Điều duy nhất về mẹ
Từ TP Toulouse (miền Nam nước Pháp), Colomba Thanh (25 tuổi, sinh viên) bày tỏ khát khao tìm kiếm người mẹ Việt, vì cô biết "nếu không bây giờ hoặc sẽ không bao giờ". Những gì Colomba biết về nguồn gốc của mình, gói gọn trong tờ giấy khai sinh và biên bản trẻ bị bỏ rơi.
Cô gái Pháp có tên khai sinh là Trần Thị Thanh, sinh ngày 13/7/1998, tại Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM). Phần thông tin về cha mẹ trong giấy khai sinh bị bỏ trống. Nhiều giấy tờ chưa chính thống cho biết Thanh còn có hai anh trai.
Theo biên bản trẻ bị bỏ rơi, mẹ ruột của Thanh là bà Trần Thị Hoa, được xác định đã bỏ rơi con tại bệnh viện. Đứa trẻ được đưa đến Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình (TP.HCM), trước khi được một cặp vợ chồng người Pháp nhận nuôi.
Năm 1998, ông Didier (39 tuổi) và bà Christine (38 tuổi) đã đến Việt Nam gửi hồ sơ tới một số trại trẻ mồ côi. Họ mong muốn nhận nuôi một bé trai người Việt, bởi 5 năm trước đã hạ sinh một bé gái.
Sau một tuần, cặp vợ chồng quyết định đón Thanh về nhà, trái với ý định ban đầu. Họ ở lại Việt Nam trong hai tháng chờ làm các thủ tục đưa con gái nuôi về Pháp.
"Từ lúc nhận thức được, tôi luôn biết mình không phải con đẻ của bố mẹ bởi sự khác biệt về ngoại hình giữa hai chị em", Thanh nói, miêu tả mái tóc đen, thẳng của mình không giống với bộ tóc vàng, xoăn của chị gái.
Tính cách hai chị em cũng trái ngược nhau. Thanh điềm tĩnh và hướng nội, trong khi chị gái vô cùng năng động. Tuy nhiên, điều này không thể ngăn cản họ yêu thương và quan tâm nhau.
"Được một gia đình người Pháp nhận nuôi, tôi đã chịu đựng sự phân biệt từ khi còn nhỏ. Ngay cả hiện tại, tôi vẫn thường nghĩ rằng mọi người không coi tôi là một phụ nữ Pháp, vì tôi không phải người da trắng", Thanh tâm sự.
Sống trong tình thương của bố mẹ nuôi, nhưng cô gái gốc Việt chưa bao giờ thôi trăn trở về nguồn gốc của mình. Cô mong muốn biết bố mẹ ruột của mình là ai. Điều này càng trỗi dậy mãnh liệt khi cô đủ trưởng thành để quyết định cuộc đời mình.
"Dù tôi được sinh ra từ bất cứ hoàn cảnh nào, tôi vẫn muốn biết sự thật", Thanh nói.
Cô gái 25 tuổi đã làm nhiều cách để tìm kiếm mẹ ruột, nhờ một số người bạn Việt Nam đăng tải thông tin lên các trang mạng xã hội, nhưng chưa có kết quả. Điều duy nhất cô biết về mẹ mình, chỉ là cái tên Trần Thị Hoa.
"Các giấy tờ không thống nhất về tên người mẹ, nên tôi không biết cái tên đó có chính xác hay không?", cô kể.
Hành trình gian nan nhưng không bỏ cuộc
Colomba Thanh quen biết chị Phan Thị Quỳnh Liên (27 tuổi, sống và học tập tại Pháp) thông qua một sự kiện. Họ kết thân với nhau từ những cuộc nói chuyện về văn hóa, lễ Tết và con người Việt Nam.
Biết Thanh đang tìm kiếm mẹ ruột người Việt, Liên đã hỗ trợ đăng bài lên hội sinh viên Việt Nam tại Pháp, hy vọng câu chuyện được quan tâm và lan tỏa. Hai cô gái thừa nhận đã gặp nhiều khó khăn, vì thông tin người mẹ rất ít và không chắc chắn.
"Chúng tôi cũng đã liên hệ với một YouTuber người Việt thường giúp đỡ tìm kiếm gia đình cho các con nuôi người Pháp. Anh ấy bảo rằng những bà mẹ bỏ rơi con thường khai tên giả, nên chỉ dựa vào tên người mẹ thì hy vọng rất mong manh", Liên nói.
Video về trường hợp của Colomba Thanh sau đó được đăng tải lên YouTube, một người phụ nữ tự nhận là dì đã liên hệ với cô, song thông tin không trùng khớp. Thanh buồn, nhưng nghĩ đến người bạn gốc Việt khác đã tìm thấy mẹ bằng cách liên hệ với bác sĩ sản khoa, cô lại có thêm động lực để tiếp tục hành trình gian nan này.
"Tôi không oán hận mẹ mà luôn tôn trọng mọi quyết định của bà. Tôi chỉ muốn biết vì sao mình bị bỏ rơi, phải chăng lúc đó mẹ không còn lựa chọn nào khác mà đau khổ bỏ rơi tôi hay không?", Thanh tâm sự.
Tháng 7 tới, cô sẽ về Việt Nam, lần đầu tiên kể từ khi được bố mẹ Pháp nhận nuôi. Cô gái trẻ thực sự muốn biết quê hương của mình trông như thế nào, 3 miền Bắc - Trung - Nam đặc biệt ra sao, từ đó hiểu hơn về văn hóa và con người Việt Nam.
Nhân chuyến đi này, Thanh cũng dự định sưu tầm hình ảnh, tư liệu, để tổ chức một triển lãm nhỏ khi quay lại Pháp.
Cô chia sẻ đang học tiếng Việt, để ngày gặp mẹ, có thể nói với bà: "Mẹ thân mến, con đã sống thật hạnh phúc và khỏe mạnh tại Pháp. Con không trách, càng không oán giận, mà luôn nghĩ về mẹ mỗi ngày".
"Tôi hy vọng có một phép màu để Colomba gặp lại mẹ. Cô ấy rất muốn biết mẹ hiện sống ra sao, cũng như muốn bà ấy biết mình đang rất hạnh phúc với cuộc sống hiện tại, bên gia đình bố mẹ nuôi", Liên gửi gắm.
Theo Dân trí