Zing trích dịch bài đăng trên ABC News, kể về Terrie Ridgway - người được báo chí thế giới mệnh danh là “Tarzan Terrie” hay “Robinson Crusoe phiên bản nữ của Australia” vì sống 1 mình trên đảo hoang vào những năm 1960. Đây là lần đầu tiên sau hơn 50 năm, Ridgway tiết lộ câu chuyện của mình.
Vào những năm 1960, cô gái Terrie Ridgway 19 tuổi, sống đơn độc trên hòn đảo xa xôi thuộc Rạn san hô Great Barrier (Queenland, Australia) trở thành tâm điểm chú ý trên toàn cầu.
Nhiều tờ báo Mỹ nhanh chóng đăng tải câu chuyện về Ridgway kèm các tiêu đề như “cô gái đồng tính hoang dã nước Úc” hay “nữ thần mặc bikini”. Cô cũng được mô tả sống trong túp lều gần bãi biển và diện bộ bikini da báo.
Bài báo được viết vào những năm 1960 về Terrie Ridgway. Ảnh: Supplied. |
“Để có thức ăn, cô rình bắt đám chim rừng, ngụp lặn tìm hải sản và trồng rau trong khoảng đất màu mỡ trên hòn đảo”, một tờ báo viết.
Từ đó, Terrie Ridgway gắn với các tên gọi như “Tarzan Terrie” hay “Robinson Crusoe phiên bản nữ” của Australia.
Khi ấy, cô tiết lộ: “Tôi đến đây để nghiên cứu về cá. Đó là tất cả điều tôi từng muốn làm”.
Tuy nhiên, ngay khi được truyền thông săn đón, Ridgway bất ngờ biến mất.
Nhờ cuộc nghiên cứu kéo dài 12 tháng của Tiến sĩ Deb Anderson (Đại học Monash) và Phó giáo sư Kerrie Foxwell-Norton (Đại học Griffith), câu chuyện bí ẩn về “Robinson Crusoe phiên bản nữ” lần đầu được hé lộ gần đây.
Từ cô gái phục vụ tới người đam mê sinh học biển
Lần đầu tiên sau hơn 50 năm, Terrie Ridgway - hiện ở độ tuổi 70 - tiết lộ những chuyện đã xảy ra từ khi bà từ bỏ công việc đánh máy ở thành phố Brisbane đầu những năm 60 để sống trên đảo Tây Bắc - cách bờ biển Gladstone 75km.
“Tôi còn rất trẻ và thích phiêu lưu, nên tôi cứ lên đại một chuyến tàu và đi về phía bắc”, bà nhớ lại.
Sau khi đặt chân tới đảo Heron - nơi có khu nghỉ mát, cũng như trạm nghiên cứu biển thuộc sở hữu của Đại học Queensland, Ridgway xin được công việc phục vụ bàn ở quán bar.
Nhờ tiếp xúc với các nhà nghiên cứu làm việc trên đảo, Ridgway nhanh chóng trở thành thợ lặn lành nghề và phát triển niềm đam mê với sinh học biển.
“Lần đầu tiên đeo mặt nạ và ống thở, tôi đã biến mất trong làn nước. Đó thật sự là điều dành cho tôi”, bà nói.
Giữa giờ nghỉ từ công việc phục vụ, Ridgway thường theo chân các nhà nghiên cứu đi lặn và thu thập mẫu vật dưới đại dương sâu thẳm.
“Họ luôn hé cửa sổ tại trạm nghiên cứu để tôi, sau khi kết thúc ca làm việc lúc 2h sáng, có thể vào và đọc thông tin về rạn san hô”.
Đảo Tây Bắc, ngoài khơi trung tâm Queensland, nơi Ridgway tìm thấy hòn đảo thiên đường của mình. Ảnh: Collette Bagnato. |
Kiệt sức vì những ca làm việc dài đằng đẵng ở quán bar, Ridgway quyết định bỏ việc vào năm 1966.
“Tôi chuyển đến đảo Tây Bắc ở gần đó, bắt đầu sống trong căn lều nhỏ xinh đẹp gần bãi biển này với hành trang chỉ có bộ dụng cụ lặn, sách, đồ vẽ và đèn pin”.
