Làm mẹ ở tuổi 16

Ybyen (SN 1990, người dân tộc Ba Na) sinh ra và lớn lên ở thôn Piơm, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai. Câu chuyện cứu đứa trẻ suýt bị chôn sống vì hủ tục, trở thành mẹ nuôi từ năm 16 tuổi của Ybyen được đông đảo mọi người biết đến từ cách đây 7 năm, khi cô tham gia chương trình “Hát mãi với ước mơ”.

tây nguyên 1.jpg
Ybyen - người nhận nuôi hai đứa trẻ sơ sinh

Năm đó, khi đang là học sinh trung học, Ybyen theo bố mẹ vào vùng sâu đổi gạo. Vô tình chứng kiến cảnh đứa trẻ sắp bị chôn sống vì mẹ không may qua đời, Ybyen thương xót.

"Người mẹ không may qua đời sau khi sinh con, người bố dù thương con nhưng không có nguồn sữa mẹ thì không biết làm cách nào nuôi nấng. Vậy là họ theo hủ tục 'mẹ chết phải đem con chôn cùng', suýt nữa mang chôn đứa trẻ. Mình thấy vậy thì xin được đem con về nuôi", Ybyen kể lại.

Ybyen khi ấy chưa đủ tuổi trở thành mẹ. Bố mẹ chị phải đứng ra thay con nhận nuôi đứa trẻ. Cho đến giờ, Ybyen vẫn biết ơn bố mẹ đã ủng hộ mình làm việc thiện. Đứa trẻ được Ybyen đặt tên là Y Song với ý nghĩa “Chúa trời ban”. 

Hành trình làm mẹ của cô gái 16 tuổi chẳng hề dễ dàng. Ybyen buổi sáng đi học, buổi chiều đi mót mủ cao su, chăn bò thuê kiếm tiền mua sữa cho con. Do hoàn cảnh khó khăn, Y Song không được uống sữa đều như những đứa trẻ khác, mà phải uống thêm nước gạo.

“Mình nuôi Y Song đúng kiểu thuận tự nhiên. May mắn con cũng cứ vậy mà khôn lớn, bé thì uống nước gạo, từ 6 tháng tuổi trở đi đã biết ăn cơm”, Ybyen kể.

tây nguyên 2.jpg
Bức ảnh được chụp từ nhiều năm trước, Ybyen bên bố mẹ và Y Song (áo trắng), Y Sơn (áo xanh)

Những lúc bận học, Ybyen nhờ bố mẹ giúp chăm con. Kể từ ngày bế đứa trẻ về nhà, bố mẹ Ybyen coi đó như cháu ruột của mình, hết mực yêu thương, chăm sóc. Ybyen khẳng định, nếu không có bố mẹ ủng hộ, giúp đỡ, chị không thể nuôi Y Song khôn lớn, trưởng thành như bây giờ.

10 năm sau, khi Ybyen tròn 26 tuổi, đã trở thành ca sĩ trẻ của Đoàn văn công Đam San, thành phố Pleiku, chị một lần nữa nhận nuôi một em bé khác.

Trong chuyến đi công tác, Ybyen nghe một người chị cùng cơ quan báo tin nhặt được một em bé sơ sinh bị bỏ rơi ngoài nghĩa địa. Ybyen đứng ra nhận nuôi bé và gọi điện thông báo với gia đình chuyện này. Về gần đến nhà, chị thấy bố mẹ đã đứng ngoài cổng ngóng đợi.

Ybyen biết, việc thiện của mình một lần nữa được bố mẹ ủng hộ. Đứa trẻ được Ybyen đặt tên là Y Sơn với mong muốn con vững vàng như ngọn núi. 

Có kinh nghiệm làm mẹ, lại có một công việc ổn định ở đoàn văn công, việc nuôi nấng Y Sơn suôn sẻ hơn trước. Ybyen biết ơn bố mẹ hỗ trợ cô chăm con, biết ơn Y Song ngoan ngoãn, luôn giúp đỡ việc nhà và trở thành chỗ dựa tinh thần cho mẹ.

