Cũng như những đứa trẻ bị bỏ rơi ở khoa Sơ sinh - bệnh viện Từ Dũ cách đây nhiều năm, cô gái Kim Mai Maurier (SN 1996 - quốc tịch Pháp) luôn mong ngóng tìm được mẹ ruột.
Cô gái 9x nghẹn ngào chia sẻ, theo tờ khai lúc nhập viện, mẹ cô khi đó mới 18 tuổi, tên Lương Thị Cúc. Không biết do hoàn cảnh hay vì nguyên nhân nào đó, bà bỏ con gái lại bệnh viện.
Bé gái sau đó được chuyển về Trung tâm nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em Tam Bình (Thủ Đức, TP.HCM). Tại đây, giám đốc trung tâm đặt cho cô cái tên Lương Thị Cúc Mai.
Tháng 8/1996, Cúc Mai được bà Marcelle Maurier (quốc tịch Pháp) nhận nuôi và đưa về Pháp sống với cái tên mới: Kim Mai Maurier.
Giấy khai sinh của Kim Mai do giám đốc trung tâm làm |
Kim Mai tiết lộ, bà Marcelle có một tình yêu đặc biệt với Việt Nam và các nước Châu Á. Ngay từ khi con gái còn nhỏ, bà thường xuyên dạy con gái về văn hóa, phong tục tập quán của người Việt. 'Bà thường xuyên mua các món ăn chế biến sẵn tại quán ăn của người Việt Nam cho tôi ăn và kể cho tôi nghe những câu chuyện về Việt Nam’, cô mỉm cười nói.
‘Mẹ nuôi từng nói, chính tình yêu với Việt Nam đã thôi thúc bà nhận con nuôi người Việt nhưng vì bà là người độc thân nên việc nhận con khá khó khăn.
Những năm 1993, 1994, mẹ đến Việt Nam nhiều lần xin con nuôi, tuy nhiên đều không có kết quả. Tháng 5/1996, mẹ nuôi tôi tiếp tục đến TP.HCM một lần nữa.
Thời gian này, bà thuê phòng tại khách sạn nằm gần bệnh viện Từ Dũ ở đường Cống Quỳnh (Quận 1 , TP HCM), chờ đợi cơ hội xin con’, Kim Mai kể lại.
Biên bản được lập lúc Kim Mai bị mẹ ruột bỏ rơi |
Số phận đã mỉm cười với bà Marcelle Maurier khi người ta báo có bé gái sơ sinh bị bỏ rơi, đã được chuyển về trại trẻ mồ côi nuôi dưỡng. Bà lập tức đến đó, ngay từ giây phút đầu tiên nhìn bé gái đỏ hỏn, miệng chúm chím, bà Marcelle Maurier đã thấy nhen nhóm lên ngọn lửa của tình mẫu tử thiêng liêng. ‘Mẹ luôn bảo tôi là món quà ý nghĩa nhất cuộc đời bà’, Kim Mai kể tiếp.
Thủ tục nhận con nuôi của bà Marcelle Maurier nhanh chóng hoàn thiện. Trong thời gian chờ đợi giấy tờ, ngày nào bà cũng đến thăm Kim Mai trong cô nhi viện.
Ngày 7/8/1996 cô bé Kim Mai ngủ say trong vòng tay mẹ nuôi, lên máy bay rời quê hương. Kim Mai bộc bạch, mẹ nuôi chưa bao giờ giấu giếm gốc gác của cô. ‘Mẹ thừa nhận tôi là con nuôi ngay từ khi tôi còn nhỏ. Bà dành cho tôi sự quan tâm, chăm sóc tuyệt vời nhất. Tôi thật may mắn khi làm con của mẹ’.
Suốt thời thơ ấu, Kim Mai có cuộc sống êm đềm cùng mẹ nuôi và bà ngoại nuôi ở thị trấn nhỏ thuộc vùng Rhône-Alpes nước Pháp.
Kim Mai ngày nhỏ |
‘Cả thị trấn chỉ có tôi là người Châu Á duy nhất. Lớn hơn một chút, tôi bắt đầu thấy lạc lõng, thiếu tự tin khi ngoại hình khác với các bạn. Thế nhưng, bà ngoại và mẹ luôn ở bên, khích lệ tôi vượt qua tất cả.
Tôi và mẹ có thể tâm sự nhiều chuyện như hai người bạn. Bất cứ giai đoạn quan trọng nào của cuộc đời, tôi đều có mẹ song hành. Tôi thực sự biết ơn vì những gì bà dành cho mình’, cô gái gốc Việt tự hào kể.
Vẫn theo lời Kim Mai, khoảng 15 tuổi, cô rời nhà và chuyển đến sống trong ký túc xá trường cấp ba. Mỗi tuần cô về thăm mẹ 2 lần.
Khi chuyển lên thành phố học đại học, mỗi tháng cô chỉ về thăm mẹ được 2 lần/ 1 tháng. Tốt nghiệp đại học, Kim Mai tiếp tục theo đuổi việc học, chuyển đến nơi cách nhà mẹ nuôi khoảng 300 km nên cô ít về nhà.
Tuy nhiên, hai mẹ con thường xuyên gọi điện cho nhau, cuộc gọi nào mẹ nuôi đều hỏi han, nhắc Kim Mai ăn uống đầy đủ. Điều bà quan tâm nhất là sức khỏe của con gái.
Chia sẻ thêm về cuộc sống thường nhật bên Pháp, cô gái gốc Việt vui vẻ nói: 'Những khi rảnh rỗi, tôi gặp gỡ bạn bè, cùng họ đi chơi. Tôi đặc biệt có niềm đam mê với rượu, nghiên cứu các loại rượu. Đây cũng là chuyên ngành tôi theo đuổi. Tôi cũng có nhiều người bạn Châu Á, chúng tôi gặp nhau và bàn luận về văn hóa của các nước'.
