Đam mê du lịch cộng đồng
Tốt nghiệp ngành Việt Nam học tại trường Đại học Sài Gòn, năm 2014, chị Kiều về lại Quảng Ngãi làm việc cho một khách sạn trên địa bàn.
Một năm sau, chị chuyển công việc sang một công ty làm về du lịch cộng đồng, đây cũng là nơi khởi nguồn cho thành công của người con gái xứ Quảng này.
“Lúc đó tôi khá may mắn khi gặp được công ty hiện tại, lãnh đạo công ty đang nghiên cứu về di sản, công viên địa chất để mong muốn Quảng Ngãi có một di sản thế giới.
Với lòng mong muốn mang những gì mình học được áp dụng vào đời sống, cùng với đam mê với du lịch cộng đồng nên tôi như cá gặp nước vậy”, chị Kiều tâm sự.
Năm 2017, chị Kiều may mắn có chuyến đi cùng công ty tại không gian văn hóa Sa Huỳnh ở thị xã Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi). Ngang qua làng Gò Cỏ (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ) với hơn 100ha đất, chị bị mê hoặc vì nơi đây vẫn còn giữ được nét văn hóa cổ xưa.
Chị kể, nơi đây hội đủ tất cả những gì cần có để làm cộng đồng du lịch, có rừng, ghềnh đá, biển, có làng cổ Chăm. Cộng đồng người dân ở đây còn nguyên bản.
Người con gái xứ Quảng nhớ lại: “Họ không bị ảnh hưởng nhiều bởi nền công nghiệp hiện đại, nếu muốn vào làng phải đi bộ, tường rào bằng đá, nhà cũng được làm đơn sơ, mọi thứ hoàn hảo cho dự định phát triển làng du lịch nơi đây”.
Những “viên gạch” khởi nguồn
Tìm được địa điểm ưng ý, được công ty hỗ trợ, Kiều bắt tay vào làm cùng người dân để xây dựng một ngôi làng du lịch. Kể từ đó, hàng tá khó khăn bắt đầu đến với chị. Điều Kiều phải đối mặt đầu tiên, đó chính là việc khiến người trong làng tin tưởng và tham gia với mình.
“Khi tôi đến đây toàn người già và trẻ nhỏ, thanh niên trai tráng đều rời quê đi làm ăn xa. Ai cũng bảo ở đây chết không có người khiêng thì du lịch cái gì. Lúc đó, mọi người trong làng không ai tin rằng chính nơi đây, sau này sẽ là địa điểm du lịch được nhiều người quan tâm.
Công ty tôi tài trợ 4 chuyến đi cho người dân trong làng đến TP Hội An và đảo Cù Lao Chàm. Đặc biệt ở Cù Lao Chàm, đây là địa điểm có thổ nhưỡng, thiên nhiên, địa hình rất giống với Gò Cỏ. Chúng tôi đưa họ ra đây, trò chuyện với người dân bản địa, chia sẻ kiến thức làm du lịch. Thế là mọi người trong làng rất hào hứng và quyết tâm theo chúng tôi”, chị Kiều cười và nói.
Bắt tay vào công việc, chị Kiều cùng ăn, cùng ở với người dân 2 năm đằng đẵng tại nơi người ta gọi “khỉ ho, cò gáy” này. Bước đầu, chị thành lập những nhóm cộng đồng để tìm những điểm mạnh của chính nơi mình có.
Sau đó, phân chia thành từng nhóm năng lực: Ai giỏi nấu ăn cho về một nhóm, ai thành thạo thuyền nan cho về một nhóm... Ban ngày người dân đi làm, tối về họp với chị để bàn phương án. Chị vận động bà con thành lập Hợp tác xã du lịch cộng đồng và được mọi người bầu làm giám đốc.
Xây dựng làng du lịch từ điều nhỏ nhặt nhất, chị đi đến từng nhà, “bắt tay, chỉ việc” cho từng người về cách nói chuyện với khách như nào, cung đường khách đi ra làm sao, trong nhà sẽ trang trí gì?...
