Lấy chồng và lập nghiệp tại cố đô Yangon từ năm 1990, chị Huỳnh Thị Ngọc Thanh tự hào nhận mình là cô dâu Việt đầu tiên tại Myanmar. Chị cũng chính là người đầu tiên quảng bá, phát triển tinh hoa ẩm thực Việt tại Myanmar suốt hơn hai thập kỷ qua.
Xiêu lòng chàng thủy thủ
"Chuyện tình tôi với ông xã San Htin Cho, nếu kể ra thì có thể viết được... tiểu thuyết cũng nên!", chị Thanh bắt đầu câu chuyện tình lãng mạn với người bạn đời gốc Myanmar. Quả thật khi nghe chị kể, tôi đã bị hút vào câu chuyện tình lãng mạn, thú vị giữa hai người.
Hồi đó, chị làm nhân viên kiểm soát Hải quan tại cảng Sài Gòn, còn San Htin Cho làm thuyền trưởng tàu viễn dương, chuyên chở hàng hoá thông thường giữa Myanmar - Việt Nam. Một ngày nọ, anh chàng lái tàu người Myanmar cập bến Sài Gòn, và chỉ sau cái nhìn đầu tiên đã mê đắm cô kiểm soát viên xinh xắn, có nước da trắng ngần. Mới gặp mặt có hai ngày chàng đã ngỏ lời cầu hôn khiến nàng tưởng chỉ là lời nói đùa. Nhưng rồi chính sự chân thành của chàng đã khiến nàng cảm động.
Vợ chồng chị Thanh (đứng sau) tại nhà hàng Việt Nam House. |
Do công việc bận rộn, quãng thời gian hai người bên nhau không được nhiều nên mỗi lần về đất liền, chàng chỉ kịp nói vài lời rồi nhắn gửi tâm tình qua những lá thư. Mỗi lá thư như những dòng nhật ký mà chàng kể lại nàng quãng đường thời gian lênh đên trên biển và thổ lộ nhớ nhung, muốn mau chóng kết thúc chuyến hải hành để được về gặp người yêu. Đều đặn mỗi tuần 4 lá thư, cứ thế, tình yêu và sự chân thành của chàng khiến nàng lay động. "Lúc biết anh ấy đã không nghe theo lời gia đình về Yangon để lập thân, mà quyết định tiếp tục nghề thuyền trưởng chỉ để mỗi tháng được gặp tôi một lần, tôi thật sự cảm động!", chị Thanh kể.
Thời gian dần trôi cùng những lá thư thấm đẫm tình yêu của chàng thủy thủ đã khiến cô kiểm soát viên xinh đẹp xiêu lòng và quyết định làm dâu Myanmar. Câu chuyện tình lãng mạn kết lại bằng đám cưới ấm cúng được tổ chức tại Việt Nam. Suốt 5 năm sau ngày cưới, hai người đã cùng nhau chung hành trình trên con tàu PIYA I, lênh đênh miền viễn dương. "Đó là khoảng thời gian vất vả, nhưng cũng đầy kỷ niệm của hai chúng tôi", chị Thanh tâm sự.
Dạy đầu bếp Tàu nấu món Việt
Chị kể, thời gian đầu theo chồng qua Yangon định cư năm 1996 cảm thấy rất buồn vì không biết tiếng bản địa, lại chẳng có đồng hương, bạn bè nào. Rảnh rỗi, chị thích nấu ăn cho chồng con.
"Các bạn của chồng mình thường đến nhà bàn bạc công việc và dùng bữa. Họ thấy món ăn Việt mình làm ngon quá liền "gạ" gia đình mình mở quán ăn Việt. Ông xã thấy mình ở nhà sợ buồn nên quyết định xây một quán ăn nhỏ để mình làm cho vui. Thương hiệu Vietnam House bắt đầu từ đó", cô dâu Thanh kể lại quãng đường phổ biến món ăn Việt tại Myanmar.
Không hề học qua trường lớp nấu ăn nào nhưng chị Thanh lại nấu ăn rất ngon. "Hồi còn ở Việt Nam, mình thường cùng bạn bè hay đi ăn quán. Sau này theo chồng sang Myanmar, nhớ lại khẩu vị các món đó rồi nấu theo. Cứ tự mày mò nấu, mọi người khen ngon thế là thành món ăn", người đầu tiên đưa món ăn Việt tới Myanmar chia sẻ.
