Phạm Lê Nguyệt Anh (22 tuổi), sinh viên năm cuối tại University of Sheffield (Anh quốc) vừa nhận được học bổng toàn phần tiến sĩ tại Pennsylvania State University (Mỹ). Trải qua quá trình chuẩn bị hồ sơ và tham gia phỏng vấn, Nguyệt Anh chia sẻ bí quyết giành được học bổng toàn phần tiến sĩ và cách khắc phục điểm yếu để tạo ấn tượng với ban tuyển sinh.
Phạm Lê Nguyệt Anh. Ảnh: NVCC |
Xác định bản thân đã sẵn sàng học tiến sĩ chưa?
Chương trình học tiến sĩ (PhD) thường kéo dài đến 5-6 năm, thậm chí là lâu hơn. Đối với các bạn nữ mong muốn học tiến sĩ thì nên lên kế hoạch sớm. Bản thân mình đã nghĩ tới sẽ học lên cao hơn từ khi quyết định đi du học. Năm 2 đại học, mình bắt đầu hoàn thiện hồ sơ chuẩn bị cho quá trình xin học bổng tiến sĩ.
Từng chứng kiến những khó khăn khi làm tiến sĩ của mẹ và các anh chị đi trước, thấu hiểu điều đó nhưng mình vẫn nuôi ý chí chinh phục hành trình gian nan này. Trong quá trình nghiên cứu, đôi khi sẽ thất bại, làm đi làm lại nhiều lần mới thu được kết quả vì vậy bạn cần sự kiên trì, chấp nhận khó khăn và cố gắng vượt qua.
Lựa chọn trường và đề tài nghiên cứu
Nếu xin học bổng đại học, lựa chọn học trường nào rất quan trọng thì hồ sơ xin học bổng tiến sĩ, hai yếu tố người hướng dẫn và đề tài nghiên cứu cần tìm hiểu đầu tiên. Sau khi chọn được chủ đề thấy hứng thú, mình thường tìm đọc những bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín. Dựa vào thông tin về các tác giả mình tiếp tục tra cứu trên web trường hoặc khoa để xem học có chương trình PhD không. Thông thường các trường thứ hạng cao ở Mỹ có hạn nộp hồ sơ xin học bổng là đầu hoặc giữa tháng 12, nên bạn cần chuẩn bị và đưa ra lựa chọn sớm.
Tại Anh và các nước châu Âu khi học lên tiến sĩ bạn xác định luôn lĩnh vực muốn nghiên cứu và phải liên hệ trực tiếp với giáo sư thực hiện đề tài đó. Riêng ở Mỹ, đa số chương trình sẽ cho phép bạn làm việc ở các lab khác nhau trước khi quyết định chọn thầy hướng dẫn và hướng đi chuyên sâu tập trung về mảng nào.
Bài luận
Trước khi viết bài luận, mình đã lập dàn ý chi tiết và trả lời cho các câu hỏi : Tại sao lại chọn lĩnh vực nghiên cứu này? Kinh nghiệm cá nhân và tại sao bạn nghĩ mình phù hợp đề tài này? Tại sao lại chọn trường này (có thể đề cập đến người hướng dẫn mình muốn làm cùng ở đây)? Tại sao lại muốn làm PhD và dự định sau làm PhD là gì? Các hoạt động ngoại khoá khác.
Tuỳ vào yêu cầu mỗi trường, mình lựa chọn nội dung đưa vào bài luận thể hiện cho ban tuyển sinh thấy mình thật sự “phù hợp” với trường, với dự án nghiên cứu đó. Trong bài luận cũng nên nói rõ bạn đạt được những gì từ kinh nghiệm nghiên cứu. Ví dụ như mình luôn nhấn mạnh việc thấu hiểu làm nghiên cứu không phải con đường bằng phẳng và luôn sẵn sàng đối mặt vượt qua điều đó.
Trong bài luận mình có đề cập về ngành học Microbiology và chủ đề quan tâm là kháng kháng sinh. Đây là một vấn đề nguy cấp đang diễn ra ở nhiều nước đang phát triển, bao gồm cả Việt Nam. Từ đó mình bày tỏ mong muốn được tham gia nghiên cứu, cùng chung tay giải quyết và ngăn chặn hiện tượng kháng kháng sinh đang diễn ra tại các nước nói chung, đặc biệt là Việt Nam nói riêng.