Đoàn khách đầu tiên
Sau thời gian dài, cộng đồng du lịch làng Gò Cỏ được hình thành với các dịch vụ homstay, ăn uống, đi thuyền, hướng dẫn viên tại điểm và 4 dịch vụ trải nghiệm: nấu ăn, làm nông dân, trò chơi dân gian, đan lưới. Mỗi nhà, mỗi người tham gia hợp tác xã có một công việc và có từng quy chế khác nhau.
Chị Kiều tiếp lời: “Nhiều quy chế rất hay mà những người dân ở đây tự đặt ra như, anh phải là người bản địa, hoặc ít nhất phải 3 đời ở đó mới được tham gia tổ dịch vụ, không nhận tiền tip của khách…”.
Dày công xây dựng, đặt những viên gạch đầu tiên trên làng Gò Cỏ, đến năm 2019, quả ngọt đầu tiên đến với chị và người dân nơi đây - đoàn khách đầu tiên đến với làng.
Đó cũng chính là kỷ niệm chị nhớ nhất đến tận bây giờ, đoàn khách đó khoảng 20 bạn sinh viên từ các nước Nhật Bản, Mỹ, Anh, Nepal và Việt Nam đến du lịch học tập.
“Lúc đó ai cũng hồi hộp vì không biết khách có ở nhà mình. Không biết lần đầu phục vụ liệu có tốt.
Nhưng điều không tưởng là du khách cực kỳ thích thú với tour đó, họ cùng ăn, cùng ở, quét sân, rửa chén bát, sống và trải nghiệm cùng người dân gần 1 tuần liền”, chị Kiều nhớ lại.
Khi chia tay, người dân dùng xe máy, chở đoàn khách đó ra đến đường quốc lộ cách làng 2km: “Thấy thương quá, giữa trời nắng như vậy mà mọi người đứng khóc vì nhóm sinh viên đó thân thương quá. Kỷ niệm đó làm tôi nhớ mãi đến bây giờ”.
“Ngôi làng hạnh phúc”
Kể từ đó, người làng Gò Cỏ bắt đầu làm du lịch, trước đây, người dân chủ yếu đánh bắt cá, bữa có bữa không nhưng đến bây giờ, mọi thứ dần ổn định khi mỗi chuyến thuyền 30 phút, người làm dịch vụ đã có 300.000 đồng.
Ngôi làng Gò Cỏ giờ đây được định hướng là “ngôi làng hạnh phúc”. Người làng mong muốn giữ lại nét nguyên sơ, một số gia đình đã bắt đầu xây dựng từ nhà cấp 4 chuyển sang nhà tranh, vách đất đủ tiện nghi để đón tiếp du khách đến trải nghiệm.
Trong làng sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, cảnh quan có cây bản địa. Từ đầu đến cuối làng chỉ hoa giấy, vật liệu bỏ đi được tái chế trang trí nhà cửa cho khách ngồi ăn uống, tham quan.
Du khách khắp cả nước đến chiêm ngưỡng nơi đây, cùng với đó là những người đến học tập cùng cộng đồng.
Sau khi giúp người dân thay đổi cuộc sống, chị Kiều đang nghĩ đến câu chuyện rời làng: “Tôi và cộng sự sẽ rời làng, để lại cho người dân tự quản lý. Tìm một vùng đất mới, một hướng phát triển du lịch nông thôn mới để khơi dậy nội lực du lịch cộng đồng nơi đó. Giúp người dân có một cuộc sống tốt đẹp hơn hiện tại”.
Bán hết tài sản để du lịch vòng quanh thế giới
Cô giáo mầm non bị cảnh sát bắt, phía sau là chuyện giật mình
Cuộc sống ở Nepal của cô gái Quảng Trị: Tôi hạnh phúc hơn, đơn giản hơn