họa sỹ Lê Phổ luôn có bóng dáng của thiếu nữ khi thì mơ màng bên những sắc hoa hay thong thả bên trang sách… Những tác phẩm này được rất nhiều khách phương Tây yêu thích. Và đây là lần hiếm hoi, người yêu nghệ thuật Việt Nam có dịp chiêm ngưỡng những bức tranh giá trị từ nước ngoài, sau khi chúng ta đã có cái nhìn cởi mở hơn với những thành tựu mỹ thuật trong quá khứ.
Tác phẩm “Những nhạc công” của họa sỹ Vũ Cao Đàm |
Đưa tác phẩm gần với công chúng
63 bức tranh lần này là một phần trong bộ sưu tập hơn 200 tác phẩm mà Nguyễn Minh sưu tập từ năm 1988. Xuất phát từ truyền thống trong gia đình vốn đam mê sưu tập đồ cổ, Nguyễn Minh trở thành người đầu tiên mua được những tác phẩm có giá trị từ nhà sưu tập Đức Minh (Bùi Đình Thản) sau khi bộ sưu tập này tan vỡ. Từ đó, anh tìm đến các phiên đấu giá nước ngoài để mang về Việt Nam những tác phẩm nghệ thuật quý giá. Nếu hỏi Nguyễn Minh từng góp mặt trong bao nhiêu phiên đấu giá có lẽ anh không nhớ hết.
Anh cho biết, có những lần vô tình nhìn thấy những bức tranh của Việt Nam nên quyết tâm phải mang về. Trong số đó có những tác phẩm anh rất quý như “Chợ hoa” của họa sỹ Lê Phổ được vẽ vào những năm 1950, 1960 được anh đưa về từ phiên đấu giá tại Mỹ năm 2011. Bức tranh này có giá lên tới 68.000 USD. Nhưng cũng có lần Nguyễn Minh đành lòng nhìn những bức tranh giá trị rơi vào tay nhà tài phiệt nước ngoài.
Cùng thời điểm anh mua thành công 2 bức tranh của họa sỹ Vũ Cao Đàm tại phiên Christie’s của Mỹ, anh đã vuột bức tranh “Người bán gạo” của danh họa Nguyễn Phan Chánh khi tác phẩm này vượt mức giá 60.000 USD. “Trong mỗi cuộc đấu giá có 10 bức, nhưng sức mình chỉ đưa được 1, 2 bức về thôi. Tôi không phải đại gia, tài chính không dư dả. Tôi đã cố gắng hết khả năng để đưa những tác phẩm có giá trị về Việt Nam” - nhà sưu tập Nguyễn Minh kể.
Họa sỹ Thành Chương cho hay, vượt ra khỏi khuôn khổ của triển lãm, sự kiện này buộc những người yêu nghệ thuật không chỉ có cái nhìn đúng đắn, thực chất hơn về những thành tựu của mỹ thuật Việt Nam, mà còn ghi nhận sự đóng góp, tình yêu lớn lao của những người có tâm huyết, có trình độ như Nguyễn Minh trong việc đưa những tác phẩm hội họa có giá trị tiếp cận với công chúng.
Theo ANTĐ