Mùa hè năm 1999, cái tên "Cô gái Harvard" Lưu Diệc Đình trở nên nổi tiếng khắp Trung Quốc. Thậm chí cuốn sách cùng tên do cha mẹ cô viết đã trở thành “cơn sốt” và bán chạy toàn quốc.
Mới đây, những thông tin cập nhật về cuộc sống của Diệc Đình ở Mỹ lại được chia sẻ mạnh mẽ, một lần nữa làm dậy sóng mạng xã hội quốc gia tỷ dân. Cô gái lập tức trở thành tâm điểm của các cuộc tranh luận gay gắt.
Hình mẫu mọi phụ huynh áp dụng
Vào thời điểm những năm 90 của thế kỷ 20, không dễ để sinh viên Trung Quốc vào được các trường đại học danh tiếng như Harvard và Yale của Mỹ. Việc Lưu Diệc Đình đỗ vào đại học danh giá hàng đầu thế giới đã trở thành tâm điểm chú ý của toàn Trung Quốc, đặc biệt là các bậc phụ huynh, theo Tờ 163.
Cha mẹ cô cũng hiểu rõ mong muốn của các bậc phụ huynh Trung Quốc “mong con trai thành rồng” và “con gái thành phượng” nên đã xuất bản cuốn sách “Cô gái Harvard Lưu Diệc Đình” để giới thiệu con đường thành công của con gái. Cuốn sách này ngay lập tức đã trở thành cẩm nang “phải có” trên giá sách của các gia đình.
Theo đó, từ khi sinh con, mẹ của Diệc Đình, bà Lưu Duy Hoa, đã đọc rất nhiều sách nuôi dạy con, tự mình thực hành và ghi chép từng tý một.
Trong cuốn sách này, bà Lưu đã kể lại việc lên kế hoạch chi tiết về lịch trình của con gái mình. Ví dụ như con nên học bò ở tuổi nào, nên học đi ở tuổi nào, nên nói ở tuổi nào và nên học chữ ở tuổi nào. Bà Lưu đưa ra các con số để từ đó, mỗi phụ huynh có thể tự tính cho trường hợp của con mình. Lưu Duy Hoa cũng rèn luyện cho con 5 giác quan và xây dựng nhận thức trước khi đi ngủ.
Dưới sự huấn luyện của mẹ, cô bé Lưu Diệc Đình có thể lật người khi được 4 tháng tuổi và ngâm nga những lời bài hát đơn giản khi được 10 tháng tuổi. Khi lên 4 tuổi, Diệc Đình bắt đầu đi học mẫu giáo. Mẹ kể cho cô nghe những câu chuyện thiếu nhi Trung Quốc và nước ngoài mỗi ngày, đồng thời dạy kèm con vào cuối tuần. Ngoài ra, bà Lưu cũng đưa Diệc Đình ra ngoài trải nghiệm học tập ngoài trời và yêu cầu cô gái nhỏ làm việc nhà như rửa bát, quét dọn từ năm 5 tuổi.
Sau khi vào tiểu học, cha yêu cầu con gái viết nhật ký mỗi ngày. Tại lớp, thành tích của Diệc Đình luôn đứng nhất. Gia đình bà Lưu không ngừng yêu cầu con gái rèn luyện ý chí, thậm chí có phần cực đoan để con thấm nhuần rằng “việc học luôn là điều quan trọng nhất”.
Sau khi chuyển trường, Lưu Diệc Đình chỉ đứng thứ 17 trong kỳ thi và cha mẹ không hài lòng. Để rèn luyện sức chịu đựng của con, người cha dượng đã yêu cầu cô gái nhỏ nắm chặt một viên đá gồ ghề trong tay và giữ trong 15 phút, chịu đựng cơn đau thấu xương cho đến khi cô cảm thấy "những chiếc kim nhỏ nhảy múa trong lòng bàn tay". Hành động này, ngày nay bị quy kết có "xu hướng lạm dụng trẻ em", lại được coi là một hình mẫu giáo dục vào thời điểm đó tại Trung Quốc.
