{keywords}
Dương Thùy Dung (biệt danh Làn), 24 tuổi, người sở hữu blog Tivi của bố, được nhiều người trẻ yêu mến.

Dương Thùy Dung, 24 tuổi, tự miêu tả mình là một người đam mê kể chuyện nhảm. Dung lập ra các trang blog chỉ để kể chuyện nhảm của mình và của mọi người. Hiện, chuyện của cô có tới nửa triệu người muốn đọc.

Đâu đó có người nói rằng: Nếu muốn biết người trẻ nghĩ gì, hãy xem họ đọc gì. Nếu theo cách định nghĩa ấy, Dung có thể được ghi tên vào danh sách những người viết đang được nhiều người trẻ yêu mến nhất.

Chuyện Dung viết đúng là… nhảm. Cô viết giống như một người kể chuyện rất có duyên. Dung viết như nói - thủ thỉ, xúc cảm và có lý lẽ riêng. Cô không viết như các KOL. Cô kể những câu chuyện xung quanh mình, hầu hết chẳng thời sự, chẳng giật gân, cũng chẳng khiến người ta bật cười khoái chí. Nhưng khi có tới gần nửa triệu người “follow”, ngoài sự hấp dẫn – đương nhiên, blog của Dung có rất nhiều chất riêng.

Những mẩu chuyện nhỏ của cô luôn gửi gắm một lời nhắn nhủ. Nó có thể được ví như một dấu ngắt nghỉ khiến người đọc phải dừng lại một chút, lắng lại một chút, sống chậm lại một chút giữa guồng quay bộn bề của cuộc sống hiện đại. 

Những người theo dõi blog của Dung rõ ràng là để được nghe cô kể chuyện, không phải vì bất cứ lý do nào khác. Dung không phải “hot girl”, không phải một ai đó có vị trí đặc biệt trong xã hội. Dung chỉ là một cô gái 24 tuổi, quê Thái Nguyên, tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh nhưng chưa từng hứng thú với việc kiếm nhiều tiền.

Kể về mình, cô gái sinh năm 1997 tiết lộ, “thi tốt nghiệp phổ thông, em được có 3 điểm môn Văn”. Dung từng là học sinh giỏi Toán, từng được giải tỉnh, giải huyện. 3 điểm môn Văn ấy, theo Dung lý giải, là vì không học. Nhưng không phải vì thế mà cô tự ti về khả năng viết lách của mình. “Em có cái tôi cao. Em luôn tin là mình làm được, vì thế mà nhiều lúc hơi liều”.

{keywords}
Dung tự nhận mình là người đam mê kể chuyện nhảm.

Học đến năm thứ 2 ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội), Dung nhận ra mình không hợp với ngành này. Cô thích đi dạy, thế là Dung đi làm gia sư kiếm tiền. Cô đặt mục tiêu mỗi tháng kiếm được 5 triệu đồng. Ra trường, cô xin bố mẹ cho “gap year” - nghỉ 1 năm trước khi đi làm. Ai ngờ 1 năm ấy kéo dài đến tận bây giờ.

Số tiền tiết kiệm từ việc đi gia sư không hề nhỏ với một cô gái mới ra trường nhưng lại tan biến rất nhanh. Bởi vì, cô đâu chịu “gap year” theo kiểu ngồi yên một chỗ. Dung đi du lịch bụi khắp nơi. Cô dùng tiền ấy đổ vào một thương vụ kinh doanh và thu lãi 2,5 triệu đồng sau 2 tháng mướt mồ hôi.

“Em vừa đi chơi vừa làm tự do đủ thứ. Tiền em không có nhiều nhưng lúc nào cũng có, vì thế mà không áp lực chuyện phải kiếm tiền”.

