“Hoạt động ngoại khóa cực kỳ nhiều”
Hoàn thành xong chương trình lớp 9 tại Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), Lương Nguyệt Hà quyết định lên đường du học Mỹ. Tuy nhiên, ngôi trường Nguyệt Hà theo học có phần đặc biệt hơn, bởi đó là một trường công giáo có tên Wisconsin Lutheran High School. Tại đây, khoảng 10% là học sinh quốc tế, đến từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Thái Lan, Malta, Nigeria, Ecuador và Albania.
Nguyệt Hà cho biết, mặc dù là trường công giáo với phần đông học sinh đều theo đạo Thiên chúa, nhưng trường vẫn luôn chào đón những học sinh thuộc các tôn giáo khác nhau hoặc phi tôn giáo, từ đó tạo nên một cộng đồng đặc biệt tôn trọng lẫn nhau.
“Em được định hướng đạo đức để trở thành một con người tốt hơn, được cung cấp sự tự do khám phá các khía cạnh xã hội, được dạy về các khái niệm lòng tốt, sự tha thứ vốn có trong nền giáo dục tín ngưỡng”.
Nguyệt Hà từng học cấp 2 tại Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM). Ảnh: NVCC
Cô gái sinh năm 2003 chia sẻ đã có những trải nghiệm rất tuyệt vời sau 3 năm tại đây.
Trường có hơn 45 câu lạc bộ khác nhau, từ bóng rổ, bóng chuyền, golf, bóng đá, nhảy, hợp xướng cho đến dàn nhạc, kịch hay sân khấu để học sinh có thể lựa chọn. Ngoài ra, các tổ chức tình nguyện, các đội toán học, đội cờ vua, robot khá phong phú với mục đích giúp học sinh có cơ hội phát triển toàn diện, không chỉ học trên sách vở mà còn học từ bạn bè, từ cộng đồng mà mình đang sinh sống.
Trong các hoạt động ngoại khóa, học sinh luôn là những người làm chính. Kể cả trong việc tổ chức sự kiện cấp độ trường, điều này cũng không thể “làm khó” học sinh do trường thường xuyên tổ chức các hoạt động lớn nhỏ, hoàn toàn do học sinh tổ chức từ A đến Z.
“Tất nhiên, học sinh vẫn có thể nhờ tới sự hỗ trợ của thầy cô. Bất kể là phải ở lại trường muộn hơn để hoàn tất công đoạn tổ chức một sự kiện, nhưng thầy cô cũng rất sẵn lòng ở lại hỗ trợ, góp ý”.
Nữ sinh bắt đầu đi du học từ năm 15 tuổi
Từ cô bé 15 tuổi một mình “xách ba lô” sang Mỹ, những ngày đầu còn có chút rụt rè với những điều xa lạ, Hà lại trở thành học sinh quốc tế đầu tiên giữ vị trí quản lý Hội đồng học sinh trường, tham gia điều hành và tổ chức các hoạt động kết nối học sinh, đồng thời cũng đứng đầu dự án quyên góp tiền cho các hoàn cảnh khó khăn, điển hình như giúp các bà mẹ đơn thân trong khu vực.
Trong những năm tháng cấp 3, Hà cũng giành được nhiều giải thưởng như top 5 kỳ thi Toán học khu vực bang Wisconsin, Mỹ 2 năm liên tiếp 2019 và 2020; đạt AP Scholars Award năm 2020…
Được học về tình yêu và hôn nhân
Một điều thú vị khác khiến Nguyệt Hà thích thú là trường luôn có rất nhiều môn học “hay ho” để học sinh lựa chọn. “Tại trường em có hơn 135 lớp học khác nhau thuộc nhiều lĩnh vực, từ thiết kế thời trang, âm nhạc, làm gốm,…
Nếu em không giỏi và thích thú với môn vẽ, vẫn có thể tham gia vào các lớp làm đồ gỗ, làm gốm, nấu ăn hay học may.
Học trường công giáo nên một số hoạt động trong trường cũng diễn ra đặc biệt hơn, ví dụ học sinh cần phải cầu nguyện trước khi bắt đầu tiết học. Mỗi học kỳ học sinh sẽ được học 7-8 môn, trong đó có 1 môn học thuộc về tôn giáo.
“Nghe tới tôn giáo, tín ngưỡng, nhiều người thường nghĩ rằng rất xa xôi, nhưng thực ra những môn học này với em đều rất gần gũi. Nó giúp học sinh có cơ hội nhìn lại bản thân, nhìn lại quá khứ và sống tốt hơn cho tương lai.