“Đó là quãng thời gian tuyệt vời nhất. Tôi đi lặn và vẽ lại những con cá mình trông thấy trên rạn san hô”, bà nhớ lại.
Tất cả số tiền tiết kiệm được trước đó, Ridgway dùng để mua sách tham khảo về sinh học biển.
“Tôi chăm 1 vườn rau nhỏ và hàng tuần đi săn gà rừng 1 lần. Tuy nhiên, thú thực đây là món rất khó nuốt”.
“Tôi đã kết hôn với hải tặc”
Cuộc sống bình dị trên hòn đảo thiên đường không kéo dài bao lâu. 6 tháng sau, một nhà báo đã tìm tới đây sau khi nghe câu chuyện về “Robinson Crusoe phiên bản nữ”.
“Một buổi sáng, tôi thức dậy và thấy người này cố chụp ảnh tôi trong túi ngủ”, Ridgway nói.
Chính sự xâm phạm này đã kết thúc cuộc sống trên đảo của bà.
Ridgway tiếp tục nghiên cứu về sinh hoạc biển sau khi rời hòn đảo bình dị. Ảnh: Collette Bagnato. |
Trong khi một số biết về câu chuyện của Ridgway và tìm tới tận nơi để gặp bà, nhiều người gửi thư từ, thậm chí là những lời cầu hôn từ khắp nơi trên thế giới.
“Tôi phải ra đi vì không thể ở đó nữa. Họ đã phá hủy tất cả. Tarzan Terrie là cái tên cực kỳ nông cạn về tôi”.
Gói ghém bộ dụng cụ lặn, quần áo và vài cuốn sách, Ridgway nhảy lên chiếc thuyền buồm Dante Deo, được các nhà khoa học Mỹ dùng để phục vụ công tác nghiên cứu rạn san hô, và biến mất.
Trong chuyến đi này, bà gặp thuyền trưởng là người Mỹ, cao 1,90m với đôi mắt xanh và có râu, “trông y hệt hải tặc”. “Đây là người tôi lấy làm chồng”.
Không trở lại
Sau khi rời đảo Tây Bắc, Ridgway dành nhiều năm làm việc cho các dự án nghiên cứu trên khắp Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Bà hiện khoảng 70 tuổi và sinh sống tại thị trấn Cooroy ở vùng Sunshine Coast 30 năm qua.
Sau cuộc hôn nhân kéo dài 20 năm với “người cướp biển”, Ridgway đã ly thân chồng cách đây một thời gian.
Vẫn đam mê khám phá môi trường và động vật hoang dã, Ridgway hiện dành thời gian giải cứu loài cáo bay.
“Tôi lo lắng về tương lai của hành tinh này. Các rạn san hô đang gặp nguy hiểm, trong khi con người hiểu sai ý nghĩa của chúng đối với môi trường”.
“Robinson Crusoe phiên bản nữ” vẫn giữ đam mê nghiên cứu về sinh học biển ở tuổi 70. Ảnh: Terrie Ridgway. |
Ridgway chưa bao giờ trở lại đảo Tây Bắc, có thể là không bao giờ.
“Tôi mường tượng sự thay đổi của nơi này sẽ làm tan vỡ trái tim mình. Tôi từng chiêm ngưỡng nhiều nơi hoang sơ tráng lệ của thế giới, nhưng giờ chúng không còn như vậy nữa kể từ khi con người phát hiện”.
Dù thất vọng về môi trường hiện nay, Ridgway cho biết bà cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại.
Tiến sĩ Foxwell-Norton cho biết Học bổng Thư viện John Oxley trị giá 20.000 USD sẽ cho phép bà tìm hiểu về “Robinson Crusoe phiên bản nữ” và các câu chuyện chưa từng được kể về những người bảo tồn môi trường trên rạn san hô ở Queensland.
Những câu chuyện này được Thư viện quốc gia sử dụng làm tư liệu về lâu dài, và có thể viết thành sách.
Nhà sư Nhật Bản tụng kinh trên nền nhạc beatbox
Nhà sư Akasaka, 37 tuổi trước khi xuất gia từng làm việc cho một công ty âm nhạc ở tỉnh Fukushima, đông bắc Nhật Bản.
Theo Zing