Kết thúc những ngày Tết, Nguyễn Thúy An, 25 tuổi, làm việc ở TP.HCM vẫn chưa hết ngỡ ngàng. Xót tiền đã đành, An còn có chút không thoải mái với tính hào phóng của Đăng, bạn trai lớn hơn 7 tuổi.
Học hết lớp 12, Đăng, quê ở một tỉnh thuộc Bắc Trung Bộ vào Nam lập nghiệp. Khéo tay, tỉ mỉ, cẩn thận, Đăng làm việc trong lĩnh vực nội thất. Hơn 10 năm ở Sài Gòn, Đăng có công ty riêng, làm ăn thuận lợi.
Năm nay, dịch Covid-19 khó khăn nhưng công ty của anh vẫn đạt doanh thu cao, tăng trưởng tốt, lương thưởng cho người lao động đều tăng.
Ngoài tiền biếu bố mẹ, ông bà, Tết năm nay, đến tận mùng 3 Tết, khi ra thăm nhà anh, An mới biết, Đăng chuẩn bị gần 100 triệu đồng về quê dùng riêng cho việc lì xì.
Với con cháu trong anh em họ hàng, tầm khoảng 25 trẻ lớn bé, Đăng mạnh tay lì xì mỗi bé 2 triệu đồng, nhà nào có con đỗ đại học, anh mừng gấp đôi, gấp ba.
Trong họ đã đành, anh bỏ bao lì xì 100.000 - 200.000 đồng mừng trẻ nhỏ trong làng, con của bạn bè, thầy cô, mừng người lớn tuổi, khó khăn. Với hoàn cảnh nào đặc biệt khó khăn, anh sẽ rút ví lì xì nhiều hơn.
Từ khi làm ăn được, Đăng nổi tiếng cả xã về bản tính hào phóng với gia đình, làng xóm. Anh từng xây hẳn cho bố mẹ một căn nhà khang trang rộng rãi nhất làng. Anh em họ hàng cũng được anh biếu tiền, vay tiền không lấy lãi làm nhà, mua xe, nuôi con ăn học.
Ở quê, Đăng cũng đóng góp hàng chục triệu đồng để làm đường, tu sửa này kia. Cách đây không lâu, Đăng quay về trường học cũ tài trợ trường hàng chục triệu đồng, mua sắm trang thiết bị cho trường.
Những việc này, An không thể can thiệp dù rất xót tiền bạn trai. Nhưng riêng chuyện "rải" tiền lì xì của Đăng thì cô cảm giác như anh phóng khoáng, phô trương, khoe mẽ thái quá.
Đăng giải thích, trước giờ anh vẫn luôn rộng rãi với tiền lì xì. Cách đây vài năm, anh cũng chưa từng nghĩ đến việc lì xì nhiều người như vậy.
"Nhưng rồi thấy nay khó khăn, dân quê mình vừa chịu ảnh hưởng dịch, vừa bão lũ, khổ chồng khổ, anh mong chia sẻ chút lộc, chút niềm vui nhỏ nhỏ đến nhiều người, nhất là người già, trẻ nhỏ. Chứ nói về giá trị vật chất, mỗi người một ít, không thấm vào đâu", anh nói với bạn gái.
Với Đăng, đó không phải là số tiền nhỏ nhưng so với những khoản mua sắm không cần thiết, cúng bái "buôn thần bán thánh", đổi xe nọ kia... thì chẳng thấm vào đâu.
Đơn giản là anh thấy, chỉ cần mình ngưng vung tay, hoang phí, bớt đi vài bữa nhậu, vài chai rượu ngoại, vài đôi giày... là đã có thể làm được rất nhiều việc ý nghĩa.
Người bảo anh dại, có người khen hào phóng nhưng Đăng không bận tâm, anh làm vì mình muốn làm, miễn điều mình làm không vi phạm phát luật, đạo đức. Không phải anh muốn gây chú ý hay khoe mẽ, gây sốc vì nếu muốn như vậy, anh có nhiều cách khác.
Đăng nói với An, anh tự thấy mình may mắn hơn nhiều người và muốn san sẻ niềm vui tinh thần đến được với nhiều người nhất có thể. Nhất là với quê hương, nơi mình sinh ra...
Nghe bạn trai tâm tư, An hiểu hơn về lựa chọn của anh, hiểu hơn về bản tính, con người của anh.
Đăng đã cầu hôn An, tính trong năm nay cưới. Cô gái vẫn băn khoăn, với tính cách của mình, việc tiến xa với người hào phóng quá mức như Đăng liệu sau này vợ chồng dễ lục đục, bật hòa?
Cửa hàng ở Malaysia nổi tiếng nhờ bán đồ của người yêu cũ
Những thứ phổ biến nhất tại cửa hàng Kedai Pernah Sayang là nhẫn, máy ảnh, túi xách và đồng hồ.
Theo Dân trí