Cô gái 30 tuổi đam mê xê dịch - Lăng Trần từng đi du lịch nhiều tỉnh thành tại Việt Nam và đặt chân tới không ít địa điểm du lịch nổi tiếng tại nước ngoài như Nhật Bản, Indonesia, Pháp… Điều thú vị, Lăng thường không tốn quá nhiều chi phí cho các chuyến đi này.
Cô nàng lên ngân sách cho các chuyến du lịch trong nước khoảng 400.000 đồng/ngày, du lịch nước ngoài khoảng 800.000 đồng/ngày, bao gồm tất tần tật vé máy bay, ăn uống, di chuyển… Thậm chí, ngay cả các chuyến đi đến các thành phố “siêu đắt đỏ” tại Nhật Bản hay Pháp, Lăng cũng có “chiêu” riêng để không vượt ngân sách dự kiến.
“Mình thích đi đây đó từ bé, gặp gỡ mọi người, tìm hiểu văn hóa từng vùng miền… nhưng ngặt nỗi lúc đó mình không có tiền. Sau đó mình nghĩ, chờ đến lúc có tiền thì không biết khi nào mới được đi. Đó là lí do mình quyết định “đi du lịch theo kiểu không có tiền”, Lăng chia sẻ.
Thời sinh viên, cô gái Sài Gòn tự lái xe máy đi các tỉnh miền Tây như Bến Tre, Đồng Tháp… Khi đi làm, có tài chính ổn định, Lăng đi xa hơn: Phan Thiết, Đà Lạt, Đà Nẵng, rồi các chuyến khám phá miền Bắc, du lịch nước ngoài.
Năm 2021, Lăng tạm dừng công việc để sang Pháp du học. Đây cũng là cơ hội để cô khám phá châu Âu - nơi cô ước mơ đặt chân đến từ nhỏ.
Lăng Trần tại vịnh Vĩnh Hy, Ninh Thuận
Mang 30 Euro (chưa đầy 800.000 đồng) du lịch tại Pháp
Ngay khi hoàn thành học kì I chương trình học Thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh tại Pháp, Lăng Trần đã quyết định “tự thưởng” cho bản thân một chuyến du lịch.
“Điều mình thích nhất khi sang Pháp du học là ở đây có những kì nghỉ lễ kéo dài 1 - 2 tuần, có khi cả tháng, rất phù hợp để đi du lịch. Ngay khi bắt đầu kì nghỉ đông sau học kì I, mình quyết định xách balo lên và đi “săn” núi tuyết”, Lăng chia sẻ.
Chưa từng được thấy tuyết ngoài đời thực nên sau khi biết thông tin núi Semnoz (Annecy) có tuyết rơi, Lăng quyết định lên đường luôn. “Mình muốn trải nghiệm cảm giác trekking trên núi tuyết sẽ khác gì khi trekking ở núi Bà Đen hay Fansipan”, Lăng chia sẻ.
Với kinh phí có hạn, Lăng tính toán rất kĩ cách di chuyển, ăn uống trong chuyến đi.
Theo Lăng, nếu đi xe bus từ thành phố Lyon (nơi cô sống) đến núi Semnoz cần bắt hai tuyến xe. Một tuyến đi từ Lyon đến Annecy có mức phí 5 Euro (khoảng 130.000 đồng)/chiều vào ngày thường, 18 Euro (khoảng 460.000 đồng)/chiều vào ngày cuối tuần.
Sau khi đến Annecy, du khách sẽ phải đi một tuyến bus lên núi Semnoz với chi phí 1,5 Euro (khoảng 40.000 đồng)/chuyến.
“Trung bình, để đi bus từ nơi mình sống đến Semnoz, mất chừng 13 Euro (khoảng 340.000 đồng). Tuy nhiên, việc đi xe bus không linh động về thời gian”, Lăng cho biết.
Chuyến đi này, Lăng đi cùng 3 người bạn khác, do đó, cô tính toán nên đi ô tô riêng. Với khoảng cách 150km, nhóm sẽ mất khoảng 30 Euro/2 chiều tiền xăng dầu, 24 Euro/2 chiều phí cầu đường. Như vậy, trung bình mỗi người chỉ tốn 14 Euro (khoảng 360.000 đồng) chi phí di chuyển, chênh lệch không nhiều so với đi bus nhưng chủ động thời gian.
“Mình đọc thông tin và được biết, chi phí ăn uống tại Annecy khá đắt đỏ. Mình quyết định chuẩn bị bánh, trái cây từ nhà mang theo. Khi trekking, mình bỏ túi vài chiếc bánh ngọt, hoặc socola để ăn lấy sức”, Lăng cho biết.
Dù đã có kinh nghiệm trekking trong nhiều địa hình phức tạp tại Việt Nam, có khi lội bùn, lội nước nhưng đây là chuyến đầu tiên Lăng “lội tuyết”. Lăng không thuê dụng cụ đi trong tuyết mà sử dụng giày leo núi bình thường nên cô thường xuyên bị sụp vào hố tuyết.