Ví dụ, ở giai đoạn lớp 12, khi học sinh chuẩn bị bước vào cuộc sống đầu đời, chúng em được học môn “Từ tình bạn đến hôn nhân”. Tại đây, học sinh được học cách “chọn bạn mà chơi”. Môn học này khiến học sinh phải tự tư duy rằng: “Từ xưa tới giờ mình đã từng suy nghĩ về việc chọn bạn hay chưa?”; “Làm sao để giữ được mối quan hệ tình bạn tốt đẹp”,…
Còn nói về hôn nhân, trong những bài đầu tiên, giáo viên thường yêu cầu học sinh phải trò chuyện với những người gần gũi xung quanh mình về chuyện tình yêu, hôn nhân. Em đã gọi điện về cho ba mẹ hỏi xem “Ba mẹ đã yêu nhau và kết hôn với nhau thế nào?”; “Ba mẹ quen nhau bao nhiêu năm?”; “Quan điểm về tình yêu của ba mẹ hay những điều gì, theo ba mẹ sẽ tạo ra một cuộc hôn nhân trọn vẹn?”,…
Sau môn học này, chúng em phải thực hiện một bài tập là xem phim và viết bài thu hoạch dựa trên góc độ câu chuyện tình yêu và hôn nhân, từ đó rút ra bài học. Em cảm thấy thích thú khi được học những điều như thế”.
Ngoài ra, theo Hà, ở hầu hết những ngôi trường công giáo ở Mỹ thường có quy mô lớp học nhỏ, khoảng 10 – 15 học sinh. Điều này nhằm giúp giáo viên có thể chú ý đến mỗi cá nhân nhiều hơn bất kỳ ngôi trường công lập nào.
“Ở trong lớp, không có câu hỏi nào là ngu ngốc cả. Tụi em được tự do thắc mắc, và thầy cô cũng rất khuyến khích việc đối đáp hai chiều.
Việc học hành cũng không có nhiều áp lực. Học sinh sẽ tham gia các bài kiểm tra hết môn để quyết định xem có được nhận bằng tốt nghiệp THPT hay không. Điều này áp dụng trong toàn bang, khá nhẹ nhàng và cũng là một cách giúp học sinh giảm áp lực trong thi cử”.
Sau 3 năm phổ thông tại Mỹ, cô gái sinh năm 2003 cảm thấy hài lòng, bởi khoảng thời gian đó giúp Hà định hình được đam mê của bản thân và biết mình muốn trở thành người như thế nào.
Ước mơ của nữ sinh là được đi tới Châu Phi, tham gia giúp đỡ về y tế, chế tạo ra loại thuốc cho các căn bệnh lạ tại những vùng sâu, vùng xa của Châu Phi. Đó cũng chính là lý do Hà lựa chọn theo học tại Trường ĐH Kansas – ngôi trường hàng đầu về đào tạo ngành Dược ở nước Mỹ và giành được học bổng toàn phần cho 6 năm theo học tới đây.
Thúy Nga
Chuyện về cô gái Việt từng giành học bổng toàn phần Harvard năm 16 tuổi
Sinh ra ở TP.HCM nhưng có tới gần 20 năm học tập và làm việc tại nước ngoài, dù vậy, Nguyễn Hương Quỳnh Trang - nghiên cứu sinh tại ĐH Stanford, cựu sinh viên ĐH Harvard vẫn đầy ắp những dự định hướng về Việt Nam.
9X thấm thía 'học để làm gì' sau 1 năm gap year
Đỗ vào ĐH Ngoại thương, nhưng Tú quyết định tạm dừng việc học sau 1 năm để đi tìm mục tiêu sống của bản thân.
Nữ sinh Hà Nội giành 10 học bổng đại học Mỹ
Dù không nổi bật về điểm số nhưng Lê Nguyệt Hà (sinh năm 2003) học sinh trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Long Biên, Hà Nội) đã được 10 trường Mỹ đồng ý hỗ trợ tài chính.
Cô gái điếc người Việt thắng giải thử thách mã hóa của Apple
Là một người thuộc cộng đồng người điếc Việt Nam, nhưng Phạm Hà Thu Anh không muốn những người trong cộng đồng mình tồn tại chỉ là để truyền cảm hứng hay làm tấm gương vươn lên cho người khác.