Năm 2012, bà Marcelle Maurier đưa con gái về Việt Nam du lịch 14 ngày. Chuyến đi trải dài cả 3 miền đất nước: Bắc, Trung, Nam.Kể về hành trình tìm mẹ ruột, Kim Mai cho hay, chính mẹ nuôi là người khuyến khích cô làm điều đó.
Bà muốn Kim Mai trải nghiệm thực tế văn hóa của Tổ quốc - nơi cô sinh ra. ‘Kỳ nghỉ đó mang đến cho tôi nhiều cảm xúc đặc biệt. Có điều gì đó thật gần gũi, luôn thổn thức trong tôi. Dịp này, hai mẹ con cũng tranh thủ dò la tin tức về mẹ đẻ của tôi nhưng vô vọng’, Kim Mai xúc động chia sẻ.
Kim Mai thích các món ăn Việt Nam. |
Tiếp tục hành trình chưa biết bao giờ có hồi kết, đầu năm 2019, Kim Mai quyết định chọn Việt Nam trong lần trao đổi sinh viên của trường Burgundy School of Business với trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM để có cơ hội tìm kiếm mẹ. Những ngày mới sang Việt Nam học, mẹ nuôi đã đi cùng, sắp xếp chỗ ăn ở cho Kim Mai.
Để dành thời gian cho việc tìm mẹ đẻ, Kim Mai cố gắng hoàn thành chương trình học sớm hơn dự kiến vào tháng 4. Được biết, tháng 9 tới đây, cô sẽ hoàn thành việc học và nhận cùng lúc 2 tấm bằng thạc sĩ là thạc sĩ Quản lý rượu và thạc sĩ Quản lý.
Cô bắt đầu đi hỏi thăm thông tin mẹ đẻ vào tháng 5/2019. ‘Mặc dù được bạn bè Việt Nam hỗ trợ, đăng thông tin lên các diễn đàn, mạng xã hội, đến giờ tôi vẫn chưa nhận được tin tức nào về bà. Có lẽ, thông tin về mẹ đẻ tôi quá ít ỏi. Tôi cảm thấy buồn nhưng sẽ không bỏ cuộc. Tôi tin lúc nào đó sẽ tìm được mẹ ruột. Tôi muốn biết cuộc sống hiện nay của bà ra sao? Có hạnh phúc không?
Tôi đã tìm về cô nhi viện Tam Bình. Tuy nhiên, trung tâm cũ đã chuyển sang địa điểm khác. Hồ sơ lưu trữ ở trung tâm mới không có gì khác ngoài giấy xác nhận của bệnh viện và giấy khai sinh. Một số người làm ở trung tâm thập niên 90 (thế kỷ 20) đã nghỉ việc hoặc qua đời.
Những người năm đó ở bệnh viện như bác sĩ Lê Diễm Hương, nữ hộ sinh Nguyễn Thị Mười… tất cả đã về hưu. Tôi nghĩ rằng nếu tìm được họ, chưa chắc họ đã biết gì về mẹ tôi hoặc cung cấp cho tôi địa chỉ chính xác của bà’, cô gái 9x buồn rầu chia sẻ.
Hành trình tìm mẹ của Kim Mai nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của những người bạn Việt Nam. Hiện thời gian cô ở Việt Nam không còn nhiều, khoảng giữa tháng 6 tới cô sẽ về Pháp. Cô mong muốn, sau khi tốt nghiệp, sẽ trở lại đây làm việc, hi vọng có cơ hội tìm mẹ nhiều hơn.
‘Tôi chưa bao giờ giận mẹ đẻ, chưa bao giờ thắc mắc vì sao bà bỏ rơi tôi ở bệnh viện. Chắc chắn, bà có nỗi khổ tâm riêng. Ở tuổi 18, tôi nghĩ rằng không người phụ nữ nào có đủ khả năng về kinh tế nuôi con. Nghĩ đến cảnh bà vượt cạn một mình, không có người thân bên cạnh, tôi thực sự xót xa.
Dẫu sao, tôi đã có một cuộc sống hạnh phúc, có mẹ nuôi yêu thương hơn tất thảy. Tôi được hưởng nền giáo dục tốt. Nếu gặp mẹ đẻ, điều đầu tiên tôi muốn làm là cảm ơn bà đã sinh tôi ra và ôm bà thật chặt.
Tất nhiên, 23 năm thất lạc, giữa hai mẹ con không có ấn tượng nào nhưng tôi sẽ cố gắng tạo những kỷ niệm đẹp với mẹ. Tôi cũng muốn biết mình có anh chị em ruột nào không?’, cô gái gốc Việt nghẹn ngào nói.
Tôi được một phụ nữ người Pháp nhận nuôi. Thời điểm tôi sinh ra có bác sĩ Lê Diễm Hương (Trưởng khoa) và bà Nguyễn Thị Mười (y tá/ hộ sinh). Tôi muốn tìm lại cha mẹ ruột của mình. Nếu các bạn biết bất cứ thông tin hay manh mối gì, làm ơn cho tôi biết!"
Xin chân thành cảm ơn!
Mọi thông tin xin liên hệ theo Email: [email protected]
Chuyện tình buồn của cô chủ khách sạn Sài Gòn và đại gia nước ngoài
Kết hôn với người doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ nhưng hai người nhanh chóng chia tay. Chôn vùi nỗi đau, Thảo Nguyên trở thành mẹ đơn thân, dành thời gian chăm sóc con trai.
Huy Hùng