Cô gái 28 tuổi Nguyễn Thị Kim Ngân đến từ Gia Lai chia sẻ kỷ niệm về chuyến đi đầu tiên trong đời trên quãng đường dài 16.000 km qua 11 quốc gia từ Việt Nam đến Paris (Pháp) bằng xe đạp.

Cơ duyên trời định

Xuất thân từ một gia đình làm nông ở vùng quê nghèo Gia Lai, từ lâu Ngân đã ôm ấp giấc mơ được đi du lịch vòng quanh thế giới. Sau khi tốt nghiệp hai trường đại học ở TPHCM, Ngân bắt đầu sự nghiệp viết lách với những câu chuyện thực tế từ những chuyến đi; những trải nghiệm của bản thân. Càng đi, càng viết Ngân lại càng khao khát có một chuyến đi vòng quanh thế giới để tìm những câu chuyện mà mình còn mơ ước.

{keywords}

Kim Ngân và Simon cùng nhau đạp xe 16.000km từ Việt Nam đến Paris. Ảnh: Ảnh NVCC

“Khi nhìn tháp Eiffel, nhìn sông Seine, tôi không dám tin mình đã có thể vượt qua quãng đường 16.000 km bằng xe đạp để đặt chân tới đây. Hòa cùng với những người dân quan tâm tới vấn đề chống biến đổi khí hậu, lại là người Việt Nam tôi cảm thấy tự hào hơn bao giờ hết, lúc đó tôi quá xúc động”, Ngân chia sẻ.

Thế rồi, vô tình Ngân gặp Simon Nelson (người Scotland) khi tìm kiếm người giao tiếp tiếng Anh trên một trang mạng trao đổi kinh nghiệm về du lịch. Simon từng đi qua 47 quốc gia và là thành viên tích cực của 350.org, một phong trào chống biến đổi khí hậu. Khoảng tháng 1/2015, Simon có ý tưởng đạp xe đến Paris và khi anh nói ra, Ngân gật đầu cái rụp, bởi cơ hội của cô đã đến. “Khi Simon đề nghị đạp xe đến Paris, tôi cứ nghĩ anh chỉ nói đùa. Nhưng anh thực sự nghiêm túc, vấn đề môi trường đang khá nóng và ngày 25/11/2015 sẽ có Hội nghị chống biến đổi khí hậu (COP21) do Liên hợp quốc tổ chức tại Paris. Anh nói chúng tôi cần khởi hành ngay”, Ngân nhớ lại.

Nói là làm. Ngân và Simon bắt đầu lên kế hoạch về đường đi cũng như chuẩn bị các vật dụng thiết yếu cho chuyến hành trình. Ngày 9/2/2015, cả hai bắt đầu đạp xe từ An Giang ra Hà Nội rồi sang Trung Quốc. Mới qua nước đầu tiên nhưng Ngân và Simon gặp không ít khó khăn.

“Việc xin visa vào Trung Quốc đã khó khăn do họ vặn hỏi rất kỹ. Đặc biệt là vì thời gian này phụ nữ Việt bị bán qua đây khá nhiều”, Ngân kể và cho biết thêm: “Những ngày đầu, tôi gần như kiệt sức vì đạp xe liên tục tới 8 tiếng, cơ bắp rã rời. May có Simon ở bên động viên mỗi khi tôi nản chí. Ngày này qua ngày khác, cơ thể cũng dần quen với việc đạp xe và ngủ bụi”, Ngân nói.

Trên đường rời Trung Quốc, Ngân đến vùng đất Tân Cương, vùng sa mạc hoang vu với cái nóng lên đến 45 độ C. Cả hai phải đạp xe dưới trời nắng ấy. Nguồn kinh phí vỏn vẹn 10.000 USD dành dụm được cho cả chuyến hành trình nên việc vào nhà nghỉ hay khách sạn sang trọng, ăn những món ngon là điều quá xa xỉ.

Ngân phải căng lều nghỉ dưới cái nóng đổ lửa. “Lúc đó tôi phải mặc rất nhiều lớp áo, sử dụng khăn chống nóng chuyên dụng quấn khắp người. Dù đã uống nhiều nước và tìm chỗ trú dưới những tảng đá lớn khi thời tiết quá gay gắt, cái nóng đó thật đáng sợ”, Ngân nhớ lại.

Khi qua các quốc gia theo đạo Hồi, với Ngân, hết sức thú vị. Ở đây người ta chủ yếu ăn thịt cừu, bánh mì, không có rau xanh nên Ngân gần như không thể…thích ứng. Ngân cho biết: “Tôi bị đau dạ dày suốt 5 tháng trời và khi dừng chân ở Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải nhập viện để điều trị”.

Những ký ức khó quên

{keywords}

Dựng lều ngủ ở bên hồ ở Toktogul Kyrgyzstan.

Đạp xe đường dài không phải là chuyện dễ, đặc biệt khi gặp những đoàn xe lớn chạy với tốc độ cao. Vì thế, để thuận tiện di chuyển và an toàn cho hành trình, Ngân và Simon chọn các tuyến đường nhỏ hẹp, đường đồi núi.

Tuy nhiên, tránh được xe lớn thì cả hai không lường được sự cố (khi đổ dốc sườn núi: “Trước khi đổ dốc chúng tôi đã kiểm tra xe kỹ lưỡng nhưng không ngờ khi đi được một đoạn, xe đứt phanh. Chiếc xe cứ thế lao rầm rầm về phía trước, tôi cố gắng gồng mình giữ tay lái. Lúc đó tôi hoảng loạn, trong đầu cứ nghĩ sẽ chẳng trở về Việt Nam được nữa.

May mắn đến đoạn địa hình gồ ghề, tôi dùng chân chà xuống đường, xe mới dừng lại được. Đó có thể nói là ký ức kinh hoàng nhất của tôi trong hành trình, Ngân nhớ lại việc đi xe tại một sườn dốc ở Kyrgyzstan”.

Ngân kể, ngày 20/10/2015, cả hai đến Ý và lúc này toàn bộ khu vực miền Nam của Ý chìm trong lũ lụt. Tất cả sông suối ao hồ đều ngập nước. Tuy đường phố không bị ảnh hưởng nhiều nhưng những cơn mưa lại kéo dài liên tục, dai dẳng.

Hành trình đầy gian khổ khiến cô muốn từ bỏ nhưng khi nghĩ tới mục tiêu cần hoàn thành Ngân cùng bạn đồng hành lại tiếp tục tiến về phía trước. Dù trên đường gặp biết bao khó khăn, nguy hiểm nhưng Ngân vẫn cảm nhận được sự giúp đỡ từ mọi người.

Kết thúc chuyến hành trình dài gần 300 ngày, ngày 26/11/2015, tại Paris - nơi diễn ra Hội nghị COP21, Ngân đứng giữa đám đông và cảm nhận sự sung sướng lẫn tự hào. Sau khi tham gia hội nghị chống biến đổi khí hậu, Ngân lại nung nấu ý tưởng đạp xe quanh Đông Nam Á để tuyên truyền và cổ vũ cho bình đẳng giới thông qua hoạt động chụp ảnh những người phụ nữ Ngân gặp trên đường.

(Theo Emdep)