Lâm Hy bắt đầu công việc tháo điện thoại cũ vào 2 năm trước. Ban đầu, cô đăng tải một đoạn video tháo, thiết kế và đóng khung cho chiếc iPhone 4 và bất ngờ nhận về hơn 200 đơn đặt hàng. Kể từ đó, cô coi đây là công việc chính của mình và làm với tất cả đam mê.
Lâm Hy luôn nhận được những chiếc điện thoại đặc biệt. Đó có thể là chiếc iPhone nguyên bản do Steve Jobs thiết kế, chiếc "Pocket" nguyên bản của Sony đã ngừng sản xuất hoặc chiếc "Big Brother" của Motorola được sản xuất vào những năm 1970. Đằng sau mỗi chiếc điện thoại là một câu chuyện đặc biệt.
Đó có thể là chiếc điện thoại thực hiện cuộc gọi cuối cùng với mẹ trước khi qua đời. Hoặc là chiếc iPhone 6 kỷ vật, chứng kiến tình yêu 10 năm của hai vợ chồng...
Những chiếc điện thoại cũ này thực sự có ý nghĩa với mỗi khách hàng. Họ hi vọng Lâm Hy có thể tháo chúng và đóng khung để lưu giữ kỉ niệm.
Đối với Lâm Hy, công việc cô đang làm thực sự ý nghĩa. Nó mang theo những cảm xúc vô hình không thể chạm tới bởi những câu chuyện xung quanh những chiếc điện thoại cũ. Trên con đường này, Lâm Hy đã đạt được những kết quả của riêng mình.
Với nỗ lực nhiều năm, doanh thu của cô đạt hơn 3 triệu tệ vào năm ngoái (hơn 10 tỷ đồng). Điều đó cho thấy Lâm Hy là một cô gái tự lập, có tầm nhìn xa, dũng cảm khi quyết định chọn công việc này. Bàn làm việc của cô luôn đầy dụng cụ, tuốc nơ vít và nhíp để tháo điện thoại di động.
Công việc của cô chính là tháo các thiết bị trong chiếc điện thoại di động cũ, sau đó kết hợp, thiết kế lại các bộ phận và gắn chúng thành các tác phẩm nghệ thuật. Nhờ vậy, những chiếc điện thoại cũ được "sống" theo một cách khác.
Ngoài điện thoại, cô cũng nhận các đơn hàng như máy tính, máy chơi game, huy chương quân sự, bàn chải đánh răng điện... và các sản phẩm điện tử khác.
Khi nhận sản phẩm, Lâm Hy cần xác nhận với khách hàng các bộ phận có thể tháo rời, sau đó làm sạch và bảo quản chúng. Trước khi đóng khung, cô cũng sẽ tìm hiểu kỹ về lịch sử đằng sau mỗi kiểu máy và các thông tin như: thời điểm ra mắt, loại chíp... Những thông tin này sẽ được ghi chú bên cạnh các bộ phận trong phần giới thiệu ngắn.
Cô phải dành 5 đến 15 ngày để nghiên cứu khi nhận các sản phẩm quá lâu đời, có ít thông tin. Sau khâu chuẩn bị, Lâm Hy sẽ tiến hành thiết kế.
Cô chuẩn bị một tờ giấy trắng, đặt các bộ phận của chiếc điện thoại di động sang một bên và vẽ một bản phác thảo theo hình dạng và kích thước của các bộ phận đó. Sau khi bản thảo được vẽ xong, cô sẽ gửi đến khách hàng để xem có họ yêu cầu gì khác.
Mỗi câu chuyện khách hàng kể sẽ là nguồn cảm hứng cho thiết kế của cô. Có người gửi cho cô một bức ảnh tập thể chụp hơn 10 năm trước, có người hi vọng cô có thể lồng logo trò chơi yêu thích của họ vào khung hình.
Theo Lâm Hy, chi phí tháo dỡ, thiết kế cho một chiếc điện thoại di động cũ dao động từ 300 tệ (hơn 1 triệu đồng). Các sản phẩm phức tạp hơn sẽ có giá khoảng 1000 tệ (khoảng 3,5 triệu đồng).
Giá đắt nhất cho một chiếc điện thoại di động cô từng làm 2 năm trước là 3000 tệ (hơn 10 triệu đồng) nhưng hiện nay, con số ấy đã tăng lên gấp 10 lần.
Từ năm 2020 đến nay, hoạt động kinh doanh này của Lâm Hy ngày càng được mở rộng. Năm 2021, cô mở được studio riêng. Mỗi năm nhờ công việc này, cô thu về gần 3 triệu tệ (hơn 10 tỷ đồng).
"Nếu bạn chỉ đến để học công nghệ, tôi sẵn sàng dạy bạn. Nhưng nếu bạn muốn bắt đầu kinh doanh như tôi, tôi khuyên bạn không nên làm điều đó", Lâm Hy nói.
Theo cô, nghề tháo điện thoại di động cần kết hợp giữa thiết kế, công nghệ và thẩm mỹ. Hơn cả, người làm công việc này phải có sự hiểu biết độc đáo về các sản phẩm kỹ thuật số. Đó là lý do khiến cô rất khó tuyển người cùng làm và các đơn hàng cô nhận phải khá lâu sau mới trả được khách hàng.
Theo The Paper