“Mình chọn đi buổi sáng, trời nhiều nắng sẽ ấm hơn và chụp hình cũng đẹp. Nhưng do chưa có kinh nghiệm, mình không mang theo giày dự phòng. Khi lên tới đỉnh núi, giày và tất ướt cả. Khi đi xuống, chân bắt đầu nhiễm lạnh. Mình liên tục sụt hố tuyết nên thời gian trekking cũng bị kéo dài”, Lăng chia sẻ.
Lăng hạnh phúc khi chạm tới đỉnh núi Semnoz
Lăng cho biết, trước đây, cô khá hiếu thắng nên đi trekking với mục đích chinh phục, luôn cố gắng đi thật nhanh. “Sau khi leo đến đỉnh thì ngoài việc “tự hào bản thân”, mình không còn cảm xúc gì động lại và bỏ lỡ cơ hội cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên trên suốt hành trình”, Lăng chia sẻ.
Sau này, Lăng dần dần thay đổi, thay vì áp lực vì thời gian, cô đi chậm rãi hơn, quan sát và cảm nhận nhiều hơn, dành thời gian để trò chuyện với bạn đồng hành (cả người quen lẫn người xa lạ) để hiểu thêm về văn hóa, địa lý.
Lăng có thói quen khám phá các điểm đẹp trong cung đường trekking nên không ít lần xuống núi muộn, mặt trời đã lặn. “Mấy lần đó, cảm giác hú hồn”, Lăng nhớ lại.
Trong chuyến trekking núi Semnoz này, Lăng cũng cố gắng quan sát và cảm nhận, hòa mình với thiên nhiên để có những trải nghiệm, kí ức tuyệt vời nhất.
Sau khi xuống núi, cô quay về Annecy, tham quan các điểm trong thành phố như hồ Annecy, kênh Annecy, khu phố cổ… Chiều tối, cô trở về thành phố, kết thúc chuyến đi với tổng “thiệt hại” chỉ 30 Euro (khoảng 800.000 đồng).
Lăng tranh thủ thời gian ngắm Annecy
Bật mí chiêu du lịch “kiểu ít tiền” ở các quốc gia đắt đỏ
Chuyến đi trekking 30 Euro không phải chuyến đi “kiểu ít tiền” hiếm hoi với Lăng Trần. Cô từng có hơn 2 tuần trải nghiệm Bali và Java (Indonesia) chỉ với 12 triệu đồng. Năm 2019, Lăng cũng dành 14 ngày khám phá Nhật Bản với mức chi phí rất hợp lý.
Lăng Trần trong chuyến đi Indonesia
Chuyến du lịch Nhật Bản, Lăng khám phá dần các điểm từ Tokyo đến Osaka. Lăng tính toán, nếu di chuyển giữa các địa điểm bằng tàu siêu tốc, cô sẽ tốn khoảng 600.000 đồng/ngày - vượt quá mức chi phí dự kiến. Cô và bạn đồng hành quyết định sẽ đi nhờ xe (Hitchhiking - Du lịch quá giang).
Khó khăn với Lăng là cô không biết tiếng Nhật và người Nhật lại không quá rành tiếng Anh. Do vậy, cô khó lòng giao tiếp với họ. Lăng giải quyết vấn đề này bằng cách… “vẽ”.
Cô lên mạng tra tên địa điểm mình muốn đến bằng tiếng Nhật rồi viết thật to lên một tờ giấy, đứng bên đường giơ cao để các lái xe dễ dàng nhìn thấy. “Nghĩ lại hình ảnh lúc đó, mình cũng thấy khá buồn cười và liều lĩnh. Họ không biết mình, mình không biết họ, tất cả chỉ giao tiếp bằng ánh mắt và tin tưởng lẫn nhau”, Lăng kể.
Lăng Trần đã có 14 ngày khám phá nước Nhật
Tại Nhật, Lăng đã có đến 6 chuyến đi theo hình thức Hitchhiking. “Không chỉ tiết kiệm chi phí, mình còn được người dân tốt bụng giới thiệu cho nhiều điểm đến ấn tượng, mời thưởng thức món mì truyền thống…”, Lăng kể lại.
Cô từng gặp một cặp vợ chồng hơn 60 tuổi. Sau khi nghỉ hưu họ mua chiếc xe Van được thiết kế dưới dạng nhà di động để du lịch từ Bắc vào Nam Nhật Bản. Câu chuyện của cặp vợ chồng truyền cảm hứng và năng lượng khám phá cho Lăng. Lăng cũng gặp những bạn trẻ dành 2 năm đi vòng quanh thế giới với vô vàn trải nghiệm thú vị.
“Mỗi dịp như vậy, mình không quên gửi lời mời họ tới thăm Việt Nam”, Lăng chia sẻ.
Những chuyến đi nhờ xe giúp cô gái Việt quen những người bạn mới
Những chuyến đi "giá rẻ" khắp Việt Nam và ra nước ngoài của Lăng vài năm qua đã mang đến cho cô những kiến thức, trải nghiệm, cảm xúc và kỉ niệm vô giá.
"Mình cũng có những chuyến đi nghỉ dưỡng với chi phi đắt đỏ. Tuy nhiên, mình lại yêu thích những chuyến đi "ăn bờ ở bụi" bởi cảm giác được hòa mình vào thiên nhiên, thử thách bản thân - những giá trị rất lớn so với chi phí phải bỏ ra", Lăng chia sẻ.
Linh Trang (Ảnh: NVCC)