Nhiều năm trước, ung thư luôn được coi là án tử, mắc căn bệnh này đồng nghĩa là dấu chấm hết. Nhưng hiện nay, với những tiến bộ của khoa học, ngày càng có thêm nhiều bệnh nhân ung thư sống tốt, sống khỏe, thậm chí rất nhiều trường hợp mắc ung thư vẫn sinh con khỏe mạnh.
Kỳ tích mới nhất là trường hợp bệnh nhân N.H.L., 22 tuổi ở Ba Đồn, Quảng Trạch, Quảng Bình, mắc ung thư U lympho ác tính không Hodgkin lan tỏa (ung thư xuất phát từ hệ bạch huyết).
L. tình cờ phát hiện một khối u lớn vùng trung thất vào đầu năm 2019 trong một lần kiểm tra sức khỏe để đi xuất khẩu lao động. Sau đó, cô gái trẻ đến Bệnh viện Ung bướu Hà Nội để thăm khám lại.
Trong suốt thai kỳ, L. thường xuyên ra Hà Nội để gặp bác sĩ ung bướu và phụ sản, theo dõi sát sức khỏe thai nhi
Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy, phổi phải xẹp một phần nhu mô thùy giữa, nhu mô thùy dưới có tổn thương mờ kẽ tạo đám, trung thất trước lệch phải có khối kích thước 7,5x10 cm, thâm nhiễm dính động mạch chủ ngực, động mạch phổi và tĩnh mạch chủ trên, hạch rốn phổi phải kích thước 1,1 cm.
Khối u trung thất kích thước lớn chèn ép khiến bệnh nhân tê dọc cánh tay phải, kèm đau tức ngực, khó thở. Bác sĩ kết luận cô mắc ung thư. Thông tin này như sét đánh ngang tai khiến L. suy sụp hoàn toàn. Cô chưa bao giờ nghĩ bản thân lại mắc ung thư ở độ tuổi đẹp nhất cuộc đời.
BS Khánh Hà, Khoa Nội 2, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội chia sẻ, sau khi hội chẩn liên khoa các bác sĩ nhận định thể bệnh của L. diễn biến nhanh nên ưu tiên xạ trị trước để thu nhỏ khối u, chống chèn ép giúp bệnh nhân giảm khó thở, giảm đau tức ngực.
Sau khi khối u giảm kích cỡ, bệnh nhân tiếp tục được truyền hóa chất và thuốc điều trị đích.
Sau truyền 3 đợt, kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy, khối u giảm kích thước rõ rệt, triệu chứng lâm sàng không còn, bệnh nhân được điều trị thêm 3 chu kỳ. Kết thúc 6 đợt truyền hóa chất và thuốc đích, khối u trung thất đã giảm chỉ còn 2x3 cm, không còn tính chất ác tính, bệnh nhân đã đáp ứng hoàn toàn với điều trị.
Từ tháng 10/2019, L. được ngưng điều trị hóa chất. Ba tháng sau, cô gái trẻ phát hiện mang thai con đầu lòng.
“Khi đó, cầm que thử trên tay mà em không tin vào mắt mình và hoang mang tột độ vì em biết bệnh nhân hóa trị sẽ khó mang thai, nếu mang thai khi đang hóa trị cũng rất nguy hiểm”, L. nhớ lại.
Hình ảnh L. khi đang điều trị ung thư (ảnh trái) và lúc hạnh phúc ôm cậu con trai đầu lòng
BS Khánh Hà cho hay, việc điều trị ung thư bằng nhiều loại thuốc hóa trị có thể làm tổn thương thai nhi, gây dị tật bẩm sinh và nhiều nguy cơ khác. Nếu mang thai quá sớm sau khi hóa trị cũng có thể ảnh hưởng tới thai nhi do trứng bị hỏng dưới tác động của hóa trị, dẫn tới nhiều hậu quả như sinh non, sảy thai, dị tật bẩm sinh.
Dù vậy, cô gái trẻ vẫn quyết định giữ thai vì khao khát có con. Hai vợ chồng L. dù ở tận Quảng Bình nhưng vẫn ra Bệnh viện ung bướu Hà Nội và Bệnh viện Phụ sản Trung ương theo dõi thai định kỳ. Qua từng tuần, thai lớn lên khỏe mạnh, nỗ lo lắng của L. cũng theo đó nhẹ đi từng ngày.
Những ngày giữa tháng 10, khi L. gần đến kỳ sinh nở cũng là lúc cơn bão số 8 sắp đổ bộ và dự báo mưa rất lớn, nguy cơ lụt sâu. Ngay lập tức, các bác sĩ tại Quảng Bình chỉ định cho L. nhập viện sớm để chờ ngày chuyển dạ.
Sáng 23/10, L. hạ sinh bé trai khỏe mạnh nặng 3,5 kg trong niềm hạnh phúc khôn xiết của đôi vợ chồng trẻ cùng gia đình hai bên.
Sắp tới, L. sẽ tiếp tục đi lại giữa Quảng Bình - Hà Nội để theo dõi sát tình trạng ung thư của bản thân. Dù L. chưa hoàn toàn chiến thắng ung thư nhưng câu chuyện của cô gái trẻ đã giúp nhiều bệnh nhân có thêm nghị lực, niềm tin để tiếp tục chiến đấu với bệnh tật.
Thúy Hạnh
Người đẹp, tiến sĩ gửi trứng để dành chờ sinh con
Rất nhiều phụ nữ xinh đẹp, thành đạt chưa có ý định kết hôn quyết định gửi trứng để dành… chờ thời điểm thích hợp sinh con.