Áp lực lớn nhất lúc ấy tới từ bố mẹ. Bởi bố mẹ ở quê phải chịu áp lực từ hàng xóm, họ hàng. Ai cũng hỏi thăm: Ngày xưa học giỏi thế, bây giờ ra trường đi làm ở đâu, lương bao nhiêu…

Hai tháng sau khi tốt nghiệp, trong một lần dắt chiếc xe đạp hết điện cùng cô bạn về nhà, bỗng dưng hai đứa nghĩ mình phải làm một cái gì đó. "Tivi của bố" ra đời theo cách ấy.

Ý tưởng ban đầu của 2 cô gái là kể chuyện về bố, bởi vì kể về mẹ thì đã có quá nhiều người làm rồi.

Sau 2 tuần, Dung cạn ý tưởng. Cô bạn cũng nản chí, bỏ cuộc. Về quê, bố cô gào lên: “Không viết nữa, xấu hổ lắm”. Thế là Dung chuyển sang viết về mẹ, về bà, về em gái, rồi gặp chuyện gì viết chuyện nấy. Cô viết về mọi thứ xung quanh mình.

Dung bảo, có lẽ khởi nguồn cho đam mê viết lách này nhen nhóm từ những ngày tham gia câu lạc bộ Kịch ở trường đại học. Cô nhận thấy mình thích “lèo lái” cảm xúc của người khác. Thế rồi, chuyện viết đến với cô một cách tự nhiên.

“Những câu chuyện em viết đều là chuyện thật đến 90%. Phần còn lại, nếu không thật là do phải biến tấu để không ảnh hưởng tới cuộc sống của những người mình nhắc đến. Bởi vì em cũng ý thức được sức lan tỏa của trang”.

Bây giờ thì chuyện cạn ý tưởng gần như không còn xuất hiện nữa, bởi vì chính những trải nghiệm, những con người mà cô gặp mỗi ngày là nguồn cảm hứng phong phú cho những trang viết.

{keywords}
Dung trong câu lạc bộ Kịch khi còn là sinh viên

Sở dĩ nói Dung chưa hứng thú với việc kiếm nhiều tiền là vì với độ lan tỏa của blog, cô đã nhận được không ít những lời mời hợp tác, đặt bài quảng cáo. Nhưng cô nhận lời rất ít trong số đó vì không muốn mất “chất” nội dung của trang.

Hiện tại, Dung sống bằng nghề làm nội dung, nhưng với cô gái 24 tuổi tự nhận là không có nhu cầu gì nhiều, lại ăn ít, sống tối giản nên nhu cầu kiếm tiền không cao. Mức thu nhập 5 triệu đồng/ tháng nhiều khi cũng không khiến Dung cảm thấy khó khăn với cuộc sống của một “freelancer” (người làm tự do).

Tuy vậy, khi nói về chuyện “theo đuổi đam mê”, cô gái này vẫn rất tỉnh táo cho rằng: Theo đuổi đam mê cần có tiền, không nhiều nhưng phải đủ sống. Dung nhớ lại năm đầu “gap year” đã phải “vật lộn” như thế nào. Có những đêm cô nằm khóc một mình rồi tự hỏi “Sao mình lại phải khổ thế này?”.

Lúc ấy, nhiều nơi đề nghị cô những vị trí ổn định với mức thu nhập 12-14 triệu đồng/tháng - không tệ với một sinh viên vừa mới ra trường. Nhưng cô vẫn quyết chọn cho mình con đường riêng mà cô nói rằng chỉ có mình mới biết được nó có đáng để “liều” hay không.

Nguyễn Thảo

Ảnh: NVCC

9X lập dàn nhạc giao hưởng 'có một không hai' ở Việt Nam

9X lập dàn nhạc giao hưởng 'có một không hai' ở Việt Nam

Sáng kiến về một dàn nhạc giao hưởng “có một không hai” ở Việt Nam đã giúp những nghệ sĩ khuyết tật vốn chỉ biểu diễn nơi đường phố có cơ hội được đứng trên những sân khấu lớn giống như bất cứ nghệ sĩ chuyên nghiệp nào.