N.T.L (25 tuổi) là nhân viên văn phòng tại Hà Nội, có tiền sử bị trầm cảm cách đây 3 năm, đã điều trị ổn định nhưng không theo dõi lâu dài. Gần đây, L. xuất hiện các triệu chứng buồn bã, mất hứng thú trong công việc và các hoạt động thường ngày; khó ngủ, hay tỉnh giấc giữa đêm rồi thức luôn. 

Đặc biệt, cô than phiền rất nhiều về tình trạng suy giảm trí nhớ, hay quên, khó tập trung và cảm giác “đầu óc bị mù mờ”, không tiếp thu được khi đọc hoặc học điều gì mới, liên tục phải xin nghỉ phép vì không thể hoàn thành công việc, ngại đi làm.

Khi vào bệnh viện, L. tỏ ra rất lo sợ khi được khuyên dùng thuốc, đặc biệt sợ rằng thuốc sẽ làm đầu óc càng đờ đẫn, trí nhớ suy giảm hơn, thậm chí “có thể mất trí”. 

"Trí nhớ hiện tại đã rất kém, tôi không muốn dùng thuốc làm tình hình tệ hơn", L. nói.

Bác sĩ Nguyễn Viết Chung - Trưởng khoa Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện E (Hà Nội) cho biết, ông đã giải thích kỹ việc kết hợp trị liệu tâm lý và thuốc sẽ giúp cải thiện nhanh, triệt để và bền vững hơn. Bệnh nhân và gia đình chấp thuận điều trị.

L. bắt đầu được điều trị thuốc theo dõi sát, kèm theo đó là hỗ trợ tâm lý ban đầu, tập trung vào giải thích và hướng dẫn kỹ năng kiểm soát cảm xúc luyện tập hằng ngày.

Ngày 9/4, bệnh nhân quay lại tái khám với tinh thần cải thiện rõ rệt, chủ động, vui vẻ hơn và cho biết cảm thấy “nhẹ đầu”, tỉnh táo rõ rệt. Khả năng tập trung và ghi nhớ được cải thiện vượt mong đợi, có thể đọc hiểu tài liệu chuyên môn, ghi nhớ thông tin, xử lý công việc tốt và không còn cảm giác mệt mỏi tinh thần khi làm việc. 

Bác sĩ Chung cho rằng đây là một trường hợp trầm cảm tái diễn với biểu hiện rối loạn nhận thức nổi bật (suy giảm trí nhớ, sự chú ý), khiến bệnh nhân hiểu lầm rằng mình đang có một vấn đề não thực thể hoặc tiến đến sa sút trí tuệ. Sau can thiệp điều trị đúng, bệnh nhân không chỉ cải thiện khí sắc mà trí nhớ và hiệu suất lao động cũng phục hồi tốt.

Trầm cảm là rối loạn tâm thần thường gặp, biểu hiện bằng cảm xúc buồn, mất quan tâm thích thú, giảm năng lượng, cảm giác tội lỗi hoặc đánh giá thấp bản thân, rối loạn giấc ngủ và ăn uống, kém tập trung. Bệnh kéo dài và tái diễn, làm ảnh hưởng đến cuộc sống và chức năng của người bệnh.

Dấu hiệu nhận biết rối loạn trầm cảm cần được can thiệp kịp thời như:

- Mất hứng thú hoặc sở thích trong các hoạt động

- Mất cảm giác ngon miệng, ăn ít hoặc sút cân

- Rối loạn giấc ngủ

- Rối loạn hoạt động tâm thần vận động

- Giảm sút năng lượng, khí sắc giảm

- Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi

- Khó suy nghĩ, tập trung hoặc ra quyết định

- Ngoài ra, bệnh nhân còn có ý tưởng hoặc có hành vi tự sát.