Phạm Hoài Thương, 29 tuổi, quê Nghệ An, hiện là phiên dịch viên tiếng Nhật đang sống tại Đà Lạt. Năm 2022, Thương đã đến 7 quốc gia và có hơn 10 chuyến du lịch khắp đất nước "để xả stress sau Covid-19".

Nhìn lại hành trình đi và trải nghiệm, Thương cảm thấy ấn tượng nhất với chuyến đi Mông Cổ hồi cuối tháng 11. Cô gái Việt đã trải qua đợt lạnh kỷ lục kể từ năm 1975 tại Mông Cổ, sống nửa tháng ở nơi "tuyết phủ dày như đắp chăn bông".

Hoài Thương chia sẻ về lí do tới Mông Cổ giữa mùa đông lạnh giá: "Tôi từng biết tới Mông Cổ là một thảo nguyên xanh, nơi có mùa hè và mùa thu đẹp vô cùng. Thế nhưng, khi lắng nghe câu chuyện của người bạn về mùa đông Mông Cổ, tôi bắt đầu tò mò: thảo nguyên Mông Cổ mùa đông có gì, trông ra sao?".

Ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Mông Cổ mở cửa du lịch trở lại, Hoài Thương tìm kiếm tour du lịch tới đây. "Tôi mất hai tháng để tìm được đủ thành viên tham gia tour tới Mông Cổ vì lâu nay, chẳng mấy ai mặn mà tới nơi này vào mùa đông. Khi lên đường, điều bất ngờ là nhóm có tới 14 thành viên", Thương kể.

Khi máy bay hạ cánh ở thủ đô Ulaanbaatar, màu sắc đầu tiên đập vào mắt Thương là màu trắng. Tuyết phủ trắng khắp thành phố, núi non, thảo nguyên. "Mông Cổ như một chiếc chăn bông khổng lồ", Thương nói. 

Người lái xe bản địa dặn dò rất kĩ nhóm du khách mặc thêm quần áo ấm trước khi bước ra khỏi sân bay. Con đường vào thành phố nằm giữa bốn bề tuyết trắng, dưới ánh hoàng hôn đỏ rực và... kẹt trong cảnh tắc đường.

Sau một đêm nghỉ ngơi ở khách sạn, Thương bắt đầu hành trình đi dọc miền Bắc đất nước, xuyên qua những thảo nguyên để ngắm tuyết: thủ đô Ulaanbaatar, thành phố Kharkhorin, tu viện Erdenezuu, núi lửa Khorgo, hồ trắng Terkh, thành phố Murun, làng tuần lộc, bộ lạc tuần lộc, hồ Khuvsgul, thành phố Erdenet.. Thương phải làm quen với cái lạnh khoảng -15 độ C. Cô trang bị "full giáp" với quần áo giữ nhiệt, miếng giữ nhiệt, quần áo phao, găng tay, khăn mũ, giày đi tuyết...

Những ngày tiếp theo, đoàn rời thành phố, các thị trấn - nơi có trang bị máy sưởi để tiến vào rừng Taiga nằm sát biên giới nước Nga. Ở đây, nhiều thời điểm, nhiệt độ chạm mức - 41 độ C.

Nơi đây có internet nhưng không có nước để tắm. Như người dân bản địa, Thương và các thành viên trong đoàn phải ra dòng sông đóng băng đào một hố nhỏ và múc nước từ đó lên. "Dù biết nước nhiều cặn nhưng đây là lựa chọn duy nhất", Thương nói.

Trong khu rừng có ngôi làng Tsagaan Nuur (làng tuần lộc). Thương cùng đoàn chỉ mất chừng 2 tiếng di chuyển. Nếu đi vào mùa hè, bộ lạc  di chuyển xa hơn về phía Bắc, nơi có thời tiết mát mẻ thích hợp với tuần lộc thì du khách cần đi 9 tiếng mới tìm tới nơi.

Tại ngôi làng này, Thương phải ngủ trong các ger (lều truyền thống). Để giữ ấm, đoàn đốt lửa trong lều cả ngày lẫn đêm. "Cứ bước ra ngoài 25-30 phút mọi người lại vội vã lao vào lều. Dù dán 5-10 miếng giữ nhiệt khắp chân, bụng, lưng nhưng vẫn rất khó thích nghi cái lạnh -41 độ C. Tôi cảm giác như bất cứ phần nào không được che chắn như tóc, lông mày, nước mũi... đều có thể đóng băng ngay khi rời lều", Thương nhớ lại.

Tại ngôi làng, Thương và đoàn du khách ăn uống cùng người bản địa với nhiều món địa phương. Người dân chủ yếu ăn bánh mì. "Khẩu vị món ăn không hợp lắm với chúng tôi. Thật may hướng dẫn viên mang theo gạo và nhờ người dân nấu giúp", Thương kể.

Thương ngồi bên dòng sông có 5km đầu nguồn không bị đóng băng trong cái lạnh -41 độ C

Zolo Zolkhuu, hướng dẫn viên địa phương 34 tuổi và từng du học tại Việt Nam cho biết, đây là thời điểm lạnh nhất tính từ năm 1975. Anh khá bất ngờ khi khác biệt lớn về thời tiết nhưng du khách Việt vẫn thích nghi tốt, không ai bị ốm. Trong đoàn có thành viên U60 tuổi nhưng vẫn hăng say khám phá.

Hoài Thương cảm thấy may mắn khi được đồng hành với người hướng dẫn viên tận tình, những thành viên đoàn đam mê du lịch và đặc biệt, cô ấn tượng với những tài xế trong đoàn. Họ có thể di chuyển giữa thảo nguyên tuyết trắng mà không cần nhìn bản đồ. Mỗi lái xe cũng là thợ sửa xe chuyên nghiệp. Giữa đường nếu xe bị hỏng, họ sẽ tự lấy đồ nghề ra và sửa.

Thương nhắn nhủ du khách khi tới Mông Cổ có thể chuẩn bị thêm nước tương, nước mắm, mì gói, tương ớt, đồ ăn nhẹ, viên rau củ và các loại vitamin. Ở đây, người dân chủ yếu ăn thịt bò, cừu, ngựa. "Tôi rất mê thịt bò nhưng ở Mông Cổ tới ngày thứ 8 là tôi không thể nạp thêm một miếng thịt bò nào nữa", Thương kể.

Chi phí chuyến đi nửa tháng vào khoảng 65 triệu đồng. Đây là chuyến đi dài nhất và khắc nghiệt nhất trong năm 2022 của Thương. Tuy nhiên, cô gái quê Nghệ An đã có những trải nghiệm vô giá. "Mông Cổ mùa đông xứng đáng xuất hiện trong danh sách nhất định ghé thăm một lần trong đời", Thương khẳng định. 

Ảnh: NVCC