Không mang thai, sinh nở nhưng lại là mẹ của hai người con trai, với Ybyen, đây là mối duyên quý báu khó diễn tả thành lời.

“Những gì mình và bố mẹ làm xuất phát từ tình yêu thương, còn lại chẳng suy nghĩ điều gì. Nếu không có bố mẹ, thì chẳng có Ybyen và cũng không có Y Song, Y Sơn trưởng thành như bây giờ”, Ybyen bày tỏ.

“Các con là món quà quý giá”

Nhiều năm trôi qua, cuộc sống của Ybyen và các con có nhiều thay đổi. Đặc biệt hơn cả, Ybyen đã có thêm một bé gái hiện 18 tháng tuổi, là đứa con do chính cô sinh ra. Đó là kết quả của một mối tình lỡ dở. Dù tiếc nuối khi không thể cho con mái ấm trọn vẹn, nhưng Ybyen luôn xem con gái là món quà quý giá.

tây nguyên 4.jpg
Y Song đã trưởng thành, Y Sơn ngày càng khôn lớn

Y Song giờ đây đã là chàng trai 20 tuổi hiện ở nhà làm nông, làm thuê. Y Song trưởng thành, cùng mẹ gánh vác gia đình. Ybyen thừa nhận, nhờ có con trai san sẻ, gánh nặng trên vai cô dần nhẹ bớt.

Thời gian bố Ybyen bị bệnh, Y Song ngày đi làm, tối vào bệnh viện chăm sóc ông. Cách đây 4 tháng, ông ngoại qua đời, Y Song cùng mẹ lo chu toàn mọi việc, để ông được an nghỉ. Giờ đây, Y Song trở thành người đàn ông trụ cột của gia đình.

“Mình và Y Song là lao động chính trong nhà. Y Song chăm sóc bà ngoại và các em rất chu đáo. Con không nói lời ngọt ngào, mà luôn thể hiện tình yêu thương bằng hành động thực tế”, Ybyen nói.

Y Sơn đã bước vào lớp 4. Khác với anh trai, Y Sơn là cậu bé ngọt ngào, thường nói lời yêu thương ông bà và mẹ. Ngoài giờ học, Y Sơn giúp mẹ làm việc nhà, chăm sóc bà ngoại và em gái. 

Những năm qua, Ybyen và bố mẹ từng chút một nói cho Y Song, Y Sơn biết về quá khứ, nguồn cội của các con. Càng hiểu chuyện, hai đứa trẻ càng yêu thương ông bà và mẹ nhiều hơn. Ybyen nhiều lần nghe Y Song nói: “Con chỉ có mẹ, có ông bà và các em. Mẹ mới là gia đình thực sự của con”. 

tây nguyen 5.jpg
Ybyen bên con gái út

“Gia đình mình lúc này giàu tình cảm, đông con cái. Điều mình tiếc nuối nhất là cho đến lúc bố qua đời, mình vẫn chưa thể phụng dưỡng, báo hiếu bố. Công ơn của bố mẹ quá lớn lao, mình dành cả đời trả ơn cũng không hết”, Ybyen chia sẻ.

Điều Ybyen mong mỏi nhất giờ đây là có đủ sức khỏe để lo cho mẹ và con nhỏ. Cuộc sống hiện tại vất vả, nhưng chị vẫn cảm thấy mình may mắn hơn nhiều người bởi có các con bên cạnh.

Anh Y Bônh (SN 1989), trưởng thôn Piơm, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai cho hay, câu chuyện nhận nuôi hai đứa trẻ bị bỏ rơi của Ybyen được đông đảo người dân trong thôn bản biết tới. Bản thân anh cũng từng đến nhà Ybyen thăm hỏi và rất cảm động khi chứng kiến cô chăm sóc các con chu đáo.

“Câu chuyện của Ybyen là bài ca về tình yêu thương, lòng nhân ái. Hành động đẹp của Ybyen rất đáng được ngợi khen”, anh Bônh chia sẻ.

Ảnh: NVCC