Sau khi tốt nghiệp Đại học Wright State khoa điều dưỡng năm 2017, Kristy Epperson nợ 16.000 USD (370 triệu) tiền học phí, lãi suất từ 3,6% đến 6,8% một năm.
Cô cũng còn 4.000 USD (93 triệu) nợ mua ô tô, lãi suất 4,2%.
Và khi vẫn còn đang trả nợ, Epperson lại mua một căn nhà ở Dayton (Ohio) mà chỉ phải trả trước 5% giá trị. Dù vậy, việc này cũng khiến cô phải xem lại chi tiêu và thói quen mua sắm của mình. Epperson quyết tâm trả xong nợ học phí và mua ô tô càng sớm càng tốt.
"Nếu có chuyện gì xảy ra, như mất việc chẳng hạn, tôi sẽ chẳng có cách nào chi trả cuộc sống", Epperson cho biết. Tôi cần một kế hoạch dài hạn hơn".
Kristy Epperson, 23 tuổi, đã trả hết 20.000 đô la (463 triệu) tiền nợ trong một năm. |
Ngoài việc làm thêm, giúp cô kiếm được 100 - 300 USD (2,3 - 7 triệu) mỗi tháng, Epperson còn lập một bảng theo dõi chi tiêu để tăng tốc trả nợ. Cô cũng lập một tài khoản mạng xã hội để chia sẻ các hành động, chiến lược và mục tiêu của mình. "Tôi nhận ra có rất nhiều người cùng cảnh ngộ với mình, và họ cảm thấy được truyền cảm hứng. Họ không biết rằng thoát nợ là một sự lựa chọn", Epperson nói.
Việc theo dõi chi tiêu giúp Epperson nhận ra vấn đề chính của cô nằm ở việc dùng thẻ tín dụng. "Tôi nhìn sao kê và thậm chí chẳng nhớ một số khoản là gì nữa. Tôi ăn hàng quá nhiều, mua quần áo mới ở siêu thị, rồi mua hàng online nữa".
Vì thế, cô bỏ thẻ tín dụng. "Tôi cảm thấy dùng tiền mặt sẽ giúp mình chi tiêu có trách nhiệm hơn", cô giải thích.
Số tiền Kristy Epperson chi tiêu hàng tháng được chia vào các mục. |
Mỗi tháng, Epperson rút tiền từ tài khoản, chia ra các mục cần tiêu như ăn ngoài, mua thực phẩm hay tiền gas. Khi hết tiền chia cho một mục, cô sẽ ngừng tiêu hoạt động đó. Dù vậy, thi thoảng, Epperson vẫn vay tiền từ mục khác và chấp nhận hy sinh. "Có tháng, tất cả bạn bè của tôi đi xem ca nhạc. Tôi thì hết tiền tháng đó rồi, nên thôi", cô nhớ lại.
Khi không thể trả tiền mặt, như mua sắm online, Epperson phải dùng thẻ tín dụng. Nhưng sau đó, cô chuyển tiền từ tài khoản để trả nợ thẻ ngay lập tức, tránh phát sinh thêm nợ.
Khi bạn bè của Epperson nhận ra cô đang tiết kiệm, họ cũng cố gắng thích nghi. Họ tổ chức các bữa tiệc ở nhà thay vì ăn ngoài. Tất cả góp tiền mua đồ và cùng nấu nướng.
Sau một năm, nỗ lực của cô đã thành công. Tháng 9 năm ngoái, Epperson trả xong nợ vay mua ôtô. Tháng 5 năm nay, cô hết nợ học phí.
Hiện tại, mục tiêu trung hạn của cô là tiết kiệm tiền để mua xe hơi và TV mới, bằng tiền mặt. Nhưng ưu tiên trước mắt là lập quỹ dự phòng khẩn cấp, đủ chi tiêu trong 6 tháng. Đến nay, cô đã có gần một phần ba số tiền này.
Epperson cho biết chiến lược chỉ tiêu tiền mặt sẽ tiếp tục được sử dụng. Đã nhiều tháng qua, cô không cần đến thẻ tín dụng nữa.
Người Nhật cũng nổi tiếng với thói quen sử dụng tiền mặt và tiết kiệm hiệu quả. |
Nói về việc sử dụng tiền mặt để tiết kiệm thì đứng đầu thế giới có lẽ là người Nhật. Họ nổi tiếng là những người yêu thích tiền mặt nhất. Mọi người chi cho các khoản nhỏ hay lớn đều bằng tiền giấy hay qua thẻ ghi nợ. Họ có sử dụng thẻ tín dụng nhưng không quẹt thường xuyên như ở nhiều nước khác.
The Credit Card Academy, một trang mạng hướng dẫn sử dụng thẻ tín dụng tại Nhật, ước tính trung bình chỉ có 18% người Nhật dùng thẻ tín dụng để mua sắm, trong khi con số này ở Mỹ là 54%, ở Anh là 55% và ở Hàn Quốc là 58%.
Mặc dù lương thưởng được trả qua tài khoản ngân hàng, người Nhật thường rút tiền ra để trang trải các chi phi, chỉ để lại một khoản nhỏ trong đó. Họ sẽ để tiền vào các phong bì, mỗi cái chứa một khoản nhất định, bên ngoài ghi rõ dùng cho việc gì.
(Theo Goodmorningamerica / Pháp Luật và Bạn Đọc)