Không ít cặp đôi yêu nhau nhưng gặp phải sự ngăn cấm của gia đình, chị Nguyễn Thị Quỳnh (sinh năm 1990, quê Hải Dương) và anh Nguyễn Xuân Quyết (sinh năm 1990, quê Thanh Hóa) cũng là một trong số đó. Nhưng giờ đây, họ đã được gia đình chấp thuận và có với nhau một cô con gái nhỏ 3 tuổi.

Tình yêu bị ngăn cấm và “trái ngọt” khi qua Angola

Cả hai quen nhau khi đang học Đại học Y dược Hải Phòng, anh Quyết tốt nghiệp khoa Chẩn đoán hình ảnh còn chị Quỳnh tốt nghiệp khoa Mắt. Tuy nhiên, mối tình của hai người lại không được gia đình chị Quỳnh chấp nhận.

Để con gái cắt đứt tình cảm với bạn trai, ngay sau khi chị tốt nghiệp đại học, gia đình còn thúc giục chị sang Angola làm việc vài năm. Nhưng không ngờ rằng, chị Quỳnh chưa kịp đi thì anh Quyết đã sang đó từ trước rồi.

Vo chong bac si Viet o Angola anh 1

Anh Quyết và chị Quỳnh hiện làm bác sĩ tại bệnh viện tỉnh Cuanza Norte, Angola.

“Khi hai vợ chồng mới ra trường, gia đình nhà vợ cấm không cho chúng em yêu nhau. Nhân tiện có người quen bên này (tức Angola) nên gia đình nhà vợ muốn vợ em qua đây để tách hai đứa ra. Nhưng không ngờ em đã ‘đi ngầm’ từ trước đó một năm rồi. Sau khi Quỳnh sang đây, cả hai gia đình mới phát hiện ra việc này”, anh Quyết chia sẻ.

Khi hết 3 năm công tác, hai vợ chồng về quê nhà xin phép gia đình hai bên tiến tới hôn nhân. Sau khi lấy nhau xong được một năm thì cả hai chào đón con gái đầu lòng. Khi con được 10 tháng tuổi, Quyết và Quỳnh lại gửi con cho ông bà ngoại chăm sóc, lên đường sang Nam Phi làm việc.

Ông bố trẻ chia sẻ: “Lúc đó con còn nhỏ quá. Hơn nữa, khi sang lại đây thì chúng em về một tỉnh mới, hai vợ chồng chưa biết ổn định chỗ ở thế nào nên để con ở nhà nhờ ông bà ngoại chăm. Từ khi đấy đến bây giờ hai vợ chồng cũng chưa về Việt Nam lần nào do vướng dịch Covid-19”.

Trải lòng về công việc của bác sĩ trẻ

Anh Quyết và chị Quỳnh viết đơn tự nguyện sang Angola làm việc theo chương trình hợp tác của Bộ Y tế. Trước khi đi, cả hai mất một năm để chuẩn bị mọi việc, từ học tiếng Bồ Đào Nha, tìm hiểu kỹ về văn hóa, thời tiết ở nơi đây,…

Hiện hai vợ chồng đang làm chuyên gia y tế tại bệnh viện tỉnh Cuanza Norte, Angola và sống trong căn nhà do bệnh viện cấp.

Mặc dù là bác sĩ nhưng hai vợ chồng chia sẻ rằng họ “sợ ốm” hơn là sợ thiếu thốn vật chất. Bởi lẽ, ở đây rất nhiều bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh sốt rét và dù phòng tránh thế nào đi chăng nữa vẫn khó tránh khỏi việc mắc bệnh.

Vo chong bac si Viet o Angola anh 2

Anh Quyết và chị Quỳnh viết đơn tự nguyện sang Angola làm việc theo chương trình hợp tác của Bộ Y tế.

Ngay bản thân chị Quỳnh cũng từng mắc phải căn bệnh nguy hiểm đó 2 lần rồi.

“Đa phần ai đi qua đây cũng bị sốt rét ít nhất một lần. Nếu ai sức đề kháng kém sẽ bị sốt rét ‘vật’ cho rất mệt”, anh Quyết cho hay.

Về công việc, vị bác sĩ 32 tuổi cho biết, tất cả các ngày trong tuần vợ chồng anh đều làm việc theo giờ hành chính từ 8h sáng đến 15h chiều, ngoài ra có đăng ký xen kẽ thêm ca trực. Mức lương cho nhân viên y tế bên Angola cao hơn các ngành nghề khác, nhưng công việc khá áp lực do thiếu thốn cả về cơ sở vật chất lẫn nhân sự.

“Ở bên này cơ sở vật chất chủ yếu là chụp X-quang và siêu âm thôi. Tất cả những công việc về chụp X-quang và siêu âm ở đây gần như em bao trọn. Còn Quỳnh là bác sĩ mắt, ở đây cô ấy cũng là bác sĩ chuyên khoa duy nhất của tỉnh này. Đây cũng là bệnh viện duy nhất của tỉnh nên có nhiều ca cấp cứu ngoài giờ làm nên vợ chồng em luôn phải trong tư thế sẵn sàng, để phòng cấp cứu gọi là mình xuống được ngay để hỗ trợ”, anh Quyết kể.

Ngày làm việc tại bệnh viện, chiều về hai vợ chồng anh Quyết lại xắn quần xắn áo ra cuốc đất trồng rau. Không chỉ trồng đủ loại cây trái Việt Nam như ngô, lạc, mướp đắng, rau muống,… hai vợ chồng anh còn nuôi thêm một đàn gà nhỏ.

Thi thoảng, hai vợ chồng làm đồ ăn Việt Nam như nem rán, đồ chiên rán, các loại nộm,…mời người dân ở đây thưởng thức. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, anh Quyết còn quay video về cuộc sống của người dân Angola để mọi người hiểu thêm về con người, văn hóa và cuộc sống nơi đây.

Hiện tại, chi Quỳnh và anh Quyết vẫn chưa có dự định gì trong tương lai, vẫn muốn ở đây thêm một thời gian nữa để giúp đỡ cho y tế Angola.

“Để lại con cho ông bà vợ chồng em cũng rất áy náy, nhưng đành chấp nhận vậy. Y tế bên này đang rất cần nhân lực và nhiều bệnh chưa giải quyết được, nên vợ chồng em mong góp chút công sức bé nhỏ vào đấy. Đợi con lớn hơn một chút thì hai vợ chồng về Việt Nam sau”, anh Quyết cho hay.

Theo Phụ nữ Việt Nam