Sau khi viết xong bản nháp cho bài luận, bước không thể quên là nhờ người có kinh nghiệm, bạn bè hoặc thầy cô có chuyên môn nhận xét hộ. Nhờ những góp ý khách quan về bố cục, thông tin, văn phong diễn đạt,…sẽ giúp bài luận của bạn hoàn thiện hơn.
Thư giới thiệu
Thư giới thiệu là yếu tố khá quan trọng trong hồ sơ xin học bổng PhD. Bạn nên chọn người thật sự hiểu bạn và hướng nghiên cứu của bạn, họ sẽ viết được nhận xét được chi tiết hơn. Trong suốt quá trình học hoặc tham gia nghiên cứu hãy thể hiện cho giáo viên thấy những cố gắng, năng lực của bạn.
Mình may mắn có thầy hướng dẫn luôn sát sao trong quá trình học tập nên khi viết thư giới thiệu thầy nhận xét tỉ mỉ và đánh giá rất cụ thể. Thầy đã nhìn thấy được thế mạnh, khẳng định mình có năng lực thật sự chứ không phải nhận xét chung chung “Ồ em này chỉ là một trong những người nào đấy,..”. Vì vậy các bạn nên cố gắng, chủ động liên hệ với thầy cô sớm để hoàn thành đúng hạn nộp hồ sơ.
Duy trì điểm học tập (GPA) cao, tích cực tham gia ngoại khoá
Phạm Lê Nguyệt Anh giành học bổng toàn phần TS ở ĐH danh tiếng nước Mỹ khi chưa tốt nghiệp đại học. Ảnh: NVCC |
Điểm học tập được xem là một trong những yếu tố quan trọng đầu tiên tạo ấn tượng với ban tuyển sinh khi xét hồ sơ. Trong suốt ba năm học mình luôn cố gắng duy trì điểm GPA ở top đầu, đạt tuyệt đối 4.0. Nếu bạn không thật sự nổi trội về kinh nghiệm nghiên cứu thì điểm số GPA cao cũng là điểm nhấn gây ấn tượng ban đầu.
Tham gia hoạt động ngoại khoá cũng là cách làm nổi bật được cá tính của bản thân bên cạnh chuyện học hành, tạo sự khác biệt với ứng viên khác. Bạn không nên liệt kê, viết những cảm xúc xuông mà hãy gắn liền câu chuyện thật để tăng tính thuyết phục. Mình đã kể về trải nghiệm khi dạy học STEM cho các em học sinh ở Mỹ trong dự án Woman in STEM. Lý do mình tham gia hoạt động vì muốn ủng hộ sự có mặt của phụ nữ trong các ngành STEM (những ngành được cho là không dành cho phụ nữ).
Chuẩn bị cho phỏng vấn
Sau khi nộp hồ sơ trường ở Mỹ, mình nhận được email mời tham gia phỏng vấn bởi 3 giáo sư, mỗi người khoảng 30 phút và cuối cùng sẽ trao đổi với hội đồng tuyển sinh. Buổi phỏng vấn diễn ra rất thoải mái, thầy cô thường chia sẻ về những lĩnh vực họ nghiên cứu và hỏi mình lý do vì sao học PhD, dự định và hướng nghiên cứu trong tương lai như thế nào.
Thời gian cuối sẽ dành cho bạn đặt những câu hỏi, có thể là thông tin về lab, về người hướng dẫn hay các kế hoạch nghiên cứu,… Để ghi điểm cũng như tăng sự tương tác với người phỏng vấn, bạn nên tìm hiểu trước thông tin về giáo sư, những dự án họ tham gia. Từ đó bạn lựa chọn 2 - 3 câu hỏi phù hợp thể hiện sự quan tâm và chủ động của mình khi tham gia phỏng vấn.
Mình đã đọc rất kỹ về các nghiên cứu của giáo sư nên khi nói chuyện có khá nhiều chủ đề chung để cùng chia sẻ. Ngoài ra, kết thúc buổi phỏng vấn mình viết một email cảm ơn vì thầy, cô đã dành thời gian nói chuyện. Chính thầy giám đốc đào tạo đã phản hồi lại email và thông báo cho mình kết quả đỗ chương trình PhD tại Penn.
Ngọc Linh (ghi)
Huấn luyện viên Trường Teen ‘bật mí’ cách ôn SAT đạt điểm cao
Lê Minh Phương Uyên (1590/1600 SAT) cho rằng nên xây dựng một nền tảng tiếng anh vững chắc, lựa chọn kỳ thi chuẩn hóa và xây dựng chiến thuật phù hợp sẽ mang lại kết quả cao.