Chính nhiều bậc cha mẹ khác đã áp dụng phương pháp này với niềm tin rằng nếu con cái họ có thể chịu đựng được nhất định sẽ thành công như con gái họ Lưu.
Lời hứa kéo dài hơn 2 thập kỷ
Năm 1993, Lưu Diệc Đình tốt nghiệp tiểu học và được nhận vào trường trung học ngoại ngữ Thành Đô, nơi cô bắt đầu cuộc sống học đường kéo dài sáu năm.
Sau khi vượt qua kỳ thi tuyển sinh cấp 3, Diệc Đình được nhận vào Trường Trung học Ngoại ngữ Thành Đô như ý nguyện. Năm 1997, trường chỉ có một hạn ngạch trao đổi sinh viên tại Mỹ và Diệc Đình đã xuất sắc giành được. Cô khẳng định bản thân sẽ quay lại Trung Quốc khi nhận được rất nhiều câu hỏi có về nước.
Sau kỳ trao đổi kết thúc, Diệc Đình đã không ngần ngại nộp đơn học thạc sỹ vào Đại học Harvard, Đại học Columbia, Cao đẳng Wellesley và Đại học Monterey với kết quả được nhận vào 4 trường đại học cùng một lúc. Nữ sinh đã chọn “bến đỗ” Harvard với chuyên ngành toán ứng dụng và kinh tế.
Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, Lưu Diệc Đình đã không chọn tiếp tục học hay quay trở lại Trung Quốc. Cô quyết định ở lại Mỹ và gia nhập Tập đoàn tư vấn Boston. Sau đó, Diệc Đình kết hôn với bạn trai người Mỹ, nhận được thẻ xanh và trở thành công dân của xứ cờ hoa.
Vào thời điểm đó, dư luận Trung Quốc rất bức xúc vì điều này, cho rằng Diệc Đình quá nổi tiếng ở Trung Quốc và được hưởng nhiều nguồn lực cũng như cơ hội học tập trong nước. Trước khi ra nước ngoài, cô từng hứa về nước cống hiến. Tuy vậy, nhiều người cho rằng nên tôn trọng quyết định cá nhân và đáng tiếc cho sự mất mát nhân tài.
Sau đó, Lưu Diệc Đình gia nhập bộ phận phát triển chiến lược của PepsiCo, rồi khởi nghiệp thành lập một công ty quản lý quỹ Coalhood Partners tập trung vào đầu tư chứng khoán Trung Quốc. Năm 2016, cô trở thành giám đốc điều hành tại công ty quản lý đầu tư Coalhood Partners.
Hiện tại, Diệc Đình đang hợp tác để mở công ty Hui En Capital, nhằm cung cấp vốn Trung Quốc cho các kênh đầu tư tại Mỹ.
Mới đây, trên mạng xã hội đại lục, một số người bày tỏ sự thất vọng khi thấy Lưu Diệc Đình chỉ có thể trở thành “tầng lớp trung lưu bình thường ở Mỹ”, trái ngược với kỳ vọng của họ rằng cô sẽ đạt được những thành tựu và đóng góp lớn hơn.
Tuy nhiên, một người dùng mạng xã hội Weibo cho rằng “thành công không phải là vào được những trường đại học hàng đầu và kiếm được nhiều tiền. Thành công là quyền được tự do là chính mình và sống một cuộc sống hạnh phúc và bình yên”, theo The South China Morning Post. Bên cạnh đó, không ít cư dân mạng vẫn nhắc lại việc cô “nuốt lời” và “quên đi nguồn cội”.
Được biết, giai đoạn 1978-2021, Trung Quốc đã gửi 8 triệu sinh viên ra nước ngoài học tập và 5,5 triệu sinh viên trở về nước sau khi tốt nghiệp.
Với tỷ lệ thất nghiệp hiện tại ở nhóm tuổi 16-24 ở mức cao nhất mọi thời đại, các sinh viên đi du học trở về nước sẽ được gọi là “Hải Dai” (rùa biển trở về). Tuy nhiên, những tấm bằng tốt nghiệp ở nước ngoài hiện nay không còn là “tấm vé vàng” thông hành với những người tìm việc tại Trung Quốc.
Tử Huy