Thời điểm những năm 1995 - 2006, thương hiệu ẩm thực Vietnam House rất nổi tiếng tại Yangon. Quán ăn có sức chứa tới 100 khách của gia đình chị Thanh thường xuyên chật kín. Khách tìm đến không chỉ là người Việt sang Yangon làm ăn, công tác mà còn có đông đảo khách du lịch quốc tế, công chức tại các đại sứ quán, nhân viên công ty.
Cứ đến giờ cao điểm là khách phải xếp hàng dài chờ ngoài cửa vì không có chỗ ngồi. Lượng khách đông, một mình làm không xuể nên chị Thanh tuyển thêm đầu bếp. "Ông xã tôi tìm được vài đầu bếp người Tàu tay nghề kha khá nên khi mình dạy nghề, chỉ cần dạy qua là họ hiểu, nấu món Việt cũng rất được. Tuy nhiên, nhiều khách hàng khó tính vẫn yêu cầu phải chị Thanh vào bếp nấu, họ mới ưng", bà chủ Vietnam House kể lại.
"Mình luôn tâm niệm phải nấu bằng cái tâm, muốn khách quốc tế biết được món ăn Việt Nam ngon như vậy đó. Thấy nhiều khách, từ Âu đến Á đến quán ăn đều tấm tắc khen ngon, cảm thấy hạnh phúc và tự hào lắm", chị Thanh thổ lộ.
Giữ hồn cốt Việt nơi đất khách
Đến thăm nhà chị Thanh tại Myanmar, điều khiến tôi bất ngờ chính là khu vườn rau sau căn biệt thự sang trọng nằm giữa thủ đô Yangon. Trên khu vườn đó là những luống rau xanh mướt, nào kinh giới, diếp cá, hành, tía tô, húng quế, rau mùi, rau muống, mồng tơi...
Những luống rau mang giống từ Việt Nam. |
Để có những luống rau này, chị Thanh đã xin giống rau của những người Việt Nam sang Myanmar công tác, hoặc có ai về Việt Nam là gửi nhờ mua giống, rồi mang sang bên này trồng để bữa cơm gia đình mang đậm hương vị Việt. Không chỉ chị Thanh, mà chồng và cô con gái duy nhất của anh chị cũng rất thích các món ăn Việt Nam do chị nấu. "Con bé nghiện nhất cơm tấm Sài Gòn, còn ông xã thì cả tuần ăn bánh cuốn cũng không ngán. Được cái cả nhà ai cũng thích món ăn Việt Nam nên mình cũng thấy vui và hạnh phúc khi vào bếp tự tay nấu các đặc sản quê hương cho chồng con", chị Thanh tâm sự.
Có một chuyện mà mỗi khi nhắc đến, chị Thanh luôn nói với vẻ đầy tự hào, đó là việc cô con gái của mình dù mới 15 tuổi nhưng đã thông thạo cả 3 thứ tiếng Việt - Myanmar - Anh. "Hồi mới sinh cháu ra, chính ông xã đã bảo mình phải dạy tiếng Việt cho con gái để mình có người tâm sự mỗi khi buồn. Thấy chồng quan tâm, tâm lý vậy tôi hạnh phúc lắm", chị Thanh xúc động kể.
Suốt hơn 20 năm làm dâu Myanmar, chưa năm nào chị Thanh bỏ thói quen cúng Tết ông Táo, cúng đêm Giao thừa và mùng 1 Tết làm cơm, thắp hương gia tiên. Theo chị, đó là phong tục cổ truyền và dù ở đâu vẫn phải lưu giữ, phát huy. Không được đông đúc như ở các thành phố khác trên thế giới, nhưng cộng đồng người Việt tại Yangon với khoảng 200 người vẫn luôn giữ mối quan hệ mật thiết, đoàn kết.
"Năm nào cũng vậy, cứ khoảng 25 tháng Chạp, Đại sứ quán Việt Nam tại Yangon lại tổ chức gặp gỡ cho các đồng bào đang học tập, sinh sống tại đây. Ai cũng vui vì được quây quần bên mâm cơm có bánh chưng, củ kiệu, giò lụa, canh măng chân giò... Kỳ lạ khi ở Việt Nam chẳng mấy thèm mấy thứ đó nhưng sang bên này thèm cồn cào, chỉ chờ đến Tết để được ăn những món ăn cổ truyền và tận hưởng hương vị Tết quê hương trong sự đầm ấm", cô dâu Việt tâm sự.
Thuần Thư
(Theo ANTĐ Xuân Giáp Ngọ)